Đã có một quá khứ lầm lỡ, nhưng Đào Mộng Linh - Bí thư Chi Đoàn tổ 11, phường B'Lao (Bảo Lộc) không tự ti, mặc cảm. Ngược lại, Linh thường nhắc đến sự vấp ngã như một trải nghiệm tốt, một cơ hội; để từ đó, có thể "đứng lên" và trở lại với cuộc đời.
Đã có một quá khứ lầm lỡ, nhưng Đào Mộng Linh - Bí thư Chi Đoàn tổ 11, phường B’Lao (Bảo Lộc) không tự ti, mặc cảm. Ngược lại, Linh thường nhắc đến sự vấp ngã như một trải nghiệm tốt, một cơ hội; để từ đó, có thể “đứng lên” và trở lại với cuộc đời.
|
Đào Mộng Linh với công việc chế tác gỗ |
Năm 20 tuổi, Linh rời vùng quê Đoan Hùng (Phú Thọ) vào Bảo Lộc. Cuộc sống nơi đất mới với nghề làm thuê không ưu ái cậu trai còn nhiều non nớt. Trong một phút nông nổi, Linh theo bạn bè về TP HCM và lập tức dính vào ma túy. Linh kể: “Nghe lời bạn rủ rê, mình cũng thử cho biết, nhưng mới thử tới liều thứ hai thì mình bị bắt”. Năm đó, Linh vừa đón sinh nhật 21 tuổi. Ngưỡng cửa vào đời tưởng như đã khép lại với Linh, nhưng không. Trung tâm cai nghiện ma túy Bình Đức (Phước Long, Bình Phước), nơi Linh dành 4 năm sau đó để vừa cải tạo vừa làm đồng đẳng viên, đã giúp Linh học được những bài học đầu tiên của ý chí và nghị lực.
Trở về từ quá khứ lầm lỡ, Linh quyết tâm dành thời gian để học lấy cái nghề. Vốn đã biết nghề chế tác gỗ từ trước, nên Linh tìm thầy học và học khá nhanh. Mất 1 năm học nghề và 2 năm làm công, Linh đã “cứng” với công việc đục, đẽo, gọt, nắn và tạo hình những bức tượng, những tác phẩm có hồn. Cũng thời gian đó, Linh được người thân giới thiệu với công tác Đoàn ở tổ 11, phường B’Lao. Đắn đo, suy nghĩ và có cả những ngại ngần, trăn trở, nhưng rồi Linh đã quyết định đến với những bạn trẻ đồng trang lứa trong màu áo xanh. Chính từ môi trường sinh hoạt Đoàn, Linh đã trưởng thành và tìm được niềm vui sống. “Ban đầu, mình chỉ tham gia vì thấy hứng thú thôi chứ chẳng tâm huyết gì. Nhưng càng gắn bó với các bạn, với công tác Đoàn, mình càng cảm thấy say mê và không bỏ được!” - Linh chia sẻ như thế.
Trong vai trò là Bí thư Chi Đoàn tổ 11, Linh thu hút đoàn viên, thanh niên bằng cách đến từng nhà thuyết phục, động viên; thậm chí, chia sẻ kinh nghiệm lầm lỡ và quyết tâm hoàn lương của bản thân để kêu gọi nhiều bạn trẻ nghiện, hút từ bỏ ma túy mà đến với Đoàn. Linh tự hào: “Ở tổ 11 này, ngoại trừ các bạn trẻ đã đi xa để học, để làm, còn lại đều được mình vận động ra sinh hoạt Đoàn”. Hiện, Chi Đoàn tổ 11 có 12 đoàn viên và hơn 30 thanh niên. Mỗi tháng 2 lần, chừng ấy con người lại gặp nhau, cùng sinh hoạt và cùng làm công tác tình nguyện. Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Bí thư Đoàn phường B’Lao, cho biết: “Linh là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình. Không chỉ phụ trách công tác Đoàn ở tổ 11, Linh còn là Trưởng Cụm 3 (gồm 4 Chi Đoàn tổ 10, 11, 12, 13) của phường B’Lao, nhiều năm liền đều đạt là Cụm Đoàn xuất sắc”.
Trên mảnh đất chừng hai chục mét vuông do Đoàn phường B’Lao tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, Linh dựng một ngôi nhà nhỏ, dành mảnh sân bên cạnh làm nơi chế tác gỗ. Có cơ sở để làm nghề, Linh nhận các bạn trẻ yêu thích nghề tạc tượng gỗ trong Chi Đoàn đến học việc. Vừa học vừa làm, khi đã ra được sản phẩm, các bạn được trả lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Linh cho biết: “Làm nghề này thu nhập tùy vào sản phẩm, nhưng trung bình kiếm được 20 - 30 triệu đồng/tháng”.
Linh tâm sự: “Tuy cuộc sống còn vất vả, nhưng có được hôm nay là điều trước đây mình chưa từng mơ tới. Có gia đình, có công việc, có niềm vui sống, đã là quá nhiều với một người từng lầm lỡ như mình!”. Hỏi Linh ước mơ? - “Có chứ, rằng một ngày nào đó, một duyên may nào đó, sẽ giúp Linh có cơ hội mở rộng xưởng chế tác, thành lập doanh nghiệp và thu hút thêm nhiều bạn trẻ đến học nghề… Thành công của hôm nay, có phần đóng góp rất lớn từ quá khứ”. Linh bảo: “Mình cám ơn quá khứ. Vì nhờ vấp ngã, mà mình đã có thể đứng lên…”.
HẢI UYÊN