Cuối tuần, rời Bảo Lộc về Đà Lạt, tôi cùng cô bạn gái làm một chuyến điền dã về huyện Lạc Dương.
Cuối tuần, rời Bảo Lộc về Đà Lạt, tôi cùng cô bạn gái làm một chuyến điền dã về huyện Lạc Dương.
Đến nơi, pạp (bố) Cường đã đợi đón đầu ngõ. Vừa bước chân vào nhà, mới sau vài câu chào xã giao (niăm să), rượu, thịt xông khói với muối hạt giã với ớt xanh (mơ rét lết) đã được mang ra. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, pạp Quyết, hàng xóm của pạp Cường, phân trần: “Theo phong tục của đồng bào Làc, hễ khách quý vào nhà, không rượu thì trà sẽ được chủ nhà đem ra để đãi khách. Jơi gloh cô tờm, hờm cô năc - Chủ đói để cho khách no mà!”. Rồi mọi người cùng nhau hát vang: “Trôêh kòn prôm bềl bồ ờ te làng/ Trôêh kòn prôm bềl bàng ờ te lă/ Iêr kuang kră ờ te bôh/ Rơpu kuang yôh ờ te pơntề” bằng tiếng bản địa Làc. Phải rất lâu sau, tôi mới hiểu nghĩa của bài hát và vội vàng lấy giấy bút ra ghi: “Khách đến nhà chiếu trải không đủ/ Khách đến nhà không có chiếu quý để trải/ Khách đến nhà không có gà trống để nướng/ Không có trâu đực để làm thịt mời khách”.
|
Chuẩn bị rượu cần mời khách trong lễ hội |
Trước sự tiếp đãi ân cần của những tâm hồn mộc mạc, chân chất, tôi đâm hoảng. Vì quả thực, rượu đối với tôi là một “cực hình”. Uống rượu với tôi chẳng khác nào bị “tra tấn”, nhưng không lẽ lại từ chối. Pạp Cường ghé tai tôi nhắc nhở: “Phải ăn uống thật lòng, dối trá dân làng không thương. Mà khi dân làng đã không thương thì hỏi gì cũng lắc đầu, lảng xa…”. Chẳng còn cách nào khả dĩ, tôi đành ngồi “chịu trận” và “cò cưa” với mấy người trong buôn. Mỗi lần giới thiệu tên người trong buôn là một lần uống. Nhớ tên cũng uống, không nhớ tên cũng uống và không được phép từ chối một chén nào suốt “cuộc rượu”. Từng chén, từng chén được rót ra, cay xè sống mũi. Nhiều người trong buôn thấy tôi thật lòng là ưng cái bụng. Mỗi người gắp cho tôi một miếng thịt xông khói chấm muối ớt nóng hổi, cay nồng. Ăn một miếng, tôi lại thèm thêm miếng nữa. Mơi (mẹ) Cường tỏ ra hứng khởi: “Rượu của đồng bào Làc mỗi thứ có một vị chua, cay, nồng, ngọt, thơm khác nhau. Rượu uống càng ngọt, càng thơm thì càng chóng say. Say rồi thì dúi dụi không gượng dậy nhanh được. Nhưng quý nhau là uống!”.
Tôi không phải “hảo thủ” rượu, nghe vậy thì biết vậy, chẳng phân biệt được đâu là vị cay nồng, đâu là hương thơm ngọt. Mới uống được vài chén, cái đầu đã bứt rứt, khó chịu và thế là đành tìm cách… “hoãn binh”. Tôi viện dẫn mọi lý do, tìm đủ lý lẽ để mong mọi người hiểu rồi thông cảm cho cái sự “bất hảo” của mình, nhưng mọi người nhất quyết không chịu. “Như vậy là cái bụng không thật. Đồng bào Làc mình buồn lắm đấy!” - pạp Quyết lý sự. Chả trách được cái lý sự này. Bởi, từ bao đời nay, người Làc luôn coi rượu là một nghi lễ văn hóa, cố kết cộng đồng. Vì không nỡ để đồng bào buồn, tôi lại tiếp tục “chịu trận” và say mèm lúc nào chả hay. Bạn gái tôi là người K’Ho Sre, tuy có biết thưởng thức rượu, nhưng vì phải “gánh” thêm phần rượu của tôi nên cũng say túy lúy.
Cái lạnh rất sâu của đêm đại ngàn khiến tôi tỉnh dậy. Tôi ngỡ cuộc rượu đã tàn từ lâu, nhưng những người con của núi Lang Biang vẫn cứ thế tha thẩn uống, uống thật lòng thật dạ, uống để mong cầu điều gì? Những tiếng nói cười rổn rảng, những cái đập tay chan chát sau khi đã cùng nhau cố uống cạn chén, những điệu boléro buồn. Những khúc yal yau (gian giao) vang lên, rượu tiếp tục được rót tràn, lại uống, uống cho đến khi dúi dụi mặt không còn làm chủ được bản thân hoặc lăn ra một góc đất nào đó ngủ khò; thậm chí, ngủ ngồi ngay tại bàn mới thôi.
Sáng hôm sau, dù còn rất mệt, tôi vẫn phải gắng gượng mời mọi người đi ăn để cám ơn về một đêm say nhớ đời. Sau đó, chúng tôi chia tay mọi người để trở lại Đà Lạt. Pạp Cường tỏ rõ sự khó chịu, bực dọc: “Hôm nay là chủ nhật, có việc gì cứ để đến ngày thứ hai hãy làm, không việc gì phải vội. Nếu anh bận thì cứ đi, còn bạn gái anh phải ở lại (vì bạn gái tôi và những người này đã quen biết nhau từ trước). Cứ uống cái đã rồi tính!”. Sợ bạn gái buồn, tôi phải bấm bụng ngồi đợi trong khi lòng như có lửa đốt. Tuy nhiên, lần này, tôi nhất định không uống, vì nếu uống tiếp, chắc chắn tôi sẽ không làm chủ được đầu óc, dẫn tới những điều đáng tiếc. Tôi đành “muối mặt” ngồi xem “cuộc bia” trong sự khó chịu của mọi người. Dẫu cho bạn gái tôi đã thuyết phục hàng trăm lần bằng tiếng Làc về cái sự không uống được rượu của tôi để mọi người hiểu và cảm thông, song, theo họ, như thế là tôi không thật cái bụng. Thế rồi, một két bia lại được lôi ra và két nữa, thêm két nữa, lại một két nữa... Cứ thế, chỉ trong vòng một buổi sáng, tôi đếm có cả thảy 6 két bia đã được các “hảo hán” coi như… nước súc miệng. Tất nhiên, say bét nhè là điều không tránh khỏi. Bản thân tôi thì phải đưa bạn gái đi cấp cứu ở bệnh viện.
Sự việc trên nhanh chóng qua đi, giờ ngồi viết những dòng này, tôi bỗng thấy tiếc cho một nét đẹp văn hóa xưa của người Làc và tự hỏi làm sao để giữ gìn văn hóa uống rượu là một lễ nghi của người Làc từ bao đời nay hay chí ít là để những người có “cơ địa” dị ứng với rượu như tôi không phải khổ vì cái lý “thật cái bụng”. Tôi nghĩ có nhiều cách để hiểu một con người, chứ không nhất thiết cứ phải dùng đến rượu, thông qua rượu mới đo đếm được lòng một con người. Tôi không cổ súy việc uống rượu cũng chẳng tẩy chay rượu, nhưng đặc biệt kính trọng những con người biết mượn rượu, không phải là mượn rượu để giải sầu, mà là mượn chuyện uống rượu, mượn cái không khí rượu để ngẫm ngợi, tương tác với bạn bè, anh em, hay cô đơn du hành trong tâm trí tới những vùng xa lạ của tâm tưởng. Nói như vậy, không có nghĩa ai cũng phải có cách uống rượu như thế, vì nếu ai cũng uống theo kiểu chỉ ngồi ngắm chén rượu, ngồi thiền trước rượu hoặc cốc bia thì các hãng rượu bia đã phải đóng cửa hoặc phá sản từ lâu rồi. Nhưng uống rượu theo cái lý phải “thật cái bụng”, bằng cách “ép” bạn rượu phải say bí tỉ, lúc đó mới được coi là “bạn hảo”, là thật lòng, thì cũng không nên một chút nào.
TRỊNH CHU