Sau khi công trình nước sinh hoạt tự chảy được đưa vào sử dụng, người dân ở xã Bảo Thuận (huyện Di Linh) đã vui mừng, phấn khởi, vì từ nay bà con không còn sống trong tình trạng "khát" nước sinh hoạt vào mùa khô như trước đây.
Sau khi công trình nước sinh hoạt tự chảy được đưa vào sử dụng, người dân ở xã Bảo Thuận (huyện Di Linh) đã vui mừng, phấn khởi, vì từ nay bà con không còn sống trong tình trạng “khát” nước sinh hoạt vào mùa khô như trước đây. Tuy nhiên, do một số hộ dân sử dụng nguồn nước sai mục đích, nên đã gần 2 năm nay, vào mùa khô hạn người dân xã Bảo Thuận lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
|
Người dân thường ra kênh mương để tắm, giặt |
Năm 1997, xã Bảo Thuận được Hiệp hội Lapel (Pháp) tài trợ đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy. Sau nhiều năm đi vào hoạt động và do không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nên công trình kém hiệu quả. Những năm qua, khi công trình nước sinh hoạt tự chảy này được giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Lâm Đồng quản lý và đã được đơn vị đầu tư hàng trăm triệu đồng, thực hiện hàng loạt công tác duy tu, bảo dưỡng, như nâng cấp đập đầu mối, đường ống và lắp đặt đồng hồ nước… đến từng hộ dân. Nhờ vậy, công trình này đảm bảo cho bà con có đủ nước sinh hoạt trong mùa khô hạn. Tuy nhiên, những năm gần đây và nhất là từ năm 2013, 2014, một số hộ dân ở hai thôn Kròt Dờng và Kròt Sớk đã dùng nguồn nước này để chống hạn cho cây cà phê, nên dẫn đến tình trạng người dân trên địa bàn xã thiếu nước sinh hoạt.
Để tìm hiểu thực trạng này, chúng tôi đã đến thăm một số hộ ở các thôn đầu nguồn nước. Ông K’Bốt (thôn Krọt Dờng) cho biết: Mặc dù gia đình tôi ở gần đầu nguồn, nhưng vào những tháng cao điểm của mùa khô cũng không có giọt nước để sinh hoạt…
Phải nói rằng, từ khi có công trình nước sinh hoạt tự chảy này thì ở xã Bảo Thuận, bà con không còn cảnh nhà nhà cắt cử người đi lấy nước hàng ngày như những năm trước đây, mà thay vào đó là những vòi nước được lắp đặt đến tận nhà dân. Người dân ở Bảo Thuận vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chung đó, thì đã gần 2 năm nay bà con rất bức xúc vì xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian khá dài, gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.
“Giờ đã là mùa mưa, nhưng nước vẫn chảy yếu, lúc có lúc không. Còn vào mùa khô thì chẳng có nước để mà dùng sinh hoạt. Để có đủ nước sinh hoạt hàng ngày, gia đình tôi đã trang bị 3 thùng phi để đựng nước” - chị Ka Dìm (thôn Ka La Tơng Gu) nói.
Vì nằm gần đầu nguồn của công trình nước sạch, nên các hộ dân ở hai thôn Kròt Dờng và Kròt Sớk có đủ nước để sinh hoạt. Còn những hộ dân ở các thôn còn lại như: Ka La Tơng Gu, Ka La Tô Krềng, Xóm Mới, Bảo Tuân và Trại Phong… hầu như không có một giọt nước nào để dùng. Để có nước, bà con trong xã phải đào giếng hoặc tu sửa lại giếng làng ở gần cánh đồng để lấy nước phục vụ sinh hoạt.
Vì sao có tình trạng này? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Năm 2013, do một số hộ dân có diện tích cà phê gần đập đầu mối đã dùng nguồn nước này để tưới, chống hạn cho cây cà phê. Vì đập đầu mối nằm ở trên núi cao, nên những hộ này chỉ cần đặt ống là nước tự động chảy xuống mà không tốn chi phí xăng dầu. Vì vậy, họ vô tư tưới, xả nước cả ngày lẫn đêm, mặc cho hơn 1.000 hộ dân của xã kêu ca không có nước sinh hoạt!
Ông K’Brổih, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, cho biết: “Trong 2 năm trở lại đây và những tháng cao điểm của mùa khô, công trình nước sinh hoạt tự chảy của xã thường xuyên thiếu nước, gây khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt của người dân. Hiện tại chỉ có hai thôn Kròt Dờng và Kròt Sớk có đủ nước dùng sinh hoạt; các thôn còn lại chuyển sang sử dụng giếng đào. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do người dân ở hai thôn Kròt Dờng và Kròt Sớk đặt gần 30 ống tưới chống hạn cho cây cà phê, nên đã tác động trực tiếp đến đập đầu mối, làm thay đổi một số hiện trạng và dẫn đến tình trạng thiếu nước như hiện nay. Bên cạnh đó, một số hộ tự “bắt” nước từ ống chính kéo về tận nhà, không đảm bảo kỹ thuật và gây ra hiện tượng rò rỉ nước… Trước thực trạng đó, UBND xã và cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh đã đến kiểm tra, lập biên bản, nhắc nhở và cam kết không tái phạm. Thời gian tới, UBND xã và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát tìm rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục”.
Giờ đã bước sang mùa mưa, nhưng nguồn nước từ công trình nước sinh hoạt tự chảy vẫn chưa thể chảy về với bà con ở các bản làng xã Bảo Thuận. Hàng ngày, bà con vẫn cắt cử người đi gùi nước và vẫn còn đó tình trạng tắm, giặt ở kênh mương rất hiểm nguy. Bởi, trong những năm qua đã có 2 trẻ em chết đuối, trong lúc đang tắm nước trên các tuyến kênh mương này.
Một công trình dân sinh để phục vụ nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn xã Bảo Thuận là một sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Nhưng tình trạng sử dụng nguồn nước bất hợp lý, chỉ vì lợi ích cá nhân của một số hộ trong xã là việc làm không thể chấp nhận được. Thiết nghĩ, chính quyền xã Bảo Thuận cần có giải pháp xử lý cương quyết hơn để răn đe và để tình trạng này không còn tái diễn. Chỉ có thế, công trình nước sinh hoạt tự chảy xã Bảo Thuận mới phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
NDONG BRỪM