Thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không đảm bảo an toàn… được xem là mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết này xin giới thiệu một số cách nhận dạng thực phẩm không an toàn để các bà nội trợ luôn chọn cho mình những thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho cả gia đình.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không đảm bảo an toàn… được xem là mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết này xin giới thiệu một số cách nhận dạng thực phẩm không an toàn để các bà nội trợ luôn chọn cho mình những thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho cả gia đình.
Thịt trâu, bò: Trong thịt bò và thịt trâu có nguy cơ nhiễm kén sán nhiều hơn thịt lợn. Vì vậy, khi mua thịt trâu, thịt bò, người tiêu dùng nên tránh những miếng thịt có các bọc nhỏ xen giữa các thớ thịt, bắp thịt. Khi thái, bằng mắt thường nếu thấy những đốm trắng to bằng đầu kim là miếng thịt đã bị nhiễm giun xoắn. Còn nếu miếng thịt nhiễm sán thì sẽ có những hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt đậu có màu trắng nằm dọc theo các thớ thịt. Nếu thịt ướp urê hoặc hàn the thì khi cầm vào miếng thịt thấy cứng hơn, không còn cảm giác mềm mại và độ dẻo dính như thịt tươi.
|
Nên chọn thịt có màng ngoài khô, thớ thịt đều, khối thịt chắc. |
Thịt gà: Với thịt gà làm sẵn, nên lựa chọn những con có màu sắc tự nhiên, thớ thịt mịn, có độ đàn hồi cao. Da gà phải kín và lành lặn, không có vết bẩn, mốc hoặc vết lạ gì khác. Nếu thịt gà bị chết (gà toi) trước khi mổ, thịt gà sẽ có màu đen xạm hơn do máu bị đọng lại, chảy ra không hết trong khi làm thịt. Trong trường hợp mua gà vẫn còn sống, nên tránh những con gà bị xù lông, chảy dãi, mào tím tái, mắt lờ đờ hoặc nhắm tịt lại như buồn ngủ vì những biểu hiện này cho thấy gà không được khỏe mạnh. Gà ngon, khỏe mạnh là những con có bộ lông óng mượt, mắt tinh nhanh, mào đỏ tươi, chân bé, lườn căng.
Thịt lợn: Khi mua, người tiêu dùng nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu trên thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra là miếng thịt tươi. Ngoài ra, các thớ thịt phải đều, màng ngoài khô, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc.
Cá: Với các loại cá, tốt nhất là nên chọn cá vẫn còn bơi trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể lựa chọn cá vừa mới chết nếu đặt lên lòng bàn tay, thân cá co cứng, thịt rắn chắc không thõng xuống. Mang cá có màu đỏ tươi dán chặt xuống hoa khế, miệng cá ngậm cứng, mắt cá trong suốt.
Trứng: Khi chọn trứng, người tiêu dùng nên nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ để hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào trứng ở một đầu, đầu kia soi trên một nguồn ánh sáng của mặt trời hay một ngọn đèn điện. Nếu bên trong lòng trứng có màu hồng và trong suốt với một chấm hồng ở giữa, túi khí không quá 1cm, đường bao quanh cố định là trứng tốt. Nếu trong lòng trứng có vết máu hoặc những sợi nhỏ thì trứng đã nhiễm giun, sán. Có thể thử bằng phương pháp lắc trứng bằng cách cầm quả trứng giữa hai ngón tay trỏ và cái. Quả trứng mới đẻ lắc sẽ không có tiếng kêu, còn nếu trứng để càng lâu thì càng lắc càng kêu to.
Nội tạng động vật: Nên lựa chọn loại thực phẩm có chứng nhận kiểm dịch thú y. Ngoài ra, màu sắc của nội tạng phải tự nhiên, không có đốm xuất huyết, không có mùi lạ, không có ruồi, côn trùng đậu. Khi sờ bằng tay thấy chắc, có độ đàn hồi tốt, không chảy nước, không có nhớt và các mạch máu trên nội tạng rõ, màu sắc tươi.
(Theo Bác sĩ Hải Lê - Báo Sức khỏe & Đời sống)