Cuộc sống mới ở làng Jrah

08:08, 08/08/2014

Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", những năm qua, làng Jrah đã triển khai thực hiện một cách sâu rộng và được người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, những năm qua, làng Jrah (nay gọi là thôn 1, xã Liên Đầm, huyện Di Linh) đã triển khai thực hiện một cách sâu rộng và được người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nên đến nay đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được nâng lên đáng kể. 
 
Một góc làng Jrah hôm nay
Một góc làng Jrah hôm nay
 
Thôn 1 có 196 hộ, với 900 khẩu, chủ yếu là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, khí hậu thuận lợi cho việc sản xuất cà phê, bà con thôn 1 đã chú trọng đến việc áp dụng KHKT vào sản xuất, năng suất cây trồng được nâng lên đáng kể. Ông K’Tại (Trưởng thôn 1) cho biết: “Trong thôn có 226ha cà phê, 9ha lúa nước và 3ha chè. Hộ nào cũng có đất vườn để trồng cây cà phê. Hộ ít nhất cũng có 5 sào và hộ nhiều nhất lên đến cả chục ha. Những năm gần đây, do được chú trọng đầu tư thâm canh, nên năng suất cà phê từng bước được tăng lên, bình quân đạt 3 tấn/ha”.
 
Từ cây cà phê cuộc sống của bà con DTTS nơi đây đã ổn định, phát triển và ngày càng xuất hiện nhiều hộ khá, giàu. Trong số 196 hộ trong thôn thì hầu hết đều có nhà xây kiên cố, có xe máy, máy cày, máy kéo, các nông cụ phục vụ sản xuất và các phương tiện nghe nhìn. Theo thống kê, toàn thôn hiện có 150 hộ (chiếm 76,5%) có cuộc sống khá và giàu, 19 hộ cận nghèo và chỉ còn 18 hộ nghèo. 
 
Gia đình ông K’Lam có 2ha cà phê. Nhờ biết áp dụng KHKT vào sản xuất, như bón phân, tỉa cành, tạo tán và phòng trừ dịch hại…, nên vườn cà phê của gia đình ông luôn cho năng suất ổn định và đạt từ 6 - 9 tấn cà phê nhân/năm. Cũng nhờ nguồn thu từ cà phê, năm 2008, gia đình ông K’Lam đã xây dựng được ngôi nhà khá khang trang, với trị giá 500 triệu đồng; đồng thời, nuôi 4 người con theo học tại các trường đại học, cao đẳng.
 
Tuy thôn chưa có hội trường làm nơi sinh hoạt, hội họp, nhưng Ban nhân dân thôn luôn duy trì sinh hoạt định kỳ để đánh giá kết quả hoạt động của thôn, tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm sản xuất. Với những cách làm hay, hiệu quả đều được đưa ra phổ biến, nhân rộng để cùng nhau học tập. Khi điều kiện kinh tế đã có bước phát triển ổn định, bà con còn chú trọng đến đời sống tinh thần, chăm lo cho con cái được học cái chữ. Đến nay, thôn 1 có 100% con em trong độ tuổi được đến trường và có trên 20 người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. 
 
Từ những kết quả phát triển kinh tế đã tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Các phong trào phát động tại địa phương luôn được các ban, ngành, đoàn thể của thôn triển khai hiệu quả. Vai trò của già làng, những người có uy tín được phát huy. Những mâu thuẫn, tranh chấp trong làng xóm đều được các già làng cùng với tổ hòa giải đứng ra giải quyết… Cùng với đó, Ban nhân dân thôn còn vận động bà con đóng góp tiền cùng với nguồn vốn đối ứng của Nhà nước để chuẩn bị xây dựng hội trường thôn, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn.
 
Ông Nguyễn Đình Tuất, Bí thư Đảng ủy xã Liên Đầm, nhận xét: “Thực hiện nếp sống mới, bà con nơi đây luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong năm 2014, thôn 1 phấn đấu sẽ được công nhận là thôn văn hóa. Đến nay, thôn 1 cũng đã “xóa” xong thôn trắng đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép”.
 
NDONG BRỪM