Chỉ với số vốn 4 triệu đồng từ "Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo", tháng 4 năm 1999, chị Lê Thị Thu Thủy (sinh năm 1963) ở thị trấn Liên Nghĩa đã bén duyên với nghề trồng nấm mèo.
Chỉ với số vốn 4 triệu đồng từ “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, tháng 4 năm 1999, chị Lê Thị Thu Thủy (sinh năm 1963) ở thị trấn Liên Nghĩa đã bén duyên với nghề trồng nấm mèo. Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, hai vợ chồng chỉ có một mặt con, nhưng đi làm thuê, làm mướn, nhiều nghề vẫn không đủ nuôi con, chị quyết tâm khăn gói đi học trồng nấm mèo thông qua một người bạn ở Đồng Nai, với mong mỏi sẽ thay đổi cuộc sống gia đình. Học về, chị bàn với chồng vay thêm vốn từ “Quỹ phụ nữ nghèo” dựng một nhà nấm khoảng 50m2, mái lợp bằng lá dừa tạo sự thoáng mát, lắp giàn tre để treo bịch nấm với nhiệt độ thích hợp từ 27 - 280C. Chỉ sau 40 ngày từ khi treo bịch nấm lên giàn, cộng với khí hậu thuận lợi, nấm đã đua nhau lớn. Vụ thu hoạch đầu tiên, trừ chi phí hết cho thu nhập 10 triệu đồng. Quá vui mừng trước sự đổi đời từ đây, chị Thu Thủy mạnh dạn xin vay vốn từ ngân hàng với số vốn 50 triệu đồng, tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Chị Lê Thị Thu Thủy (bên trái) đang thu mua nấm khô của chị em |
Nghề trồng nấm mèo rất phù hợp với chị em phụ nữ, vì chỉ làm trong nhà, tạo việc làm cho nhiều người thân trong gia đình. Mặt khác nghề nấm phát triển cũng góp phần hạn chế tình trạng chị em phải đi làm thuê xa nhà, có điều kiện chăm sóc bản thân và gia đình với mức thu nhập bình quân cho lao động thu hái từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Nếu chịu khó phun tưới, chăm sóc đúng quy trình, đặc biệt phải lựa chọn được bịch nấm hoàn toàn sạch bệnh để cho sản phẩm sạch. Sau khi thu hái, nấm đem phơi khô và cất trữ, đợi người đến thu mua. Thị trường tiêu thụ chính của gia đình chị Thủy là các tỉnh, thành phía Bắc, một số ít xuất khẩu ra các nước Trung Quốc, Đài Loan…
Cùng với định hướng của Hội LHPN thị trấn Liên Nghĩa, nhiều chị em ở khu phố 6 (cũ) đã mạnh dạn vay vốn phát triển nghề trồng nấm mèo, với tổng số hiện nay là trên 700 nhà nấm của 500 hộ gia đình. Mỗi năm trong dư nợ vốn vay 3 tỷ đồng thì khu phố 6 đã sử dụng hết hơn 2 tỷ đồng, cho thấy ngành nghề có bước phát triển mạnh. Mỗi nhà nấm trừ hết chi phí cho thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/vụ. Một năm có 4 vụ với tổng thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/trại.
Đến nay, sau gần 15 năm (1999 - 2014) bám trụ với nghề trồng nấm mèo, hiện chị Thủy vẫn duy trì và phát triển thêm 10 trại nấm ở khu vực Bồng Lai, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Thủy vẫn không rời xa nấm, cho dù có lúc giá nấm khô xuống thấp tới 93.000 đồng/kg (như hiện nay). Chị Thủy chia sẻ: Thời điểm này do ảnh hưởng khó khăn chung của cả nước, khiến đầu ra của nấm mèo gặp khó khăn. Nhưng nếu biết tích trữ, chịu khó lao động, tôi tin cây nấm sẽ hồi phục và vẫn cho thu nhập ổn định.
Ngay khi ổn định cuộc sống, có của ăn của để, chị Thủy đã chia sẻ, tạo điều kiện cho nhiều chị em trong khu phố phát triển, chị đã liên hệ với người cung cấp bịch nấm giống an toàn chất lượng, giá cả phải chăng cung cấp cho chị em nuôi nấm và liên hệ với đầu mối tiêu thụ các tỉnh phía Bắc thu mua nấm khô của chị em. Bên cạnh việc tự học những kinh nghiệm của người trồng nấm đi trước, chị Thủy còn luôn quan tâm đến công tác xã hội, vận động nhiều chị em làm kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Bằng tinh thần “tương thân, tương ái”, thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với nhiều chị em, hỗ trợ vốn từ “tổ tiết kiệm”, giúp nhiều chị em phát triển nghề nấm cho thu nhập ổn định. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo như hộ chị Trần Thị Tâm (tổ dân phố 4), chị Nguyễn Thị Châu (tổ dân phố 5), chị Nguyễn Thị Liên (tổ dân phố 3 - thị trấn Liên Nghĩa)…
Không dừng lại ở đó, việc phát triển nghề nấm với số lượng trại nấm ngày càng nhiều, bịch nấm sau thu hoạch không có chỗ thu gom xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chị Thủy lại tiếp tục mạnh dạn đầu tư một giàn máy chuyên sơ chế vỏ bịch nấm, tiếp tục tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên cho trên dưới 10 chị em.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nông Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Liên Nghĩa cho biết: Với nghị lực vươn lên của một phụ nữ nghèo, bằng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, chị Lê Thị Thu Thủy đã được đông đảo chị em phụ nữ trong thị trấn rất tín nhiệm và yêu mến, quý trọng. Xóm trên, làng dưới luôn coi chị như người nhà, chị rất gần gũi và thân thiết với bà con, tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con khởi nghiệp làm giàu từ cây nấm mèo. Chị xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, được Huyện Hội Đức Trọng, Tỉnh Hội Lâm Đồng tuyên dương, khen thưởng nhiều năm liền.
NGUYỆT THU