Ở Kon Tum, nhà thơ Tạ Văn Sỹ được xem là một nhà địa phương học với vốn hiểu biết khá rộng về văn hóa của các tộc người thiểu số bản địa. Trong chuyến công tác gần đây nhất đến vùng đất có các tộc người bản địa Xơ Đăng, Bana, Gia Rai... cư trú nằm ở bắc Tây Nguyên này, tôi đã tìm gặp nhà thơ Tạ Văn Sỹ để hỏi ngọn nguồn tục lệ "uống sữa mẹ" và cả "uống sữa bố" (mà nhiều người gọi là tục "bú vú") đang còn khá phổ biến trong các tộc người thiểu số ở đây.
Ở Kon Tum, nhà thơ Tạ Văn Sỹ được xem là một nhà địa phương học với vốn hiểu biết khá rộng về văn hóa của các tộc người thiểu số bản địa. Trong chuyến công tác gần đây nhất đến vùng đất có các tộc người bản địa Xơ Đăng, Bana, Gia Rai... cư trú nằm ở bắc Tây Nguyên này, tôi đã tìm gặp nhà thơ Tạ Văn Sỹ để hỏi ngọn nguồn tục lệ “uống sữa mẹ” và cả “uống sữa bố” (mà nhiều người gọi là tục “bú vú”) đang còn khá phổ biến trong các tộc người thiểu số ở đây. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ nói ngay: “Mình có một người thân là người Kinh kết nghĩa “bú vú” với một già làng người thiểu số. May mà ông người thân của mình kết nghĩa với già làng nên mới thoát khỏi một... đại nạn khi ông ấy còn trẻ đấy!”.
|
Bên trong ngôi nhà sàn của người Bana Kon Tum |
Chuyện của anh Tạ Văn Sỹ kể rằng: Dạo đó, chàng thanh niên người nhà của Tạ Văn Sỹ (chúng tôi xin được không nêu tên thật chàng thanh niên người Kinh này vì lý do tế nhị mà phần sau sẽ đề cập) thường xuyên mang hàng đến buôn bán, trao đổi với dân làng. Thấy vị già làng có uy tín và dễ gần, anh ngỏ lời kết nghĩa. Cùng đó, vị già làng thấy chàng trai tuy là người Kinh nhưng buôn bán thật thà và dễ mến nên ông đồng ý ngay.
“Cái lễ ấy diễn ra cũng lạ lắm...” - nhà thơ Tạ Văn Sỹ nói. Theo lời anh, để kết nghĩa cha con, trước hết, người con phải tổ chức buổi lễ ra mắt buôn làng với tục “bú vú” bắt buộc. Tạ Văn Sỹ kể tiếp: “Buổi lễ ấy to hay nhỏ là tùy theo khả năng kinh tế của người con. Ngay cả việc chọn con vật hiến tế không thể thiếu để dâng lên cho thần linh cũng vậy; nếu giàu thì mổ trâu hoặc bò, mức trung bình thì mổ heo, còn nếu nghèo thì mổ dê hoặc gà. Vào lễ, sau lời khấn của thầy cúng, già làng (là bố) sẽ để ngực trần đứng ở nơi trang trọng nhất; người con kết nghĩa sẽ quỳ xuống cho đầu chạm vào ngực người cha; thầy cúng sẽ dùng một cái bát hòa rượu với huyết con vật hiến tế từ phía sau người cha đổ từ vai xuống ngực và người con sẽ há miệng đón lấy dòng rượu huyết ấy. Khi dòng rượu huyết vừa cạn, thầy cúng sẽ ngửa tay lên trời và khấn rồi tuyên bố kể từ lúc này, họ chính thức là cha con của nhau, sống chết có nhau, cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống... Và cũng kể từ lúc ấy, anh chàng thanh niên người Kinh kia chính thức là một thành viên của gia đình già làng nọ và cũng là thành viên của buôn làng đó...”. Sau một thời gian chính thức là cha con với nhau, khi điều kiện kinh tế cho phép, người cha buộc phải làm một cái lễ “trả nghĩa” với đấng sinh thành, với gia đình và dòng tộc người con và cũng là trả nghĩa buôn làng. Trong buổi lễ trả nghĩa ấy, vật hiến tế phải lớn hơn con vật mà người con dùng trong lễ kết nghĩa trước đó. Năm ấy, chàng thanh niên người nhà của Tạ Văn Sỹ hiến tế con heo. Đến ngày trả nghĩa đấng sinh thành chàng trai và buôn làng, già làng đã mổ con bò.
Kể từ ngày kết nghĩa cha con với già làng, chàng trai người Kinh mỗi khi mang hàng từ xuôi lên để trao đổi với buôn làng, anh sống ngay trong ngôi nhà của già làng với tư cách là một thành viên thực thụ trong gia đình. Nhưng rồi, một chuyện rất không hay đã xảy ra...
Trong nhà, già làng có cô con gái út vừa đến tuổi “chớm cái rẫy trăng tròn” khiến cho chàng thanh niên người Kinh kết nghĩa cha con với già làng để ý. Buổi sáng hôm đó, cô gái ngồi úp mặt bên bếp lửa nhà sàn và tốc một phần váy từ phía sau lên trùm kín đầu. Bếp lửa vẫn đỏ nhưng chàng thanh niên người Kinh kết nghĩa thì “bận rộn sớm” với chuyến hàng buôn bán với dân làng nên rời nhà từ lúc mặt trời chưa chờm qua đỉnh núi. Khi mọi người thức dậy và chuẩn bị lên nương, nhìn thấy cô con gái út vẫn ngồi phủ váy qua đầu và im lặng, ai ai cũng hiểu điều gì vừa xảy ra. Tiếng chiêng nổi lên. Tiếng tù và nổi lên. Dân làng biết rõ trong ngôi nhà của già làng vừa xảy ra chuyện không hay. Những vị cao niên trong làng bỏ chuyện lên nương để đến nhà già làng hỏi cho ra ngọn nguồn chuyện gì vừa xảy ra. Cô con gái út của già làng vẫn ngồi im như pho tượng. Tuy không được cô út thông báo điều gì nhưng nhìn thấy hành động của cô, dân làng đủ biết chuyện gì vừa xảy ra đêm qua. Một cuộc hội ý chớp nhoáng giữa già làng và các vị cao niên diễn ra và mọi người đưa ra quyết định: Triệu tập ngay chàng thanh niên người Kinh kết nghĩa với già làng về để phân xử! Chàng thanh niên được đưa về với “nguyên đai nguyên kiện” những thứ hàng hóa và cả chiếc xe máy (chiếc xe máy hồi đó là cả một tài sản lớn). Cuộc phân xử cũng diễn ra khá nhanh: Già làng bảo “Như thế là đứa con kết nghĩa của ta đã vi phạm luật tục. Theo luật tục, đứa con trai kết nghĩa của ta phải lấy con gái út làm vợ hoặc phải đền trâu trắng. Tuy nhiên, bởi nó là đứa con kết nghĩa của ta nên ta cho nó sự lựa chọn khác là bỏ lại toàn bộ tài sản và ra khỏi làng, không bao giờ được đến đây nữa!”.
Kể đến đây, nhà Kon Tum học Tạ Văn Sỹ cười ngất: “May mà cái ông Kinh người thân của mình là con trai kết nghĩa với già làng nên mới “bỏ của chạy lấy người” một cách dễ dàng như vậy, còn nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra...”. Câu chuyện của nhà thơ Tạ Văn Sỹ khiến chúng tôi có cái nhìn thấu đáo hơn về một phong tục của cộng đồng người thiểu số Bắc Tây Nguyên.
Khắc Dũng