Tết Nhô lir bong của người K'Ho sre

04:05, 07/05/2014

Trước đây, người K'Ho sre sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước (từ sre nghĩa là ruộng) và họ không ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Tết của họ đến sau Tết Nguyên đán vài tháng và được gọi là "Nhô lir bong" (tức là Mừng lúa mới). Đây cũng được xem là Tết của đồng bào Thượng ở cao nguyên Di Linh. 

Trước đây, người K’Ho sre sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước (từ sre nghĩa là ruộng) và họ không ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Tết của họ đến sau Tết Nguyên đán vài tháng và được gọi là “Nhô lir bong” (tức là Mừng lúa mới). Đây cũng được xem là Tết của đồng bào Thượng ở cao nguyên Di Linh. 
 
Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tại xã Bảo Thuận
Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tại xã Bảo Thuận
 
Đối với người K’Ho sre, một năm không nhất định bao nhiêu ngày. Năm mới của họ là sau khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đã đóng trong cót và họ tổ chức “Tết” Mừng lúa mới là để tạ ơn thần lúa “Yàng kòi” và các thần linh đã ban cho họ một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu. Lễ hội này thường được tổ chức theo hình thức dòng tộc và cả buôn làng vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4 dương lịch. Đây là thời điểm mà đồng bào có nhiều thời gian nhàn rỗi sau một năm lao động vất vả. 
 
Về hình thức tổ chức theo dòng tộc: Tết là một lễ hoàn toàn gia đình. Mỗi nghi lễ đều tổ chức trong phạm vi vựa thóc và nhà cửa. Người gia trưởng chủ tọa mọi cuộc lễ với sự tham gia của họ hàng thân cận cùng với sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình, dòng tộc.
 
Buổi tối tiến hành khai lễ. Cả nhà tụ họp dưới vựa thóc ở kho thóc để thực hiện nghi lễ cúng thần lúa. Sau nghi lễ, người gia trưởng lấy một chiếc bát trộn lẫn; trong đó, có một ít vỏ cây, đất tổ mối đã được giã nhuyễn, máu gà đã được cắt tiết để phết lên cót thóc, cửa kho lúa, cột nhà, tường nhà và cả chiêng chóe… Đôi khi chất đó còn phết lên người để lấy may. Đó là nghi lễ quan trọng của ngày Mừng lúa mới. Sau nghi lễ này, mọi người rời khỏi kho lúa và tiếp tục kéo lên nhà để tiến hành cúng tế thần linh. Khi mọi nghi lễ đã hoàn tất, cả nhà lại quây quần trên chiếc chiếu để uống rượu cần và hòa mình với những khúc hát “yal yau”, “pơn đik” xen lẫn với những tiếng chiêng, tiếng trống ngân vang thâu đêm, như báo hiệu niềm vui đón mừng năm mới đã về với bản làng cao nguyên.
 
Riêng về hình thức tổ chức Sa rơpu (đâm trâu) mà đồng bào thường gọi là “Nhô dơng” thì qui mô hơn, với sự tham dự của cả làng và các quan khách. Thời gian chuẩn bị và kết thúc lễ hội này thường diễn ra trong một tháng. Để tổ chức, trước hết các bô lão tụ họp lại với nhau để ấn định ngày chính thức khai lễ. Họ tiến hành sửa sang đường sá, các giếng nước trong làng; cắt cử người đi mời bạn bè, quan khách, người làm cây nêu, chăn dắt vỗ béo trâu. Những thiếu nữ thì đảm nhiệm công việc dọn dẹp nhà cửa và nội trợ…
 
Đến ngày lễ đã được ấn định, con trâu đã cột tại cây nêu và theo tục lệ lễ sẽ được tiến hành vào buổi chiều khi mặt trời đã lặn. Họ tiếp đón khách, bạn bè bằng những hồi chiêng trống rầm rộ. Mọi người được xếp theo thứ bậc thành hàng lối. Chiêng trống rung lên đổ hồi, mãi cho tới khi mọi người đã an tọa mới được tạm ngưng.
 
Lúc đó vị chủ tế, thường là gia chủ bày các vật hiến sinh đặt dưới bàn thờ. Sau đó, họ mời quan khách cùng hướng về bàn thờ, nơi linh thiêng để khấn thần linh “hòi Yàng”, với đại ý: “Hôm nay dân làng chúng tôi làm lễ cúng các thần linh. Khẩn cầu các vị thần linh nhận lời cảm tạ của dân làng, vì đã ban phúc cho dân làng. Dân làng có đủ lúa ăn quanh năm và cầu cho cây cối được sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu và cầu cho sức khỏe của mọi người được dồi dào để ngõ hầu mùa sau…”. Rồi sau đó, họ ăn uống, chiêng trống đánh loạn xạ vui mừng suốt đêm. Khoảng 3 giờ sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, vật hiến sinh (con trâu) được chặt hạ để cúng tế thần linh và sau đó chế biến thành các loại món ăn ngon để đãi khách. Đó thật sự là ngày đêm họ ăn uống linh đình, chúc tụng nhau, giao lưu lời ca tiếng hát mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình… Sau ngày này, dân làng K’Ho sre lại bắt tay vào công việc đồng áng và một mùa vụ mới lại bắt đầu.
 
Tết Nhô lir bong (Mừng lúa mới) có ý nghĩa là tạ ơn Yàng, để dân chúng hân hoan vui sướng sau một mùa vụ vất vả và khi lúa đã đóng vào trong cót. “Lir bong” nghĩa đen là “Bịt cót thóc”. Vì vậy, mừng lúa mới là mừng thóc đã đóng vào trong cót ở kho lúa. Nhô lir bong, người K’Ho sre mừng vì kết quả thu hoạch được và tỏ lòng tạ ơn Yàng vì đã ban cho họ mưa thuận, gió hòa để họ có đủ lúa sinh sống quanh năm. Đối với người K’Ho sre hạt thóc quý lắm. Toàn dân họ sống bằng nghề trồng lúa nước. Thóc lúa là cái ăn nuôi sống họ. Vì vậy, họ không tiếc các con vật để hiến tế thần linh. Họ giết trâu, lợn, gà… để tạ ơn Yàng. Họ làm lễ cúng rẫy, ruộng, cúng gieo hạt và khi cây lúa lớn lên chuẩn bị trổ đòng họ lại cúng dưỡng lúa để cây lúa khỏe mạnh, tươi tốt và đến khi kết thúc mùa gặt, tất nhiên họ phải cúng mừng lúa về.
 
Theo già làng K’Tếu (thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh): Những năm gần đây, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày nay của người dân đã có bước thay đổi đáng kể, cùng với sự “giao thoa” văn hóa và sự tác động của một số yếu tố khách quan…, người K’Ho sre ở cao nguyên Di Linh đã không còn duy trì việc tổ chức Tết Nhô Lir bong nữa, mà thay vào đó, họ cũng đã tiếp nhận và ăn mừng Tết Nguyên đán như người Kinh.
 
NDONG BRỪM