Thạc sĩ nông dân biến khát vọng thành hiện thực

03:01, 22/01/2014

Giải thưởng Lương Định Của 2013 của TW Đoàn trao tặng nhà nông trẻ Nguyễn Lâm Thanh không phải là một bất ngờ đối với chàng trai suốt 6 năm qua mày mò nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng phương pháp canh tác thủy canh vào cây dâu tây tại Đà Lạt. 

Giải thưởng Lương Định Của 2013 của TW Đoàn trao tặng nhà nông trẻ Nguyễn Lâm Thanh không phải là một bất ngờ đối với chàng trai suốt 6 năm qua mày mò nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng phương pháp canh tác thủy canh vào cây dâu tây tại Đà Lạt. 
 
Nguyễn Lâm Thanh (người đội mũ) và du khách đến tham quan vườn dâu của anh
Nguyễn Lâm Thanh (người đội mũ) và du khách đến tham quan vườn dâu của anh
 
Là người con của Đà Lạt, từ nhỏ, Lâm Thanh đã rất thích trái dâu tây, từ hình dáng đến mùi thơm, vị ngọt của loại trái cây này. Hình ảnh những giàn dâu treo với những quả đỏ mọng, lủng lẳng chỉ có trên ti vi đang phổ biến ở đất nước có nền nông nghiệp phát triển như Malaysia, Nhật Bản xa xôi luôn là một nỗi ám ảnh Thanh về một mô hình nông nghiệp hiện đại cho cây dâu tây. Phương pháp trồng dâu truyền thống của nông dân Đà Lạt là trồng theo luống dưới đất, sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng khi trái dâu là một loại quả trần (không vỏ) có mùi thơm đặt biệt nên chưa kịp chín ong muỗi đã bu lại chích; người nông dân thường phải xịt thuốc bảo vệ để khi thu hoạch quả được nguyên vẹn, không vẹo vọ. Khát vọng về một sản phẩm dâu sạch càng đeo đuổi khi năm 2003, Nguyễn Lâm Thanh trở thành sinh viên ngành nông nghiệp Trường Đại học Đà Lạt. Anh bắt đầu sưu tầm các giống dâu về trồng trong 10m 2 vườn nhà, lai tạo giống mới với giống cũ, theo dõi sự ra hoa, kết trái, qua đó chọn ra giống tốt, cho trái đẹp, ngọt… Lâm Thanh nghĩ: Để tránh nguồn gây bệnh phải cách ly những cây dâu khỏi đất và đưa vào nhà kính để không cho các loại côn trùng gây hại tiếp cận. Năm 2008, Nguyễn Lâm Thanh làm luận văn tốt nghiệp với đề tài “Trồng dâu tây trong môi trường không đất” và tiếp tục hoàn thành chương trình cao học năm 2010 cũng vẫn với đề tài này. 
 
Những trăn trở và diện tích 1.000 m 2 đất được ba mẹ ủng hộ, chàng thạc sĩ trẻ đã đầu tư nhà kính, làm giàn ba tầng với những bọc nilon giá thể xơ dừa dài 1m, mỗi bọc khoét hai hàng 8 lỗ, rồi trồng dâu vào các lỗ này, đặt lên giàn, cách ly khỏi mặt đất. Cây dâu dần bám rễ vào giá thể xơ dừa, các loại phân bón sinh học được hòa thành dung dịch nước tưới nhỏ giọt để cây dễ dàng hút chất dinh dưỡng. Với các bọc nilon ngắn, khi có phát sinh dịch bệnh sẽ dễ dàng xử lý ngay. Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống tưới tiêu hiện đại, Thanh còn lắp đặt nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ, sử dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, không sử dụng thuốc trừ sâu, không phun thuốc kích thích ép ra trái. Năng suất tuy không cao, nhưng tất cả vì mục đích cuối cùng của Thanh là tạo ra sản phẩm sạch nhất có thể đem đến người tiêu dùng. 
 
Vườn dâu của Nguyễn Lâm Thanh (46.Đa Phú, phường 7, Đà Lạt) nằm ngay trên đường đi hồ Suối Vàng và KDL Thung lũng Vàng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Khách đến tham quan vườn dâu, được tự tay chọn trái dâu mình thích, tìm hiểu mô hình trồng dâu, hiệu quả ra sao, và hoàn toàn yên tâm vì sản phẩm mình đang sử dụng là sản phẩm “siêu sạch” không hại sức khỏe. Càng thú vị khi vừa hái dâu vừa ăn ngay tại vườn, không cần rửa. Chính vì thế mà chàng thạc sĩ sinh học trẻ phải suốt ngày tất bật ngoài vườn, vừa chăm sóc vườn dâu, vừa làm hướng dẫn viên du lịch, vừa là nhà phổ biến khoa học giải thích giới thiệu cho du khách phương pháp trồng, quy trình chăm sóc. 
 
Vấn đề hiệu quả kinh tế là mục tiêu duy nhất, Nguyễn Lâm Thanh muốn xây dựng một mô hình nông nghiệp sạch, anh tâm sự: “Tôi mong muốn được mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm dâu siêu sạch, và đặc biệt, các du khách Việt Nam - nơi mà trái dâu tây còn xa lạ được nhìn thấy một vườn dâu hiện đại ngay trên chính quê hương Việt Nam mình chứ không chỉ là trên TV, và thú vị hơn họ được trải nghiệm, được ăn những quả dâu tự tay họ chọn và hái”. Với giá bán 180 - 220 ngàn đồng/kg (tùy kích cỡ quả), Thanh không đặt ra chỉ tiêu mỗi ngày vườn dâu của mình phải hái được bao nhiêu kg trái. Hái những trái dâu đỏ mọng trên giàn, chị Hoàng Ngọc Lan (Tp.Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi đã nhiều lần đến đây mua dâu, tôi rất thích cảm giác được thoải mái lựa chọn, hiểu được phương pháp trồng và chăm sóc cây nên hoàn toàn yên tâm. Dù giá có cao hơn ở ngoài, nhưng ở đây tôi được tự tay hái những quả mình thích từ trên cây xuống, và hoàn toàn yên tâm nó không gây hại cho sức khỏe”.
 
Khách đến vườn dâu ngày càng đông, sản phẩm không đủ bán. Tiền bán dâu, Thanh lại tiếp tục đầu tư mở rộng vườn dâu, diện tích từ 1.000m2 đến nay, vườn dâu của Nguyễn Lâm Thanh đã được mở rộng lên 10.000 m2 (1 ha). Giống dâu tây được Thanh chọn trồng là dâu Newzeland, vốn chất lượng rất thơm ngon, nay được canh tác bằng phương pháp thủy canh, nên chất lượng càng được hoàn thiện đã tạo nên thương hiệu dâu tây Lâm Thanh khẳng định niềm tin với người tiêu dùng. Không dừng lại ở đó, Thanh vẫn luôn trăn trở mong muốn sẽ lai tạo, tìm ra giống dâu mới thích ứng với môi trường Đà Lạt, có sức kháng thể mạnh, cho quả thơm, ngọt, đẹp. Với tất cả những gì đã làm vì một nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Nguyễn Lâm Thanh là 1 trong 120 công dân tiêu biểu của thành phố Đà Lạt được tôn vinh nhân dịp thành phố 120 năm hình thành và phát triển. 
 
QUỲNH UYỂN