Những thói quen có hại cho sức khỏe

01:02, 24/02/2014

Những biểu hiện mỗi khi chúng ta căng thẳng thường gây khó chịu cho người xung quanh. Nhưng lại có một số thói quen thực sự gây tổn hại cho sức khỏe của chính mình.

Những biểu hiện mỗi khi chúng ta căng thẳng thường gây khó chịu cho người xung quanh. Nhưng lại có một số thói quen thực sự gây tổn hại cho sức khỏe của chính mình.
 
Không nên biến hàm răng thành cái bấm móng tay - Ảnh: Shutterstock
Không nên biến hàm răng thành cái bấm móng tay - Ảnh: Shutterstock
 
Cắn móng tay
 
Sẽ không phải là chuyện lớn khi bạn cắn móng tay khi xem phim kinh dị, nhưng nếu nó trở thành thói quen thường xuyên, nó có thể gây tổn hại cả móng tay lẫn vùng da xung quanh chúng. Vi trùng từ miệng bạn được chuyển sang da tay và ngược lại. Vi khuẩn dưới móng có thể “di cư” sang miệng, gây nhiễm trùng nướu và cổ họng.
 
Xoắn và bứt tóc
 
Dùng ngón tay xoắn và bứt hết một mảng tóc sẽ gây tổn thương đến gốc tóc qua thời gian. Điều này tạo ra những khu vực rụng tóc tạm thời hoặc lâu dài cũng như nhiễm trùng. Hành động bứt tóc liên tục có thể là dấu hiệu của chứng nghiện bứt tóc - vốn cần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc men.
 
Bẻ cổ
 
Bẻ cổ kêu cái “rắc” có thể tạo cảm giác tốt cho bạn, nhưng việc lặp đi lặp lại hành động này sẽ khiến những dây chằng xung quanh cổ trở nên cơ động quá mức và dễ bị thương hơn. Ngoài ra, hành động bẻ cổ gây hao mòn khớp xương và dẫn đến bệnh viêm khớp qua thời gian. Trong những trường hợp hiếm hoi, bẻ cổ có thể kích hoạt một cơn đột quỵ.
 
Nghiến răng
 
Cứ luôn nghiến răng khi căng thẳng sẽ gây thảm họa cho sức khỏe răng miệng. Nghiến răng khiến răng nứt và gãy, thậm chí có thể gây tổn thương khớp hàm dưới dạng rối loạn khớp thái dương - hàm.
 
Mút và nhai kẹo
 
Mút kẹo cứng khiến răng bạn “ngập” đường, dẫn đến sâu răng. Vi khuẩn sống khỏe bằng đường từ kẹo, qua đó tăng cường khả năng phá hoại răng. Ngoài ra, việc nhai kẹo cứng có thể gây hỏng răng hoặc khiến bạn phải tìm đến nha sĩ để chỉnh sửa “cái gốc con người” của mình.
 
Liếm hoặc cắn môi
 
Việc liếm môi lúc căng thẳng khiến chúng bị “phơi nhiễm” các enzyme tiêu hóa. Những enzyme này gặm mòn da, gây viêm da và viêm môi, khiến chúng khô và nứt nẻ. Cắn môi khi căng thẳng có thể dẫn đến sự hình thành các bướu thịt cần phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ.
 
Gặm phần trong của má
 
Giống như cắn móng tay, gặm má trở thành một thói quen khi căng thẳng. Phần trong của má thường phồng lên nên dễ bị gặm. Lặp đi lặp lại hành động này sẽ gây viêm mãn tính, thậm chí xuất huyết.
 
Cắn bút
 
Tương tự như cắn móng tay, việc cắn bút khi căng thẳng sẽ tạo điều kiện để vi trùng và vi rút xâm nhập cơ thể và gây bệnh, chẳng hạn như cảm lạnh. Ngoài ra, hành động cắn bút còn gây tổn hại cho răng cũng như đe dọa phần mô mềm và nướu răng.
 
(Theo Báo Thanh niên)