Đôi mắt bị lão hóa nhìn không còn thấy rõ sợi len, sợi chỉ và căn bệnh đau khớp vẫn từng ngày dày vò thể xác bà, thế nhưng, bà Ka Brên (64 tuổi, ngụ tại xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai) vẫn nỗ lực là người phụ nữ suốt 59 năm sống bằng nghề đan thổ cẩm, giúp gìn giữ nét văn hóa, truyền thống dân tộc Châu Mạ đang ngày càng mai một.
Đôi mắt bị lão hóa nhìn không còn thấy rõ sợi len, sợi chỉ và căn bệnh đau khớp vẫn từng ngày dày vò thể xác bà, thế nhưng, bà Ka Brên (64 tuổi, ngụ tại xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai) vẫn nỗ lực là người phụ nữ suốt 59 năm sống bằng nghề đan thổ cẩm, giúp gìn giữ nét văn hóa, truyền thống dân tộc Châu Mạ đang ngày càng mai một.
|
Bà Ka Brên |
Bà Ka Brên sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nhưng có truyền thống làm nghề đan thổ cẩm của người Châu Mạ lâu đời, nên từ rất sớm bà đã kế thừa được những nét đẹp văn hóa, truyền thống của cha ông mình. Dù cuộc sống của người Châu Mạ còn nhiều khó khăn, thường ngày quen với công việc lên nương, lên rẫy, kiếm sống chủ yếu nhờ vào lên rừng… nhưng từ nhỏ bà đã cần cù, chịu khó, nỗ lực làm việc và tranh thủ thời gian học cái nghề đan thổ cẩm từ người mẹ, người bà. Tưởng đâu công việc đan thổ cẩm sẽ rất khó khăn đối với một đứa trẻ mới 12 tuổi nhưng bà Ka Brên vẫn bền bỉ học hỏi, tập tành đan từng sợi len, sợi chỉ theo mẹ và bà ngoại. Để rồi, sau 3 năm cố gắng học nghề đan thổ cẩm, bà Ka Brên đã tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình bằng việc làm ra những túi xách, áo, quần, cái ùi thổ cẩm… của người Châu Mạ đem bán. Đôi tay yếu ớt từ chỗ không thành thạo với khung dệt, với từng sợi thổ cẩm mỏng manh, nay, sau nhiều năm gắn bó với nghề, bà đã dệt được hàng ngàn tấm thổ cẩm sắc sảo và đẹp mắt, được nhiều người trong làng yêu thích.
Từ năm 15 tuổi, cứ mỗi lần người trong làng đặt đan đồ thổ cẩm, bà Ka Brên dành dụm những đồng tiền từ việc bán ngô, sắn… của gia đình để mua sợi len, sợi chỉ hoặc nhờ người ta mua dùm, còn bà dùng đôi tay khéo léo của mình để đan thành những cái túi xách, áo, cái quần, cái ùi… đẹp mắt. Đến nay, bà Ka Brên đã làm ra hàng ngàn tấm thổ cẩm. Thời điểm hiện tại giá của mỗi loại bà bán với mức, cái áo, quần thổ cẩm trung bình 300.000đồng-400.000đồng/cái, chiếc túi xách thổ cẩm bán với giá 100.000 đồng/cái. Còn những tấm ùi thổ cẩm bán hơn 1.200.000đồng/cái. Mỗi cái túi, áo, quần, ùi thổ cẩm… cần trung bình từ ba tuần đến một tháng mới hoàn thành, dù khó khăn, vất vả nhưng trên khuôn mặt bà Ka Brên vẫn nở nụ cười. Bà Ka Brên chia sẻ: “Tôi làm nghề đan thổ cẩm từ nhỏ, cuộc sống ông bà ta xưa giờ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cực lắm, tôi muốn dùng chính đôi tay mình để làm ra những tấm thổ cẩm ngoài việc đem bán kiếm tiền, còn muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình để nghề này không bị thất truyền”.
Đồ thổ cẩm mà bà Ka Brên làm ra được nhiều người trong thôn, trong xã biết đến, thậm chí được các khách hàng là người dân tộc thiểu số ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Lâm Hà, Di Linh… đến mua và đặt hàng. Giờ đây, cuộc sống của gia đình bà Ka Brên cũng đỡ khó khăn hơn, 7 người con đều đã lập gia đình.
Giờ đây, dù đôi mắt Ka Brên đã mờ nhòa, để đan được những tấm thổ cẩm bà phải đeo kính lão, cố gắng mò từng sợi len, sợi chỉ mà đan. Căn bệnh đau khớp vẫn từng ngày hành hạ bà, nhưng bà Ka Brên vẫn miệt mài bên khung cửi làm nên hàng ngàn tấm thổ cẩm sắc sảo và đẹp mắt để mưu sinh. Và điều bà Ka Brên muốn chính là góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa, truyền thống của nghề đan thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, để nó không bị mai một.
K’ LIỆP