Phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình

04:05, 06/05/2014

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án "Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020".

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”. Đề án bao gồm 3 dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu về giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình; truyền thông về các giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình; hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. 
 
Vận động xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững
 
Hiện nay, có trên 80% hội viên phụ nữ đăng ký xây dựng gia đình 4 chuẩn mực: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, xây dựng và duy trì 84 mô hình CLB “Tổ, nhóm nuôi dạy con tốt”. Tiếp tục duy trì các mô hình như: CLB “Gia đình hạnh phúc” có 89 CLB với 3.460 thành viên, 9 CLB “Phòng chống bạo lực trong gia đình” có 171 thành viên, 256 CLB “Gia đình văn hóa” với 15.050 thành viên, 10 mô hình “Chi, tổ hội phụ nữ không có hội viên, chồng con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật” và “Chi, tổ hội phụ nữ vận động chồng con cai nghiện, hạn chế tái nghiện” có 310 thành viên. Để đáp ứng yêu cầu thực tế của gia đình và giải quyết việc làm cho phụ nữ, Hội Phụ nữ Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai đã thành lập 9 mô hình “Dịch vụ gia đình” với 201 thành viên tham gia. Hội Phụ nữ Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Tẻh ra mắt 17 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” với 59 thành viên. 
 
Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” đã triển khai thực hiện tại 100% cơ sở hội phụ nữ, duy trì 422 mô hình “5 không, 3 sạch” với 16.368 thành viên, xây dựng mới 261 mô hình có 20.244 thành viên với các tên gọi như: “Tuyến đường không rác”, “Tổ phụ nữ tham gia giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp”, “Gọn nhà, sạch bếp, đẹp xóm thôn”, “An toàn vệ sinh thực phẩm”, “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng”, “Không có trẻ em bỏ học”, “Không có bạo lực gia đình”, “Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Gia đình không đói nghèo”, “Giúp nhau phát triển kinh tế”… Hội Phụ nữ tỉnh đã biên soạn và phát hành 40.000 tờ rơi tuyên truyền đến hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trong tỉnh về 8 tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch”. 
 
Hội Phụ nữ đã vận động hội viên tham gia các đợt tư vấn, khám sức khỏe miễn phí, thực hiện KHHGĐ, thực hành bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, phòng chống HIV từ mẹ sang con, tuyên truyền vận động “Phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình”, xây dựng mới 9 CLB “Gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ không vi phạm trật tự an toàn giao thông”, “Tổ phụ nữ không vi phạm an toàn giao thông” có 340 thành viên tham gia. 
 
Hành động cho tương lai
 
Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020” góp phần xây dựng gia đình các dân tộc trên địa bàn tỉnh no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để gia đình thực sự là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Việc phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững là một phần thực hiện các chính sách chung về gia đình, đặc biệt triển khai thực hiện sâu rộng có hiệu quả Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.  
 
Mục tiêu đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình (giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa người cao tuổi và con cháu) và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững trên phạm vi toàn tỉnh. Các chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các cuộc hôn nhân đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật, 95% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Hàng năm trung bình giảm 10-15% hộ gia đình có bạo lực giữa vợ chồng, bạo lực trẻ em và hành vi bạo lực với người cao tuổi; giảm 10-15% người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định. Có 75% cha hoặc mẹ có trẻ dưới 6 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về nuôi dạy, chăm sóc con cái; 95% hộ gia đình thực hiện việc chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi và tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện. Có 70-85% trở lên hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, 95% hộ gia đình nghèo và cận nghèo được cung cấp thông tin về chính sách pháp luật và phúc lợi xã hội. Các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai thí điểm mô hình liên quan tới xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững như: Tư vấn hôn nhân và gia đình, cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các thành viên gia đình về xây dựng gia đình hạnh phúc. 
 
Các nội dung của việc thực hiện đề án bao gồm: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội, các thành viên trong gia đình về tầm quan trọng của gia đình và giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình. Tăng cường công tác quản lý lãnh đạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện đề án. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình. Xã hội hóa các hoạt động phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình. 
 
AN NHIÊN