12 người con cả dâu cả rể, 6 đứa cháu cùng chung sống hoà thuận trong một gia đình lớn; từ sáng sớm, cả nhà cùng làm việc trên đồng rau, con trẻ đến trường; tối về quây quần, ấm cúng, cùng chia ngọt sẻ bùi… Đó là không khí đang diễn ra hàng ngày trong gia đình ông K'Rốt ở buôn K'Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.
12 người con cả dâu cả rể, 6 đứa cháu cùng chung sống hoà thuận trong một gia đình lớn; từ sáng sớm, cả nhà cùng làm việc trên đồng rau, con trẻ đến trường; tối về quây quần, ấm cúng, cùng chia ngọt sẻ bùi… Đó là không khí đang diễn ra hàng ngày trong gia đình ông K’Rốt ở buôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.
Người đứng đầu của gia đình vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen cho gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc 3 năm liền đó thì cả buôn làng ai cũng nể trọng. Ông là K’Rốt, là người đã hơn 20 năm làm công tác mặt trận thôn.
|
Ông K’Rốt |
Sinh ra trong gia đình cách mạng ở buôn làng K‘Long, ngay dưới chân núi Voi cửa ngõ ra vào Đà Lạt, thời trẻ, K’Rốt từng theo cha lên rừng tiếp tế cho cách mạng. Cha là già làng, sau giải phóng, ông lại cùng cha lên rừng vận động nhiều người lầm đường lạc lối theo Fulro trở về buôn làng làm ăn yên ổn, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Mang vẻ đẹp khỏe mạnh với nước da ngăm đen của người K’Ho, 21 tuổi, K’Rốt đã bị một cô sơn nữ xinh đẹp trong buôn “bắt” về nên duyên chồng vợ. 10 đứa con lần lượt ra đời vẫn không vơi đi sức trai trẻ. Sau ngày đất nước giải phóng, ông được tín nhiệm phân công làm Phó Chủ nhiệm HTX Hiệp Trung. Từ khi HTX giải thể, tách làm 2 xã Hiệp An - Hiệp Thạnh, ông làm ban công tác mặt trận thôn suốt từ đó đến bây giờ.
Nhà K’Rốt nằm giữa buôn K’Long, đường vào nhà K’Rốt từ quốc lộ 20 phải băng qua vườn rau xanh tốt rộng đến 3,8ha với đủ các loại rau hoa gối vụ. Gặp ngay K’Rốt trên đường từ vườn rau về, ông cho biết sáng nào trước khi mặt trời chưa mọc, ông đều ra vườn để tưới rau. Trên những ruộng rau, các con của ông K’Rốt, người thì nhặt cỏ, người tưới nước, người bón phân. Trừ 2 con đang đi học, còn lại các con trưởng thành, 3 người đã lập gia đình đều gắn bó với ruộng vườn. Trước đây, mỗi năm gia đình ông K’Rốt chỉ trồng 1 vụ lúa, 1 vụ bắp. Lúa tốt mỗi vụ sẽ cho 5 tạ/sào, bán giá chỉ 4 ngàn đồng/kg thì cũng chỉ thu được 2 triệu đồng/sào/vụ. Trồng lúa kéo dài 5 tháng, mỗi năm chỉ 2 vụ, lúa có tốt đến mấy cũng chỉ được 5 tấn/ha, bán thóc chỉ được 20 triệu đồng/ha/năm. Rồi cách đây hơn 10 năm, rất nhiều người Kinh về đây thuê đất trồng rau, trồng hoa; cũng như nhiều bà con trong buôn, gia đình ông K’Rốt cho thuê một phần đất, không cần bỏ công sức mà cũng thu được từng ấy tiền. Lâu dần, thấy họ làm rau trên đất của mình, trả tiền thuê đất cho mình mà vẫn có ăn, ông K’Rốt bắt đầu nghĩ: người Kinh trồng được rau hoa, thì đồng bào mình cũng làm được. Thế là ông K’Rốt đi tiên phong trồng rau, mày mò học hỏi những hộ người Kinh xung quanh, trồng thử nghiệm, rồi hướng dẫn bà con trong buôn cùng làm. Ông K’Rốt vận động bà con học tập các mô hình trình diễn trồng rau, hoa để chuyển đổi cây trồng. Trồng đủ các loại rau ôn đới: hành lá, xà lách, bắp cải, bó xôi, cà rốt, su hào, cà chua, hoa lay ơn, cúc, vừa trồng vừa tích lũy kinh nghiệm. Chỉ việc lên luống, trồng, chăm sóc, đến vụ thu hoạch bán cả ruộng, không mất công gặt, đập, phơi. Bây giờ gia đình ông K’Rốt không chỉ trồng mà còn sản xuất củ giống bông lay ơn bán cho bà con. Dù giá cả bếp bênh, nhưng trồng rau thương phẩm cuộc sống đủ đầy hơn làm lúa, đời sống của đồng bào K’Ho nơi đây cũng khá dần lên, buôn làng đã đổi thay. Từ đông con, thiếu ăn thiếu mặc thì giờ đây gia đình ông K’Rốt đã trở nên khấm khá, mua sắm được nhiều vật dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Cây rau thương phẩm mang lại thu nhập cho gia đình ông K’Rốt gần 300 triệu đồng/năm. Ông K’Rốt quan niệm, muốn làm công tác vận động tốt, để bà con hưởng ứng thì gia đình mình cũng phải là tấm gương tốt. Muốn xây dựng buôn làng ấm no thì gia đình mình trước hết cũng phải no ấm.
Nhưng rồi cơn lốc đô thị hóa lan xuống Hiệp An, nhiều đồng bào ở thôn K’Long thấy đất có giá, bán đất, lấy số tiền lớn mua sắm tiện nghi sinh hoạt, xây dựng nhà cửa, mua xe ôtô. Dù sở hữu 3,8ha đất nằm ngay cạnh quốc lộ 20, nhưng già K’Rốt bảo đất là tư liệu sản xuất duy nhất của người nông dân, giữ đất để mưu sinh và làm giàu, đó mới là phát triển kinh tế bền vững, ông chỉ muốn tự làm có tiền để mua thêm chứ không bán đất. Cả thôn K’Long có hơn 500 hộ gia đình, trải dài đến 3 cây số, đa số là đồng bào K’Ho. Làm công tác mặt trận thôn, ông K’Rốt quan tâm hiểu từng hộ gia đình, ông gắn bó với bà con, hiểu từng hoàn cảnh, từng số phận. Không chỉ vận động bà con giữ đất để làm giàu từ đất, ông K’Rốt còn tích cực tuyên truyền vận động đồng bào đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự nơi thôn xóm, xây dựng đời sống văn hóa của buôn làng, động viên khích lệ lớp trẻ trong buôn học đánh chiêng, xây dựng đội cồng chiêng của buôn thường xuyên tập luyện phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
QUỲNH UYỂN