Thành lập từ tháng 2/2001, Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Di Linh ban đầu chỉ có 7 hội viên sáng lập. Sau 13 năm rưỡi hoạt động, đến nay, Hội SVC Di Linh đã thu hút 250 hội viên và thành lập được 10 chi hội, 3 câu lạc bộ (CLB). Số hội viên và các tổ chức của Hội không chỉ phát triển ở thị trấn Di Linh mà đã "lan tỏa" đến nhiều xã trong huyện.
Thành lập từ tháng 2/2001, Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Di Linh ban đầu chỉ có 7 hội viên sáng lập. Sau 13 năm rưỡi hoạt động, đến nay, Hội SVC Di Linh đã thu hút 250 hội viên và thành lập được 10 chi hội, 3 câu lạc bộ (CLB). Số hội viên và các tổ chức của Hội không chỉ phát triển ở thị trấn Di Linh mà đã “lan tỏa” đến nhiều xã trong huyện.
|
Một tác phẩm bon sai - cây kiểng của Hội SVC Di Linh |
Hội SVC Di Linh đã hình thành được 8 bộ môn, gồm: Đá cảnh, gỗ lũa và cây khô nghệ thuật, bon sai - kiểng cổ, điêu khắc gỗ, đá mỹ nghệ, hoa (hoa lan và hoa cắt cành), tranh thêu lụa và chim - cá cảnh. Ông Đinh Công Bình - Chủ tịch Hội SVC Di Linh, cho biết: “Xác định là một tổ chức xã hội và nghề nghiệp, Hội SVC huyện Di Linh thực hiện đúng định hướng, gắn giữa vui chơi với làm ăn. Hội đã góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề ở địa phương”.
Trong những năm qua, Hội SVC Di Linh đã khai thác, bảo tồn, lai tạo hoa lan rừng và đã đem lại kết quả khả quan. Hầu hết các giống lan rừng trên địa bàn được gìn giữ và hàng năm phát triển hàng trăm ngàn chậu. Nhiều loại lan rừng quí như Dạ hạc, Hạc đỉnh, Ý thảo, Long tu, Kim Điệp… đã được bảo tồn và phát triển bằng phương pháp tự nhiên và sinh học. Hội đã lai tạo thành công 2 giống lan hiếm là Dạ hạc và Ý thảo thành giống mới Ý Thảo hạc. Ngoài ra, Hội còn sưu tầm thêm một số giống mới, như Hạc đỉnh vàng, Dạ hạc trắng, Hài lạ… Để lưu giữ và phát triển những loại lan quý hiếm và nhân giống những loại lan mới có giá trị, Hội đã xây dựng được một nhà cấy mô. Ngoài ra, Hội còn hình thành một xưởng sản xuất, gia công đá mỹ nghệ; xây dựng một cơ sở gia công mộc…
Nhiều hội viên Hội SVC Di Linh đã tích cực sưu tầm, khai thác và sáng tạo hàng ngàn chậu bon sai - kiểng cổ có giá trị; chịu khó vào rừng để sưu tầm, tìm kiếm những viên đá, những gốc cây khô và sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Một số hội viên đã có những tác phẩm có giá trị tới hàng trăm triệu đồng. Trong mấy năm gần đây, Hội SVC Di Linh bắt đầu phát triển hoa hồng môn, một loại hoa cắt cành. Ngoài ra, Hội còn cung cấp giống và hướng dẫn bà con nông dân tại địa phương về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm hoa hồng môn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho hội viên, Hội SVC đã mua từ Hà Lan 60.000 cây giống (hồ điệp, vũ nữ, hồng môn). Đến nay, tại Di Linh đã có hơn 30 gia đình cùng liên kết với Hội SVC trồng trên 5ha hoa hồng môn. Hàng năm, họ cùng với Hội cung cấp hàng triệu cành hoa cho thị trường trong và ngoài nước, tạo nguồn thu nhập khá cao. Cũng từ các hoạt động của mình, Hội SVC Di Linh đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chi hội trưởng Chi hội II, là người đầu tiên trồng hoa với qui mô lớn nhất ở Di Linh. Không chỉ lan rừng, ông Cường còn phát triển thêm hoa hồng môn. Ông đã phát triển thêm 7.000m2 nhà lưới để trồng hoa hồng môn. Toàn bộ diện tích nhà lưới, ông đầu tư trang bị hệ thống tưới tự động và tưới nhỏ giọt. Riêng trang trại hoa hồng môn của ông giải quyết việc làm quanh năm cho 6 lao động (vào vụ mùa, giải quyết việc làm cho 12 lao động). Ông Cường cho biết: “Hàng năm, chỉ với 7 sào hoa hồng môn, tôi thu nhập được khoảng 600 triệu đồng (chưa trừ chi phí)”.
Theo ông Đinh Công Bình - Chủ tịch Hội SVC Di Linh, hiện nay, trong Hội đã có 100 hội viên trồng hoa và cây cảnh; trong đó, có nhiều hội viên phát triển thành qui mô trang trại. Ông Nguyễn Phú Sơn (ở thị trấn Di Linh, hội viên Hội SVC) phát triển 6 sào nhà lưới trồng hoa hồng môn. Ông đã lắp đặt hệ thống tưới tự động và luống trồng hoa xây bằng gạch. Mức chi phí đầu tư (kể cả cây giống hoa hồng môn Hà Lan) mỗi sào khoảng 500 triệu đồng. Qua 10 năm trồng hoa hồng môn, chỉ với diện tích 6 sào, ông Sơn cho biết, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu nhập khoảng 300 - 350 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Nhan (ở thị trấn Di Linh, hội viên Hội SVC) cho biết: “Tôi mới tham gia trồng hoa hồng môn từ tháng 8/2010. Sau khi trồng thử có hiệu quả 0,5 sào cà phê, tôi đã trồng thêm 2 sào hoa hồng môn. Trồng hoa tuy vất vả, nhưng đem lại thu nhập cao hơn trồng cà phê…”.
“Vừa làm vừa chơi” và “Vừa chơi vừa làm” là “đặc thù” của Hội SVC cảnh Di Linh. Hội rất tích cực và tham gia đầy đủ trong các dịp trưng bày, triển lãm phục vụ các lễ hội, hội chợ thương mại, hội hoa xuân hàng năm… Hội đã có rất nhiều tác phẩm đoạt giải tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Lễ Hội SVC Đồng bằng sông Cửu Long, Hội hoa xuân tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội hoa xuân tại thành phố Đà Lạt, Festival hoa Đà Lạt… Riêng trong năm 2014 này, Hội SVC Di Linh có 17 tác phẩm đoạt giải (trong đó, có 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng…); 20 tập thể và hội viên được các cấp tặng bằng và giấy khen; 6 hội viên được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển SVC Việt Nam” và 8 hội viên được công nhận “Nghệ nhân SVC”.