Tổ ấm dưới chân đèo D'Ran

08:06, 13/06/2014

Chiếc bóng rộng lớn bao dung, nuôi nấng các bé chính là lão Hòa thượng Thích Pháp Chiếu, một hòa thượng đức cao vọng trọng trong giới tăng ni Phật tử. Hòa thượng tới trụ trì Giác Nguyên tự từ năm 1976, khi chùa còn heo hút, đơn giản và cuộc sống tu hành còn rất vất vả...

Sắc tứ Giác Nguyên tự, ngôi chùa cổ kính nhất thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với sắc lệnh của nhà vua khi đó (sắc tứ: vua ban cho xây dựng). Ban đầu, chùa chỉ là một am nhỏ với mái lá, tường đất, qua nhiều lần tôn tạo mới có hình dáng như hôm nay. Nằm trên một ngọn đồi thấp, ẩn mình sau những tàng cây rậm rạp, Giác Nguyên tự là nơi đang có hàng chục tăng ni tu tập, đồng thời cũng là nơi gửi gắm tình cảm của phật tử trong vùng. Và từ hàng chục năm nay, nơi đây còn là tổ ấm của rất nhiều cậu bé vì nhiều lý do mà tới nương nhờ chùa, nơi các con được ăn học, yêu thương và trưởng thành.
 
Các bé đang được nuôi dưỡng tại chùa Giác Nguyên
Các bé đang được nuôi dưỡng tại chùa Giác Nguyên
 
Hào hứng dắt khách đi tham quan cảnh xung quanh chùa, Lê Bình Thiên An, cậu bé có cái tên rất đẹp khoe, bé đã ở chùa được 5 năm và nay đang học lớp 4 Trường Tiểu học Đường Mới ngay gần chùa. Gia đình khó khăn, cha mất, An được mẹ đưa vào nương nhờ chùa và ở đây, bé được nuôi dưỡng, học hành trong tình yêu thương và rèn giũa nghiêm khắc của các thầy, các cô. Không chỉ có Thiên An, trong chùa còn rất nhiều các bé khác đang được chăm sóc. Có cháu đã lớn như cháu Vũ Hồng Quang, học lớp 7 Trường THCS Lạc Nghiệp, hay còn nhỏ xíu như Lộ Minh Phong, lớp Lá Trường Mẫu giáo Măng Non. Ngoài giờ học ở trường, các bé còn được học thêm giống như bạn bè sống cùng cha mẹ. Sinh hoạt của các bé trong chùa rất vui vẻ, thoải mái nhưng kỷ luật, giờ nào việc nấy, anh lớn nhắc em nhỏ tuân thủ giờ ăn giờ chơi, giờ học bài. Bên cạnh những bé khỏe mạnh, còn có những số phận đặc biệt. Nguyễn Văn Việt, 11 tuổi, được mẹ gửi vào chùa từ năm lên 6 và chưa bao giờ quay lại thăm con; Việt 11 tuổi nhưng trí óc của bé chỉ như đứa trẻ lên 3 (chùa đã đưa bé đi khắp nơi thăm khám nhưng bác sĩ cho biết, bé bị thiểu năng trí tuệ và không thể chữa được). Với Việt, nhà chùa xác định sẽ nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương bé, để bé được sống bình an suốt đời dưới bóng chùa.
 
Chiếc bóng rộng lớn bao dung, nuôi nấng các bé chính là lão Hòa thượng Thích Pháp Chiếu, một hòa thượng đức cao vọng trọng trong giới tăng ni Phật tử. Hòa thượng tới trụ trì Giác Nguyên tự từ năm 1976, khi chùa còn heo hút, đơn giản và cuộc sống tu hành còn rất vất vả. Hòa thượng cũng là người thu hút hàng trăm tăng ni, phật tử tới chùa tu học và bên cạnh đó, chính ngài đã dang rộng vòng tay nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt dưới mái chùa. Chừng 20 năm trước, hòa thượng nhận thấy nhiều gia đình quá nghèo, không đủ sức nuôi nấng con cái, ngài đã nhận các cháu về sống dưới mái chùa, cho ăn cho học. Thấy vậy, nhiều người mang trẻ bị bỏ rơi tới gửi chùa, thậm chí nhiều bé sơ sinh còn quấn tã được mang tới đặt ngay dưới mái tam quan. Với bé nào, nhà chùa cũng đều tiếp nhận và nuôi dưỡng như nhau, không phân biệt, không so sánh. Suốt 20 năm, đã có cả trăm cháu được nuôi lớn từ dưới mái chùa, có cháu trở thành tu sĩ tiếp tục tu hành, có cháu trở thành giáo viên, công nhân và năm rồi có bạn đã tốt nghiệp đại học, trở thành kiến trúc sư. Hòa thượng khẳng định: “Chùa nuôi trẻ hoàn toàn từ lòng thiện nguyện, lúc nhỏ cho ăn cho học đầy đủ, khi các cháu lớn các cháu tự lựa chọn cuộc sống của mình. Điều quan trọng nhất nhà chùa dạy các cháu là phải có tình thương, tình yêu với mọi người”, và may mắn thay, các cháu rất yêu thương, gắn bó với nhau và khi ra đời đều trở thành những công dân tốt. Chị Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran cũng cho biết, chính quyền thị trấn luôn tạo điều kiện cho việc nuôi trẻ thiện nguyện của nhà chùa, các cháu đều được chăm sóc và cho ăn học rất chu đáo. 
 
Không chỉ nuôi dưỡng trẻ trong nhà chùa, với những bé có hoàn cảnh khó khăn đang sống trong những làng, buôn quanh chùa, có lực tới đâu, nhà chùa hỗ trợ tới đó. Những buôn như Kalkill, Tân Hiên của D’Ran hay Dom A, Dom B, Châu Sơn của Lạc Xuân…, bà con dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đều được chùa hỗ trợ ít nhiều, nhất là gạo, mì, quần áo cho trẻ em. Bà Ka Cháp, thôn Dom B (xã Lạc Xuân), nhà nghèo lại phải nuôi cháu mồ côi cha mẹ đã được nhà chùa hỗ trợ cháo, sữa, quần áo cho bé Ha Ni từ khi còn đỏ hỏn cho tới bây giờ, khi cháu đã học tiểu học. Bà cho biết: “Chùa thương lắm, lúc Ha Ni bé là cho cháo, sữa hàng ngày. Bây giờ nhà vẫn nghèo, mỗi tháng lên chùa một lần để các cô cho mì, cho gạo cho bọn trẻ ăn”.  
 
Dưới bóng chùa, tổ ấm đơn sơ của các bé vẫn đang lặng lẽ nuôi dưỡng những số phận đặc biệt, giúp các bé có chỗ dựa vững vàng giữa cuộc đời và phấn đấu cho một tương lai tươi sáng. 
 
Diệp Quỳnh