Ký kết hợp đồng đào tạo nghề

04:05, 08/05/2014

Một thực trạng không phải là không phổ biến: Người lao động học nghề xong phải gõ cửa hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác để xin việc; trong khi, không ít doanh nghiệp thiếu lao động để bố trí vào những vị trí làm việc theo yêu cầu của mình. Thực trạng này bắt đầu từ nguyên nhân người lao động có tay nghề sau khi đào tạo không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. 

Một thực trạng không phải là không phổ biến: Người lao động học nghề xong phải gõ cửa hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác để xin việc; trong khi, không ít doanh nghiệp thiếu lao động để bố trí vào những vị trí làm việc theo yêu cầu của mình. Thực trạng này bắt đầu từ nguyên nhân người lao động có tay nghề sau khi đào tạo không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. 
 
Khắc phục tình trạng trên, trong thời gian gần đây, Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng đã “kéo” doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu trong chương trình đào tạo nghề cho người lao động. Cụ thể là mới đây, Sở đã có thông báo gửi các doanh nghiệp (và một số cơ quan, ban ngành liên quan) trong tỉnh về việc “tổ chức đào tạo nghề gắn với tuyển dụng tại doanh nghiệp”. Với các doanh nghiệp, thông báo có nội dung: Đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề; Sở sẽ làm việc với doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề để ký kết hợp đồng đào tạo nghề; doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia đề xuất nội dung chương trình đào tạo... Cùng với thông báo này, Sở LĐ-TBXH cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện và thành phố trong tỉnh về việc “triển khai các lớp đào tạo nghề xã hội năm 2014” với nội dung: “Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng LĐ-TBXH phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND các xã, phường, thị trấn lựa chọn các nghề cần đào tạo, ưu tiên các nghề phục vụ sản xuất công nghiệp, TTCN, dịch vụ để hình thành các tổ hợp tác, doanh nghiệp trên địa bàn, gắn với các dự án hỗ trợ sản xuất ở các vùng đồng bào dân tộc, người khuyết tật, người nghèo; đảm bảo ít nhất 80% lao động sau học nghề tự tạo việc làm, được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc giao hàng gia công”. Cũng theo văn bản này, tổng kinh phí để triển khai các lớp đào tạo nghề xã hội năm 2014 của Lâm Đồng là 1,5 tỷ đồng và tổng số lao động được đào tạo nghề là 1.500 người. 
 
Theo kế hoạch thì từ nay đến năm 2020, mỗi năm Lâm Đồng đào tạo từ 7.000 - 10.000 lao động (chủ yếu là lao động nông thôn); và đảm bảo ít nhất có 80% lao động sau học nghề có việc làm. Con số 1.500 lao động được đào tạo theo chương trình dạy nghề xã hội so với con số 7.000 lao động (lấy con số nhỏ nhất) được dạy nghề mỗi năm của tỉnh là con số không lớn. Tuy nhiên, ngay cả con số “nhỏ” 1.500 lao động với mức 80% người có việc làm sau đào tạo cũng đủ để trở thành mức phấn đấu khó đạt nếu như không có sự “bắt tay” của các doanh nghiệp. Bởi lẽ, một thực tế cần được thẳng thắn thừa nhận là, bấy lâu nay, mặc dầu các doanh nghiệp luôn kêu ca thiếu lao động nhưng việc chủ động ngay từ đầu trong khâu đào tạo nghề thì chưa được các chủ doanh nghiệp quan tâm một cách đúng mức. Và vì thế, việc “ký kết hợp đồng đào tạo nghề” trong tổ chức đào tạo nghề với các doanh nghiệp ngay từ đầu là việc làm vô cùng cần thiết.
 
Khắc Dũng