Mùa hoa rừng nở rộ

03:05, 21/05/2014

Hàng năm, từ tháng ba đến tháng 5, là mùa hoa rừng nở, cũng là mùa ong đi tìm mật. Mật từ hoa là lộc rừng quý giá được thiên nhiên ban tặng cho con người...

Hàng năm, từ tháng ba đến tháng 5, là mùa hoa rừng nở, cũng là mùa ong đi tìm mật. Mật từ hoa là lộc rừng quý giá được thiên nhiên ban tặng cho con người. Mỗi năm thợ sơn tràng ở Nam Tây Nguyên lấy về hàng trăm lít mật ong rừng, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình. Nhấp một tí mật ong rừng ngọt lịm với mùi hương thơm phức làm lâng lâng lòng người. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có được vị ngọt ngào vàng sánh ấy, người đi rừng phải trải qua bao sự gian truân vất vả, thậm chí mất mạng giữa rừng già heo hút. 
 
Đôi bạn. Ảnh: P.V.E
Đôi bạn. Ảnh: P.V.E
 
Đời người đời ong
 
Phải hỏi thăm đến 5 người, chúng tôi mới tìm được nhà anh Đỗ Hữu Lợi, thợ lấy mật ong rừng có “thương hiệu” ở tận đầu đèo Bảo Lộc. Rất may là gặp anh ở nhà, mặc quần đùi, mình trần đang ngồi trước hiên kéo thuốc lào sòng sọc. Anh Lợi 43 tuổi, dân gốc Hà Tây nhưng định cư ở sơn nguyên này trên 20 năm. Ngoài thân hình vạm vỡ, gương mặt phúc hậu, anh còn có 10 năm thâm niên đi rừng lấy mật làm nghiệp mưu sinh.
 
Biết tôi có ý định tìm hiểu về cái nghề gian khổ giữa rừng già, anh Lợi khoác vội chiếc áo bạc màu sương gió, không cần cài nút, nổ máy xe phành phạch dẫn chúng tôi đến nhà ông Phạm Lực là thầy truyền nghề cho anh, cách đó vài trăm mét. Ông Lực 52 tuổi, quê gốc ở Hương Sơn, Hà Tĩnh sát biên giới Việt Lào, một người đã có 40 năm làm nghề lấy mật cả Đông Dương, đến cuối đời định cư ở Nam Tây Nguyên. Hình như, những cư dân tồn tại với thiên nhiên còn giữ được khá nhiều mẫu người nguyên chất, nên suốt câu chuyện hai thầy trò ông Lực kể cho tôi nghe một cách chân thật về cái nghề mồ hôi trộn máu của núi rừng. 
 
Anh Lực người dong dỏng cao, nước da tai tái, gương mặt lúc nào cũng như cười. Anh kéo chúng tôi ra ngồi dưới gốc bơ già đang mùa ra hoa uống trà, chậm rãi kể chuyện nghề bằng cuộc đời thật.
 
“Ong là một loài sinh vật đặc biệt, về tổ chức giống như con người là nội bộ phân công, phân nhiệm rõ ràng, nhưng kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Đặc biệt với những con ong chỉ biết hưởng thụ đều bị đồng loại xua đuổi ra khỏi tổ, sống vất vưởng vài tuần rồi chết.” Ông Lực mở đầu câu chuyện một cách từ tốn. 
 
Dường như để minh chứng sự thành công của đời người lấy mật, ông dẫn chúng tôi tham quan tổ ấm của mình. Đó là ngôi nhà xây khang trang nằm ven con suối đầy gió lộng. Bên hiên nhà từng chùm hoa lan rừng nở muộn treo lủng lẳng nhuộm vàng cả góc sân. Ông cho biết tiền thu được từ nghề mật và lan rừng mỗi năm, đã góp phần làm nên ngôi nhà này. Điều đặc biệt trong phòng khách có cặp ngà voi rất lớn. Tôi xin phép được chạm tay rồi xót xa chép miệng về số phận con voi bất hạnh đã bị tiêu diệt chỉ để làm món đồ trang trí, đánh bóng cho sự xa hoa của con người. Có lẽ đụng chạm với nghề, nên ông Lực giải thích đây là sáp ong đổ theo hình ngà voi để kỷ niệm đời người đời ong chứ không phải ngà thật. Những người đi mật không bao giờ sát hại thú rừng, vì luật đời có vay có trả. Ngay cả con gấu - loài động vật tranh giành mật ong với người cũng được xem là bạn, có như thế mới tồn tại bền vững. Ông Lực giải thích theo suy nghĩ của người đầy trải nghiệm sống giữa đại ngàn.
 
“Tôi theo nghề gia tộc này từ lúc 12 tuổi. Mật ở vùng hạ Lào vàng và đậm đặc hơn, có tổ to bằng chiếc chiếu, nằm vắt ngang dưới nhánh cây, cao hai ba chục mét. Nhiều khi phải trèo 3 tiếng đồng hồ mới đến tổ, đến nơi rồi còn phải tính toán để lại cái gì lấy cái gì. Mục đích không để đàn ong bị sát thương mà còn chừa lại cho chúng cái ăn khi mùa hoa rừng cạn kiệt không còn mật nữa. Suy cho cùng, người thợ ong chân chính nào cũng đều có tâm với nghề. Lấy mật nhưng phải biết bảo vệ rừng, bảo vệ ong, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mới gọi là thợ. Mà muốn trở thành chân chính phải tu dưỡng đạo đức căn cốt mới được. Nhiều lần bọn tôi gặp một tổ ong, chứng kiến hàng nghìn con ong nằm chết la liệt. Xót xa cầm mấy con đưa lên ngửi mới phát hiện mùi thuốc diệt côn trùng. Cứ như thế này thì khoảng chục năm nữa ong mật sẽ tuyệt chủng thôi. Hơn 40 năm trong nghề, tôi theo dõi và nhận ra những con người bất nhân ấy đều bị trả giá một cách thảm thương. 
 
Tìm mật giữa rừng
 
Sáng hôm sau, thầy trò ông Lợi dẫn tôi đi lấy mật cách nhà 10km, nơi mà ông Lực phát hiện vài chú ong bay nặng nề và xoáy theo hình trôn ốc hôm trước ở tận trong rừng. Có đi xuyên rừng mới thấy sự vất vả gian truân, hai chiếc xe máy theo lối mòn nhỏ lao vút vào rừng sâu. Tôi ngồi sau ông Lợi thấy hai chân ông làm việc liên tục, lúc đạp vào mô đất này, lúc đá vào thân cây kia để giữ xe thăng bằng, hiếm thấy ông đặt chân lên cần thắng. Mà có đạp thắng cũng chẳng có tác dụng gì đối với con đường trời đổ mưa hôm qua. Tay ga cứ ồng ộc, máy xe cứ gầm gừ như con thú bị thương cố gắng lết thân mình về phía trước. Đi được khoảng 40 phút, chúng tôi bỏ xe lại, lấy cây lá ngụy trang, cả 3 người trèo xuống con suối nhỏ ngồi trên tảng đá chờ đợi. Ông Lực phát hiện được mấy chú ong xuống khe tìm nước chỉ cho chúng tôi xem, rồi chăm chú theo dõi hướng bay. Ông giải thích: “Muốn biết con ong làm tổ ở đâu, người tìm mật phải bắt đầu từ những khe nước. Nơi đó, những con ong thợ sẽ ra lấy nước, mình sẽ theo dấu chúng mà tìm ra tổ. Con ong rất khôn, khi lấy nước xong không bay thẳng về tổ mà nó sẽ bay vòng vèo để đánh lạc hướng “kẻ thù”. Có con lấy nước xong, quay đầu chui vô bụi, chờ một lát mới chui ra bay thật cao về tổ, đây là loại ong già từng trải. Ngược lại, loại ong tơ, thường bay chậm, nhưng lại la cà đâu đó một lát rồi mới chịu về.
 
Chúng tôi tiếp tục đi, đến một đoạn suối cạn thoáng có mấy chú ong bay xẹt xuống lấy nước. Lần này, ông Lợi bảo chúng tôi dừng lại, rồi leo xồng xộc như gấu lên một cây cao hơn chục mét ngay bờ suối. Chờ những chú ong lấy nước xong ông định thần nhìn theo. Con ong bay theo vòng xoáy ốc, lên cao quá ngọn rồi bay theo đường thẳng. Ông Lợi tụt xuống gốc, cho chúng tôi biết: Tổ ong ở hướng tây nam, cách đây chừng 1km, với độ cao khoảng 20m. Chúng tôi theo chân ông Lực, vén cây xuyên rừng mà đi. Đúng như dự đoán, cách con suối khoảng 800m, một tổ ong mật to như chiếc bàn treo lơ lửng trên một cành cây cao gần 20m.
 
Phát hiện ra tổ ong. Hai thầy trò ông Lợi đi chặt dây rừng, sau đó cứ khoảng 1m thì buộc một vòng vào thân cây từ gốc cho đến tổ ong, đây chính là cái thang để người thợ trèo lên lấy mật. Theo ông Lực, có nhiều tổ ong phải làm từ 30 đến 40 nút dây mới đến nơi. Làm xong các vòng dây, ông Lợi hái một nấm lá rừng có hình dáng như là me chua bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nhổ ra tay xoa xoa xát lên da, trong phút chốc ông trở thành một người có màu sắc kỳ lạ. Sau đó đi tìm những cành cây khô nhỏ, quấn lá rừng tươi quanh bên ngoài, để đốt ra khói, gọi là “trái khói”. Xong, ông vai mang theo cái gùi và sợi dây (để thả mật), tay cầm trái khói chậm rãi leo lên cây từng nấc. Khi đến tổ, đàn ong bay dạt ra để lộ bánh mật vàng ươm. Ông Lợi cẩn thận chuyền cành bẻ mật rồi thả dây từ từ xuống, Chuyến đi này hai thầy trò ông kiếm được 6 lít giá mỗi lít 400 ngàn. Tôi được ông Lực cho 1 lít làm quà lấy thảo… Trên đường về tôi hỏi loại lá dùng để xoa vào người tên gì? Anh cho biết loại dược thảo này do một người bạn Lào chỉ vẽ. Nó là món khắc tinh với ong, chúng không dám tìm đến để tấn công mình và anh mỉm cười từ chối cho biết tên của chiếc lá kia.
 
 * * *
 
Được đi trong rừng giữa mùa hoa nở rộ, được quan sát người lấy mật và đời sống loài ong. Tất cả trong họ đều là những lao động chính danh cần mẫn. Người lấy mật còn để lại một phần cho ong tiếp tục bổ sung theo mùa hoa nở. Ong cung cấp năng lượng cho người, thụ phấn cho hoa. Có một điều tôi nhận ra, cả ong lẫn người là những chuyên gia lão luyện, họ rất giỏi trong nghề nghiệp của mình. Nhìn những thao tác thành thục ấy, tôi nghĩ đến những ông bố bà mẹ có kỹ năng nghề nghiệp, có tầm nhìn rộng, họ sẽ nuôi dạy con cái nên người.
 
TRẦN ĐẠI