Công ty Một thành viên Dịch vụ đô thị Đà Lạt đang phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở, khu phố để vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng chỗ.
Công ty (Cty) Một thành viên Dịch vụ đô thị Đà Lạt đang phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở, khu phố để vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng chỗ.
130-150 tấn rác thải mỗi ngày
Đây là con số rác thải mà Cty Một thành viên Dịch vụ đô thị (MTV DVĐT) Đà Lạt cho biết phải thu gom mỗi ngày tại Đà Lạt. “Thành phố đang đô thị hóa rất nhanh, đặc biệt là vùng ven. Lượng rác thải thu gom mỗi năm một tăng nhiều hơn, tăng chừng 5 - 7% so với năm trước” - ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Cty nói.
Để thu gom lượng rác thải trên, Cty này mỗi ngày phải huy động tổng lực 193 công nhân trong 7 tổ trong đó có 5 tổ thu gom rác, 1 tổ lái xe, bốc xếp với 10 xe thu gom rác vận hành trên 9 tuyến. Trong 9 tuyến này có 7 tuyến gom từ 17 giờ chiều đến khi hết rác; 2 tuyến thu gom ban ngày gồm một tuyến tại chợ Đà Lạt và tuyến còn lại thu gom rác thải ở các xã vùng ven Đà Lạt như Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành. Tổng cộng Cty đang thu gom rác trên 178 đường và 50 con hẻm. Ngày Tết, những dịp lễ lớn khi du khách đổ về Đà Lạt, lượng rác thải còn tăng lên cao hơn rất nhiều. “Về cơ bản, chúng tôi đã thu gom trên tất cả các tuyến đường trong thành phố, kể cả vùng ven” - ông Tuyên nhấn mạnh.
Là đô thị du lịch, Đà Lạt cần được duy trì một bộ mặt sạch sẽ. Vấn đề hiện nay của Cty MTV DVĐT Đà Lạt là những xe thu gom rác thải đã quá cũ kỹ nhưng vẫn còn phải làm việc cật lực trên các tuyến đường hằng ngày. “Chúng tôi có tổng cộng 10 chiếc xe chuyên dụng thu gom rác, trong đó có 6 chiếc trang bị từ năm 2008 tương đối tốt, 4 chiếc còn lại đã quá cũ nhưng vẫn phải hoạt động” - ông Tuyên cho biết. Những chiếc xe cũ này khi vận hành xả cả nước bẩn từ rác thải xuống đường phố gây ô nhiễm, người dân phản ánh nhưng nhiều năm Cty vẫn chưa có phương tiện thay thế. Theo đề nghị của Đà Lạt, gần đây tỉnh đã đồng ý cấp kinh phí để thành phố này mua 2 xe chuyên dụng mới, có sức chứa 20m3 rác, gấp đôi công suất các xe đang dùng hiện nay, mỗi xe có giá khoảng 2,4 tỷ đồng. Trong tháng 6/2014, 2 chiếc xe mới này sẽ được đưa vào sử dụng để thay thế cho 4 chiếc xe đã cũ.
Một vấn đề khác là bãi rác thành phố tại địa điểm hiện nay đã trở nên quá tải. Vận hành từ năm 1976 đến nay, giải pháp xử lý rác duy nhất ở đây là chôn lấp thủ công, hiện nay cách làm này đã không còn đảm bảo môi trường. Đà Lạt đã lên kế hoạch đóng cửa địa điểm này từ lâu và sẽ chuyển bãi rác thành phố đến một địa điểm khác tại Xuân Trường, xã vùng ven Đà Lạt. Địa điểm mới này rộng khoảng 35ha, đã được giao cho một Cty đầu tư. Khi hoàn tất nơi đây sẽ là địa điểm xử lý rác thải hoàn chỉnh với công nghệ khép kín. Rác thu gom về đây sẽ được phân loại, rác hữu cơ được xử lý tái chế thành phân bón vi sinh.
Để Đà Lạt sạch và đẹp
Trong tháng 8/2013, Đà Lạt đã có qui định mới tăng giá thu phí vệ sinh thu gom rác từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/hộ/tháng ở những con đường chính và từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/hộ/tháng ở những con hẻm. Trong năm 2013, Cty MTV DVĐT Đà Lạt đã thu được trên 7,5 tỷ đồng phí vệ sinh trong toàn thành phố. Toàn bộ số tiền được nộp vào ngân sách để tỉnh điều phối lại cho công tác vệ sinh môi trường. Dự kiến số tiền thu được trong năm 2014 tại Đà Lạt sẽ vào khoảng 9 tỷ đồng.
Đóng phí vệ sinh là một nghĩa vụ của người dân đô thị để duy trì thành phố sạch đẹp. Thế nhưng theo bà Phan Thị Nguyệt, Đội phó Vệ sinh môi trường của Cty MTV DVĐT Đà Lạt, việc thu phí hiện nay chỉ trên tinh thần tự nguyện, không có biện pháp chế tài nên dù Cty đã cử nhân viên đến tận nhà nhưng vẫn còn không ít hộ dân chẳng buồn đóng dù số tiền không nhiều. Con số thất thoát này theo Cty vào khoảng 30% hộ dân trong thành phố, đặc biệt là ở vùng ven đô. Hiện Cty đang đề xuất với thành phố triển khai việc vận động đóng phí vệ sinh đến cấp khu phố, kết hợp với tổ dân phố và coi đóng phí vệ sinh như là một tiêu chí cần được xem xét trong việc bình chọn gia đình văn hóa hằng năm.
Một việc quan trọng khác, đó là chuyện bỏ rác đúng giờ và đúng chỗ. Theo qui định người dân chỉ bỏ rác từ 17 đến 19 giờ tối mỗi ngày và từng tuyến đường đều có lịch gom rác cụ thể trong tuần. Việc gom rác sẽ được Cty tiến hành vào ban đêm để không ảnh hưởng đến cộng đồng và cũng thuận tiện hơn cho người dân vì ban ngày đi làm vắng nhà. Thế nhưng, bất chấp qui định này, rất nhiều hộ dân ban ngày vẫn cứ mang rác để ra đường bất cứ lúc nào thuận tiện cho mình. Việc làm này ảnh hưởng không nhỏ đến nét mỹ quan chung của cả đường phố. Đó là chưa nói đến việc mưa đẩy rác trôi xuống hệ thống thoát nước làm tắc nghẽn cả cống rãnh.
Lâu nay, việc vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng chỗ luôn được Cty DVĐT Đà Lạt chú trọng đặc biệt. Đội ngũ nhân viên thu phí của Cty cũng chính là những tuyên truyền viên tích cực vận động đến từng hộ dân. Trong thời gian đến, để đẩy mạnh hơn cuộc vận động này, theo bà Nguyệt, Cty đang dự kiến phối hợp với UB Mặt trận Tổ quốc thành phố triển khai đến các cấp cơ sở ở từng khu phố, tổ dân phố, đưa hẳn điều này vào tiêu chí vệ sinh môi trường trong lúc bình xét “khu dân cư xanh, sạch, đẹp”.
Một Đà Lạt sạch đẹp mỗi ngày không chỉ từ nỗ lực rất lớn của Cty DVĐT Đà Lạt mà còn từ phía toàn bộ cộng đồng dân cư trong thành phố này. “Chúng tôi rất cần sự cộng tác của toàn bộ người dân, trên từng con đường, từng khu phố, từng con hẻm, nên bỏ rác đúng chỗ đúng giờ, đừng mang rác để ngoài đường trông rất mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị’ - ông Tuyên kêu gọi.
Nhưng kêu gọi thôi chưa đủ, theo chúng tôi, để giữ cho một Đà Lạt sạch, xứng đáng là một thành phố du lịch nghỉ dưỡng của cả nước, đã đến lúc thành phố này cần có những biện pháp chế tài cụ thể để xử phạt những người vứt rác trên đường phố, bỏ rác không đúng giờ.
Viết Trọng