"Treo" sinh mạng trên những chiếc cầu treo

08:07, 09/07/2014

Những chiếc cầu treo ọp ẹp, biến dạng theo thời gian bắc ngang những con sông rộng. Chiếc thì làm bằng cọc sắt, dầm sắt, chiếc khác thì toàn bằng gỗ treo "hững hờ" trên những sợi thép nhỏ hơn ngón tay út. Chung quy lại, tất cả đều rất nguy hiểm và đã được cơ quan chức năng kiến nghị phải ngưng lưu thông. Thế nhưng, vì kế mưu sinh, ngày ngày, người nông dân vẫn bất chấp mối nguy hiểm qua lại trên những chiếc cầu treo này. 

Cuối tháng sáu, những cơn mưa đầu mùa đã làm cho mực nước các con sông ở phía Nam Lâm Đồng dâng cao. Dòng nước đục ngầu, chỗ thì cuồn cuộn chảy, chỗ thì êm đềm nhưng ẩn chứa hiểm họa khôn lường. Những chiếc cầu treo ọp ẹp, biến dạng theo thời gian bắc ngang những con sông rộng. Chiếc thì làm bằng cọc sắt, dầm sắt, chiếc khác thì toàn bằng gỗ treo “hững hờ” trên những sợi thép nhỏ hơn ngón tay út. Chung quy lại, tất cả đều rất nguy hiểm và đã được cơ quan chức năng kiến nghị phải ngưng lưu thông. Thế nhưng, vì kế mưu sinh, ngày ngày, người nông dân vẫn bất chấp mối nguy hiểm qua lại trên những chiếc cầu treo này. 
 
Cầu treo K’Giảo (huyện Bảo Lâm)
Cầu treo K’Giảo (huyện Bảo Lâm)
 
Có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến và bước chân trên những chiếc cầu treo mới thấy hết được sự nguy hiểm của nó. Đó là những chiếc cầu bắc qua sông Đại Bình, phương tiện duy nhất để qua các vùng sản xuất chè và cà phê của bà con nông dân TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người qua lại để vào vườn đi làm và vận chuyển nông sản trở về. Mỗi lần bước chân lên cầu hoặc chạy cả xe máy qua cầu là một lần sinh mạng của họ lại phó thác cho những tấm ván đã mục, những sợi dây cáp mỏng manh. Hễ qua được cầu, họ lại thở phào nhẹ nhõm vì mình đã bước qua được “ranh giới” sinh - tử mong manh. 
 
Cầu K’Giảo (thôn 13, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) là chiếc cầu đáng sợ nhất mà chúng tôi đã đi qua trong suốt đợt công tác tìm hiểu về những chiếc cầu treo ở các huyện, thành phía Nam Lâm Đồng. Tính về “tuổi thọ”, đến nay cầu cũng đã ngót nghét gần 30 tuổi. Còn xét về độ an toàn, có thể khẳng định cầu vô cùng nguy hiểm. Cả trụ và mặt cầu đều được làm bằng gỗ và ván tạp các loại ghép lại. Cả 4 trụ ở hai bên đầu cầu đều đã mục và được gia cố chằng chịt bằng tất cả những gì mà người dân kiếm được. Để tăng thêm độ “an toàn”, toàn bộ thân cầu được treo vào cây sung mọc bên dòng sông. Cầu dài 30m nhưng chỉ được treo bằng những sợi cáp và thép tròn rất mỏng manh. Hiện tại, những tấm ván tạp trên mặt cầu đã mục và rơi rụng nhiều. Người dân phải gia cố bằng cách buộc thêm những thân cây cà phê. Riêng ở “thành cầu” chỉ là vài sợi thép nhỏ đan xen nhau. Để giảm sự rung lắc khi qua cầu, người dân đã néo thêm 2 sợi dây thép từ giữa thành cầu kéo xuống bờ sông. Bản thân tôi phải lần mò từng bước và giữ thật chặt vào những sợi thép trên thành cầu mới đi ra đến giữa cầu và đành quay lại vì cầu đong đưa như chiếc võng. Thế nhưng, cả chục năm nay, người dân vẫn phải đánh đu với số phận để qua lại chiếc cầu này. Hiện, người dân đã không thể và không dám chạy xe qua cầu nữa. Để đi được vào vườn, họ phải để xe bên này cầu và đi bộ qua. Chiều tối, nếu có chè hoặc cà phê thì phải vác bộ ngược về. Ông K’Gos, người đã 15 năm “gắn bó” với chiếc cầu này, tâm sự: “Sợ thì cũng rất sợ, nhưng đi mãi cũng thành quen. Cực nhất là vào mùa mưa, cầu trơn trượt nhưng ngày nào cũng phải vác phân bón sang và vác chè, cà phê về. Đã nhiều lần cầu bị trôi, người dân cũng tự dằng néo và gia cố lại để đi tạm”.
 
Cầu treo Kim Thanh (TP Bảo Lộc)
Cầu treo Kim Thanh (TP Bảo Lộc)
Cũng bắc qua sông Đại Bình, cầu treo ở thôn Kim Thanh (xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc) cũng là một trong nhiều chiếc cầu rất nguy hiểm buộc các ngành chức năng kiến nghị ngừng lưu thông. Cầu dài gần 70 m được treo trên dầm chủ bằng cáp, sàn làm bằng sắt được hàn tạo lưới. Vì cầu quá dài nên giữa cầu được chống tạm thêm hai ống sắt. Khi bước trên cầu, cảm giác rất chông chênh vì cầu đong đưa. Thế nhưng, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người qua lại vì đây là con đường “độc đạo” vào vùng sản xuất hơn 2.000 ha trồng chè và cà phê của người dân. Ông Nguyễn Duy Lý, người dân hàng ngày qua lại chiếc cầu này, chia sẻ: “Để đi được như hiện tại, hàng năm người dân đều phải đóng góp tiền để gia cố lại cầu. Mỗi năm chúng tôi đóng tiền sửa cầu 2 lần và đóng tiền theo diện tích đất sản xuất của mỗi gia đình. Vào cao điểm mùa cà phê, mỗi ngày có từ 500 - 700 lượt người vận chuyển cà phê qua lại. Ở đây đã có 2 người bị rơi xuống sông khi chở cà phê qua cầu. Biết rằng qua lại trên chiếc cầu này là rất nguy hiểm, nhưng người nông dân chúng tôi không còn lựa chọn nào khác nên đành chịu!”.
 
Trong khi đó, tại xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai), cầu treo Đạ Riềng (bắc qua sông Đạ Quay, thôn Phước Bình) lại quá hẹp khiến việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn. Cầu dài 60m và lòng cầu chỉ rộng vỏn vẹn 80 cm. Đây cũng là chiếc cầu được đánh giá rất nguy hiểm và kiến nghị phải ngừng lưu thông. Ông K’Pài, Trưởng thôn Phước Bình, cho biết: “Cầu Đạ Riềng được làm cách đây hơn 10 năm, nay đã xuống cấp. Đây là chiếc cầu độc đạo dẫn vào xóm Đạ Riềng với hơn 60 hộ dân sinh sống và vùng sản xuất khoảng 700ha của người dân trong thôn. Năm ngoái, cầu mới được duy tu, sửa chữa nhưng vẫn không đảm bảo lưu thông và cần đầu tư mới. Hiện, người dân phải tự ý thức khi qua cầu bằng cách nhường nhau cho từng xe qua một lượt để đảm bảo an toàn”. Ông Nguyễn Văn Trinh, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, kiến nghị: “Cầu Đạ Riềng là công trình bức xúc về giao thông cần được ưu tiên đầu tư. Bởi lẽ, cầu không chỉ gây trở ngại trong việc sản xuất mà còn làm hạn chế việc sửa chữa nhà cửa, xây dựng đường giao thông nông thôn cho xóm Đạ Riềng, ảnh hưởng đến chương trình xây dựng nông thôn mới”.
 
Theo thống kê, tại TP Bảo Lộc có 8 chiếc cầu treo. Tất cả những chiếc cầu này đều được đánh giá là rất nguy hiểm, cần đầu tư mới 4 cầu, còn lại phải tăng cường sửa chữa. Còn tại huyện Đạ Huoai, một nữa trong số 12 cầu treo trên địa bàn huyện đã xuống cấp. Riêng tại huyện Bảo Lâm, có 10/12 cầu xuống cấp nguy hiểm. Tất cả những chiếc cầu này, được Sở GT - VT yêu cầu ngừng lưu thông hoặc tăng cường trực gác cầu. Ông Vương Khả Kim, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Đa phần các cầu treo này đều là đường độc đạo vào vùng sản xuất của người dân. Nếu ngừng lưu thông thì không có khả thi. Do đó, khi chờ nguồn vốn đầu tư mới, hàng năm huyện đều đề xuất xin kinh phí để sửa chữa, gia cố cho người dân đi lại. Nếu tỉnh đồng ý, thì trước mắt huyện có thể tạm ứng kinh phí để xây dựng những cầu đã xuống cấp nghiêm trọng và cấp thiết cần phải đầu tư mới”.
 
Theo Sở GT - VT Lâm Đồng, hiện tại toàn tỉnh có 58 chiếc cầu treo cần được thay thế và sửa chữa với tổng kinh phí 38 tỷ đồng; trong đó, có 15 chiếc cần đầu tư mới với kinh phí hơn 23,5 tỷ đồng. Trong khi chờ nguồn kinh phí đầu tư mới, hàng ngày, người dân vẫn phải lo âu khi “treo” sinh mạng của mình trên những chiếc cầu treo vốn đã “già tuổi” và không còn an toàn. Song, vì cuộc sống nên họ phải chấp nhận dù biết đó là nguy hiểm!
 
HỮU SANG - KHÁNH PHÚC