Nguy cơ xảy ra tai nạn, thảm họa cầu treo

08:06, 19/06/2014

Đó là đánh giá về mức độ an toàn trong khai thác các cầu treo dân sinh trên địa bàn Lâm Đồng được Sở Giao thông vận tải rà soát, kiểm tra mới đây. 

Đó là đánh giá về mức độ an toàn trong khai thác các cầu treo dân sinh trên địa bàn Lâm Đồng được Sở Giao thông vận tải rà soát, kiểm tra mới đây. Đáng nói hơn, qua phân loại, phần lớn trong số cầu treo dân sinh hiện đang được sử dụng đều đã xuống cấp, mức độ an toàn thấp khi khai thác và có nguy cơ xảy ra các tai nạn, thậm chí thảm họa.
 
Cầu treo bắc qua sông Đạ Đờn (Lâm Hà) do dân góp vốn xây dựng
Cầu treo bắc qua sông Đạ Đờn (Lâm Hà) do dân góp vốn xây dựng

Theo báo cáo thống kê từ các địa phương, tổng số cầu treo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 64 cầu, trong đó 10 cầu được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, sau khi Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra hiện trạng, số lượng cầu treo giảm còn 58 cầu, do địa phương thống kê, tổng hợp báo cáo trùng lắp 6 cầu. Theo đánh giá sơ bộ về mức độ an toàn trong khai thác các cầu treo dân sinh của Sở Giao thông vận tải, đối với các cầu treo được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, công tác khảo sát, thiết kế và thi công được thực hiện theo quy định về đầu tư xây dựng cơ bản. Các cầu treo này đều có hồ sơ tài liệu thiết kế, được cơ quan chuyên môn thẩm định nên hiện tại những công trình đầu tư từ vốn ngân sách vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, đi lại trong điều kiện người và phương tiện tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm theo các hướng dẫn giao thông. 
 
Đáng chú ý, trong số 42 cầu treo dân sinh được đầu tư bằng nguồn vốn do nhân dân tự đóng góp và hỗ trợ của các nhà tài trợ, đa số các cầu này được người dân tự thực hiện xây dựng, không có ý kiến của cơ quan chuyên môn. Việc khai thác, quản lý sử dụng, sửa chữa các hư hỏng đều do người dân tự thực hiện, vì vậy phần lớn các cầu đều rơi vào tình trạng xuống cấp. Qua phân loại các cầu treo dân sinh đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách, có 3 loại cầu đó là: Cầu treo dây võng theo mô hình của cầu Đan Mạch, có chiều dài vượt sông, suối từ 18 đến 86m, cầu treo dây văng có chiều dài từ 42 đến 128m và cầu treo theo mô hình hỗn hợp, tạm bợ có chiều dài vượt sông, suối từ 15 đến 78m. Việc quản lý số cầu treo đầu tư ngoài nguồn ngân sách của các địa phương còn nhiều hạn chế, việc bảo trì, bảo dưỡng chưa hoặc không được quan tâm nên chất lượng đã xuống cấp, mất an toàn nghiêm trọng và có khả năng xảy ra tai nạn. Đặc biệt, hiện nay có 15 cầu hư hỏng nặng, trong đó có những cầu treo dân sinh nằm trên đường độc đạo phục vụ phần lớn nhu cầu đi lại sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương.
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải, ông Trương Hữu Hiệp cho hay, trong số 42 cầu treo dân sinh do dân tự làm, đối với 15 cầu bị hư hỏng nặng, trước mắt Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu các huyện chỉ đạo ngừng lưu thông, đồng thời tiến hành tháo dỡ các cây cầu này và có phương án đảm bảo lưu thông tạm thời bằng cách thức khác để xin chủ trương đầu tư mới nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Số cầu còn lại, đề nghị các huyện chủ trì làm việc với các đơn vị quản lý sử dụng thực hiện sửa chữa các hư hỏng, giảm tải trọng khai thác, lắp đặt đầy đủ các biển báo, tổ chức gác cầu hướng dẫn giao thông. Đặc biệt, nghiêm cấm tụ tập đông người trên cầu trước khi nghiên cứu, đề xuất thực hiện cải tạo, nâng cấp hay đầu tư xây dựng mới. Qua đó tiến hành kiểm định chất lượng, bổ sung khắc phục yếu tố kỹ thuật nhằm đảm bảo giao thông qua lại trên cầu an toàn. 
 
Với số lượng cầu treo dân sinh trên địa bàn Lâm Đồng tương đối lớn, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hóa và mặt hàng nông sản ở khu vực nông thôn. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý an toàn, tránh tình trạng để người dân “đánh đu” sinh mạng trên những cây cầu mà như đánh giá của Sở Giao thông vận tải là phần lớn đã xuống cấp trầm trọng, mức độ an toàn trong khai thác sử dụng rất thấp, có nguy cơ xảy ra tai nạn và thảm họa. Vì vậy, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương dừng ngay việc khai thác những cầu treo dân sinh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tổ chức phương án giao thông thay thế. Đồng thời cắm biển báo hiệu trọng tải phù hợp thực tế, bổ sung các biện pháp phòng hộ đối với các vị trí cáp, ắc neo tăng đơ nếu thấy cần thiết, nhất là phải tuyệt đối không để xảy ra sự cố.
 
HỒ XUÂN TRUNG