Vun đắp hạnh phúc bằng bữa cơm gia đình ấm áp tình yêu thương

07:06, 27/06/2014

Mặc dù bận rộn với "trăm thứ việc không tên" của một người phụ nữ làm nông nghiệp, nhưng đã 40 năm làm vợ, làm mẹ, bà Đỗ Thị Diễn (thôn 3, Mê Linh, Lâm Hà) vẫn không quên chăm bẵm cho các bữa ăn của gia đình mình…

Mặc dù bận rộn với “trăm thứ việc không tên” của một người phụ nữ làm nông nghiệp, nhưng đã 40 năm làm vợ, làm mẹ, bà Đỗ Thị Diễn (thôn 3, Mê Linh, Lâm Hà) vẫn không quên chăm bẵm cho các bữa ăn của gia đình mình. Là mẹ của 5 đứa con, chồng là cán bộ cơ sở tối ngày bận việc công; việc nhà cửa, đồng áng, nuôi dạy đàn con, một tay bà lo. Những năm tháng nghèo đói, các con nhỏ dại, có lúc phải chạy ăn từng bữa, cho đến khi no đủ và bây giờ đã ở tuổi xấp xỉ 60, mỗi ngày 2 bữa trưa - tối, không bữa nào bếp ăn gia đình bà quên đỏ lửa. Sự tần tảo, đảm đang, khéo thu vén của bà hiện rõ qua từng bữa cơm đạm bạc, nhưng chất chứa tình yêu thương đã nuôi lớn, hun đúc nên tâm hồn và nhân cách của 5 người con.
 
Xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mọi người
Xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mọi người
 
Đến thăm gia đình bà Diễn vào bữa cơm trưa, đúng vào hôm “cúp” điện, bà phải nấu cơm bằng bếp củi. Mùi khói ngai ngái lan toả từ bếp ra sân, nhưng bữa cơm dọn ra, cơm canh vẫn ngọt lành. Dù thiếu vắng những đứa con thành đạt đã đi làm, đi học xa nhà, thay vào đó có cháu Vy 4 tuổi là cháu nội của ông bà do bố mẹ bận công tác gửi cháu về nhờ ông bà chăm bẵm. Trong gia đình 3 thế hệ, với các mối quan hệ ông bà, cha mẹ, con cháu, cô chú, bữa cơm gia đình quây quần có thêm tiếng trẻ bi bô, không khí như ấm áp hơn, chứ không hề có cảm giác thiếu vắng. 
 
 Câu chuyện bữa cơm đầm ấm vẫn diễn ra hàng ngày ở gia đình bà Diễn lại đang trở thành thứ xa xỉ của một bộ phận không nhỏ các gia đình ở thành phố. Trong đời sống hiện đại, cuộc làm ăn, mưu sinh, mỗi người mỗi việc, ai cũng tất bật, bận rộn, công việc cuốn người ta đi, thời gian dành cho nhau của các thành viên trong gia đình ngày càng ít dần, khiến nhiều gia đình sinh hoạt rời rạc. 
 
Với người Việt, từ xưa đến nay bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần chỉ để hưởng thụ thành quả lao động và nạp năng lượng để sống, mà bữa cơm gia đình còn mang giá trị tinh thần rất lớn lao. Nếu gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của mỗi con người thì không khí bữa ăn gia đình là những bài học đầu đời về nhân cách của con trẻ. Những lời mời cơm, cử chỉ chăm sóc, gắp thức ăn cho người cao tuổi, ông bà, đút cho trẻ nhỏ ăn nhiều mau lớn, sự lễ phép, kính trên nhường dưới, nhường nhịn lẫn nhau, chia sẻ ngọt bùi (theo đúng nghĩa đen)… được biểu hiện ngay trong bữa cơm gia đình. Đó sẽ là những bài học trực quan sinh động nhất để khi trưởng thành con cái biết ơn đấng sinh thành đã dưỡng dục mình, phụng dưỡng ông bà cha mẹ, đồng thời chăm sóc nuôi nấng, dạy dỗ con cái mình - sự tiếp nối như một dòng chảy. 
 
Chính vì những giá trị tinh thần do bữa ăn gia đình mang lại mà Ngày Gia đình Việt Nam 2014 đã mang chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Với ý nghĩa đó, cùng với các gia đình Việt Nam, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng phát động các gia đình trong toàn tỉnh cùng tổ chức bữa cơm gia đình vào tối thứ Bảy từ 17 đến 19 giờ ngày 28/6 đúng vào Ngày Gia đình Việt Nam với mong muốn làm sống dậy nét đẹp văn hoá trong bữa cơm gia đình, để tất cả mọi gia đình cùng duy trì và phát huy, không để những nét đẹp đó bị mai một.
 
QUỲNH UYỂN