Cải tên

08:06, 05/06/2014

Trại sáng tác của Nhà Xuất bản Công an Nhân dân và Hội Nhà văn Việt Nam xuống giao lưu với Công an huyện Lâm Hà. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu viết về mô hình kinh tế trang trại thành công, đại tá Kiều Văn Lân, Trưởng Công an huyện sốt sắng: "Tôi sẽ cho người đưa anh chị đến trang trại của Ngọ "sẹo", một người thành công với mô hình kinh tế trang trại ở xã Liên Hà, thôn Liên Hồ. Cuộc đời tay này cũng nhiều trắc ẩn lý thú lắm"!

Trại sáng tác của Nhà Xuất bản Công an Nhân dân và Hội Nhà văn Việt Nam xuống giao lưu với Công an huyện Lâm Hà. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu viết về mô hình kinh tế trang trại thành công, đại tá Kiều Văn Lân, Trưởng Công an huyện sốt sắng: “Tôi sẽ cho người đưa anh chị đến trang trại của Ngọ “sẹo”, một người thành công với mô hình kinh tế trang trại ở xã Liên Hà, thôn Liên Hồ. Cuộc đời tay này cũng nhiều trắc ẩn lý thú lắm”!
 
Cơm nước xong anh Tuấn cán bộ công an huyện đưa nhà văn: Ngọc Hải, Huyền Sơn và tôi đến trang trại của ông Trần Văn Ngọ, tức Ngọ “sẹo”. Nhờ liên hệ trước, ông Ngọ sắp xếp thời gian chào đón, tiếp chúng tôi tại góc sân nhà trong trang trại, nơi có bóng mát bụi chuối. Ông niềm nở rót nước mời khách rồi nói “Mình ngồi đây cho mát các anh chị hé” kèm theo một nụ cười thật tươi, thật gần gũi. Gần gũi đến nỗi sau lời giới thiệu về mọi người của anh Tuấn, nhà văn Huyền Sơn không ngần ngại… nhận xét:
 
“Chà, trông tướng anh ngầu và cái “sẹo” kia chắc ngày xưa cũng quậy dữ ha?”
 
Ông Ngọ cười rồi nói một cách tự nhiên.
 
“Vâng, hồi còn trẻ ấy anh. Cũng chẳng cướp giật trộm cắp gì đâu. Thích tụ tập đánh nhau. Bố mất, mẹ đi lấy chồng, ông anh con bác ưa quậy nên lôi em vào nhóm”. Sờ vào cái sẹo giữa má trái chạy dài xuống mép miệng “Cái này là lúc đang ngủ, bị chém lén đấy”. Đoạn ông nói “Cơ mà cũng ăn cơm tù rồi. Chỉ chút mâu thuẫn cậu kia đến gây sự, sẵn con dao trên bàn tôi đâm cho hắn một nhát, đổ ruột, thế là tù”.
 
Như không muốn để “không khí tù tội” làm nặng nề, nhà văn Ngọc Hải hỏi “Trang trại của anh được bao nhiêu héc?” “Dạ ba hai héc”. 
 
Tôi hỏi “Thế khi ra tù anh làm gì mà có tiền mua nhiều đất vậy?”
 
Ánh mắt ông Ngọ thả về phía xa xăm, vẻ xúc động rưng rưng khiến tôi chột dạ, sợ mình vô tình chạm nỗi đau thầm kín của ông. Thế rồi ông hơi cúi đầu như cố nén cơn xúc động đang trào dâng, chậm rãi với âm giọng nghèn nghẹn buồn, khác hẳn lúc đầu mới gặp: “Ấy là nhờ bác Hóa đó, chị! Ông Đinh Đình Hóa nguyên Trưởng Công an huyện Lâm Hà”. Giọng ông lắng xuống, trầm buồn hơn: “Không có ông ấy thì làm gì tôi được như ngày nay”. Bưng ly nước hớp một hớp, ông nói tiếp: “Khi tôi trong tù, ông hỏi hoàn cảnh rồi xác minh chính xác bố tôi là bộ đội trinh sát hy sinh trong Nam thời chống Mỹ. Ông động viên, tôi cải tạo tốt, rồi xin giảm án cho bốn tháng. Tôi ra tù, ông đề nghị chính quyền địa phương cho mảnh đất hơn trăm mét vuông. Tôi thế chấp ngân hàng, vay tiền dựng tạm nhà, cưới vợ rồi mở quán phở, dành dụm được tôi mua đất. Phải tích cóp mua hai ba lần mới được chừng này trồng cà phê”. 
 
Ông cho biết thêm, trong nhà lúc nào cũng trên mười lăm người làm vườn, bao ăn ở mỗi tháng trả từ ba, bốn triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm lời hơn hai tỷ. Hiện ông đã triển khai mô hình mới là trồng macka xen cà phê, đã có một số cây có trái. Macka giá trị kinh tế cao hơn so với cà phê nhưng không cần phân nhiều, khâu chăm bón lại ít. Mấy năm nữa macka giao cành, sẽ chặt bỏ cà phê. Mỗi ký hạt macka giá 400.000 đồng. Chúng tôi chưa biết hạt macka có tác dụng gì cho sức khỏe nên ông giải thích cặn kẽ và còn khoe có công ty của Úc đến tham quan, nói sẽ có kế hoạch thu mua số lượng lớn. Ông cho người hái mấy chùm trái, cạy nhân cho chúng tôi ăn thử, quả là rất ngon. Ông nói đang ương giống, hướng dẫn bà con trồng để thoát nghèo như mình.
 
Chúng tôi khâm phục ông, từ một người quậy phá bị tù tội quyết hoàn lương, làm kinh tế giỏi. Qua câu chuyện, tôi cũng khâm phục kính trọng ông Đinh Đình Hóa, một cán bộ công an đầy tâm huyết, có tấm lòng nhân hậu, đã giáo dục cảm hóa, đưa một người có thể nói dưới đáy xã hội vươn lên làm giàu một cách vững chắc.
 
Khi ra về, chúng tôi mời ông chụp chung tấm hình kỷ niệm, nhìn vào khung hình thấy ông nở nụ cười rất hiền, chợt tôi nói “Từ nay phải gọi là Ngọ “macka”, không gọi Ngọ “sẹo” nữa!
 
TUYẾT SƯƠNG