Suy nghĩ thêm từ một phương thuốc Đông y chữa bệnh sởi

04:04, 30/04/2014

Khác hẳn ngày nay khi khoa học đã phát triển, từ xưa trong dân gian Việt Nam coi mọc sởi là chuyện "đương nhiên", "nhỏ như con thỏ". Những bà mẹ mù chữ, đông con giàu trải nghiệm về bệnh nhi khoa coi việc chữa trị sởi là trong tầm tay nên chẳng có gì phải hoảng hốt, thậm chí "không xúc động" mấy. Chữa bệnh cũng như giải quyết nhiều việc khác, có cách giản đơn, có cách phức tạp, có khi như cái mẹo vậy.

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng nói về bệnh sởi ghê quá. “Bác sĩ và bệnh nhân quay cuồng trong cơn bão sởi”. “Nhiều người kêu gọi quyên góp cả tỷ đồng để mua máy thở, bơm tiêm điện cho bệnh nhi của các bệnh viện”. “Sởi nhiễm cả người lớn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời”. “Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu”…
 
Khác hẳn ngày nay khi khoa học đã phát triển, từ xưa trong dân gian Việt Nam coi mọc sởi là chuyện “đương nhiên”, “nhỏ như con thỏ”. Những bà mẹ mù chữ, đông con giàu trải nghiệm về bệnh nhi khoa coi việc chữa trị sởi là trong tầm tay nên chẳng có gì phải hoảng hốt, thậm chí “không xúc động” mấy. Chữa bệnh cũng như giải quyết nhiều việc khác, có cách giản đơn, có cách phức tạp, có khi như cái mẹo vậy.
 
Năm 1973, con gái đầu lòng của tôi lên sởi, lúc đó cháu lên hai, mặc dù đã là cán bộ y tế tôi vẫn sợ. Mẹ tôi bảo đến nhà ông lang Chanh (ở rìa thị xã Bắc Ninh lúc đó) mua ít thuốc Đông y là khỏi, ông ấy nổi tiếng về cái mẹo chữa sởi. Làng quê nào cũng có những người tài, hỏi thăm đến nhà chẳng khó khăn gì. Ông lang Chanh đưa cho tôi một nhúm bột thuốc (nằm gọn trong lòng bàn tay), nói là về cho vào cái đĩa, đốt lên dưới chân giường là xong. Tôi làm y như lời dặn, hai ngày sau sởi mọc đều khắp người, “nọc sởi không chạy vào trong”, nghĩa là khỏi, không gây biến chứng.
 
Nhúm bột thần diệu ấy chính là bột hạt mùi (hạt ngò). Vì chuyên nghiên cứu tinh dầu làm thuốc tôi phát hiện ra ngay, đến cám ơn và nói với ông. Thường thì để giữ bí quyết, các lương y nghiền dược liệu thành bột, có khi thêm một số thành phần khác vào để tung hỏa mù. Biết là đồng nghiệp nên ông không giấu nữa và cho biết thêm theo cách nói của ông: “Sởi mọc được thoát ra ngoài là tốt, để nọc nó chạy vào trong là ngạt mà chết hoặc mù mắt. Biết thì rất dễ, khói hạt mùi thúc cho nó mọc đều ra ngoài. Có vậy thôi!”. Như thế là không dập tắt sởi, mà thúc, tạo điều kiện cho nó phát ra ngoài. Sởi không đáng sợ, nhưng biến chứng thì sợ. Chủ tịch hội đồng chuyên môn phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế đã khẳng định đến nay chưa phát hiện có biến đổi gen và các typ sởi lưu hành tại Việt Nam không có sự thay đổi động lực của virus. 
 
Mấy năm trước tôi có ý định sản xuất một loại nhang làm từ hạt mùi (đúng tên là quả mùi, quả ngò theo giải phẫu thực vật) để chữa sởi, nhưng trao đổi với một số đồng nghiệp Viện Pasteur Đà Lạt thì họ nói: “Ông lạc hậu quá rồi, ngày nay đã có vắc xin sởi”, thành ra tôi bỏ ý định. Trong cơn “bão sởi”, VTV đưa tin giá hạt mùi tăng từ một trăm ngàn đồng một ki lô lên hai trăm rồi hai trăm rưỡi… tôi mới sực nhớ lại. Giở sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” NXB Y học 2004, in lần thứ 12 của giáo sư Đỗ Tất Lợi trang 418 thấy có bài thuốc “Đậu sởi không mọc”: Quả mùi 80g tán nhỏ, rượu 100ml, nước 100ml. Đun sôi, đậy kín tránh bay hơi. Lọc bỏ bã. Phun từ đầu đến chân trừ mặt. Đậu sẽ mọc ngay (kinh nghiệm dân gian). Theo tôi phương thức dùng của ông lang Chanh có phần hợp lý hơn ở chỗ không dùng nước, cồn vì nó làm lạnh da người bệnh. Lên sởi kị nhất là nước, gió, phải giữ cho da khô, ấm, không ăn thức ăn lạnh như mì, bún, rau sống, trái cây, kiêng đường (nhưng được ăn mía nướng?). Đường khác mía ở chỗ có thêm vôi khi kết tinh, điều này tôi chưa rõ lắm.
 
Cơ thể sinh vật kỳ diệu, nó là bác sĩ của chính mình, thường là ta chưa hiểu hết. Nhiều khi tăng thân nhiệt là cơ chế diệt vi khuẩn gây bệnh. Ở đây ngược lại, khi bị sởi phải kiêng nước, tránh gió sởi mới lên được, nếu ta thấy thân nhiệt hơi cao vội dập tắt nó bằng thuốc hạ sốt, làm toát mồ hôi hạ nhiệt sớm quá có nên chăng? Dùng các thuốc kháng sinh không tác dụng với virus, chỉ với mục đích chống bội nhiễm bởi những vi trùng gây bệnh khác, vậy thì chưa biến chứng có nên dùng không? Bệnh nhân tập trung quá đông trong bệnh phòng dễ lây chéo. Sởi mọc trong đường hô hấp gây phù nề và tăng tiết dịch niêm mạc phế nang khiến trao đổi ô xy khó khăn, thoáng là cần thiết, trong khi bệnh phòng chật ních bệnh nhi và người nhà thì có khi ở gia đình lại tốt hơn. Đã nhất thiết phải nhập viện chưa? Không nhiều thì ít, thuốc nào cũng có những tác dụng không mong muốn, xét nghiệm nhiều quá cũng không nên. Thay đổi môi trường sinh hoạt làm ảnh hưởng đến tiêu hóa, dinh dưỡng của trẻ nhỏ, khiến cơ thể suy nhược, giảm sức đề kháng, dễ đổ bệnh. Khôn ngoan, tự trang bị một số kiến thức y học phổ thông, lắng nghe cơ thể, đỡ làm rắc rối và tốn kém tiền của là điều thiết thực.
 
Trở lại với thần dược hạt mùi (ngò). Khi đốt lên tinh dầu bay ra có hàng trăm thành phần, nói là hàng ngàn cũng được, vì trình độ phân tích càng cao càng nhận biết nhiều. Nhưng chủ yếu là chất linalool và các dẫn chất của nó chiếm khoảng 80% trong tinh dầu. Đây cũng là thành phần chủ yếu của tinh dầu la văng (oải hương), loại cây thảo mọc ở vùng Địa Trung Hải. Cây oải hương ra hoa dùng làm gối đầu trị cảm cúm, làm nước rửa vệ sinh trong các đấu trường La Mã từ thời cổ đại, hoặc phun các nhà hát tẩy trùng làm thơm trước khi đón khán giả. Tinh dầu la văng còn dùng làm nước hoa, mỹ phẩm và các thuốc sát trùng lợi tiêu hóa, kích thích thần kinh tỉnh táo. Nhân dân ta tắm nước cây mùi già đêm ba mươi tết để tẩy xui, đón năm mới. Trong men rượu cũng có bột hạt mùi, nhang (hương) có hạt mùi thì chuối mau chín và đẹp (lên trứng cuốc). Thành phần tương tự tinh dầu mùi tìm thấy trong ngọn cam (citrus bergamot), bạc hà (mentha citrata), thiên niên kiện… Mấy chục năm trước, Việt Nam có xuất khẩu dược liệu này.
 
Có thể từ nhiều năm trước chúng ta tiêm chủng sót, hoặc thiếu vắc xin sởi, dịp lễ 30/4 và 1/5 tới, khách du lịch nhiều, sởi lan tràn cũng đừng sợ, nhiều người bị sởi thì nhiều người được miễn dịch tự nhiên, sang năm, sang năm nữa người mắc bệnh sởi sẽ ít hơn.
 
Dược sĩ Chu Bá Nam