(LĐ online) - Theo số liệu thu thập được của Phó phòng Kỹ thuật Trần Thị Cúc, hiện nay, ở các tỉnh phía Nam có khoảng 17.877ha lúa bị nhiễm bệnh bạc lá với tỷ lệ gây hại phổ biến từ 10% - 20%.
(LĐ online) - Theo tài liệu chuyên môn của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng do Phó phòng Kỹ thuật Trần Thị Cúc cung cấp: Bệnh bạc lá lúa (hay cháy bìa lá lúa) là bệnh gây hại lúa phổ biến ở khắp các quốc gia có trồng lúa trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh bạc lá lúa xuất hiện từ lâu và thường xuyên gây hại cho loại cây trồng này, đặc biệt là đối với những giống lúa có năng suất cao.
|
Bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv oryzae gây nên (ảnh do Chi cục BVTV Lâm Đồng cung cấp) |
Theo số liệu thu thập được của Phó phòng Kỹ thuật Trần Thị Cúc, hiện nay, ở các tỉnh phía Nam có khoảng 17.877ha lúa bị nhiễm bệnh bạc lá với tỷ lệ gây hại phổ biến từ 10% - 20%. Một số địa phương có bệnh bạc lá lúa khá phổ biến là Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu... Trong khi đó, ở Lâm Đồng, bệnh bạc lá lúa tuy xuất hiện đã khá lâu nhưng chỉ rải rác và mức độ gây hại cũng không đáng kể nên không ít nông dân ở Lâm Đồng từ trước đến nay tỏ ra khá chủ quan với bệnh bạc lá lúa. Tuy nhiên, một thông tin về kết quả khảo sát của Chi cục BVTV Lâm Đồng gần đây nhất rất đáng quan tâm là trong vụ hè thu 2014, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có đến 25ha lúa bị bệnh bạc lá và tỷ lệ gây hại lên đến 50% - 80%.
Khi bệnh bạc lá xuất hiện, có thể dùng một trong những thuốc sau:
Kasugamycin (Karide 3SL, 6WP)
Gentamycin sulfate + Ningnanmycin + Streptomycin sulfate (Riazor Gold 110WP)
Oxolinic acid (Staner 20WP)
Kasugamycin (Kasumin)
Copper Oxychloride + Streptomycin (Bactocide 12WP)
|
Bà Trần Thị Cúc cho biết: “Bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv oryzae gây ra. Vi khuẩn này thâm nhập vào cây lúa chủ yếu qua những lỗ hở tự nhiên như khí khổng hoặc các vết thương xây xát. Nguồn vi khuẩn tồn tại trong hạt giống, tàn dư cây bệnh vùi lấp trong đất, cỏ dại. Trong những giọt dịch trên vết có chứa đầy những vi khuẩn, gặp nước mưa, gió bão, nước sương sẽ lây lan nhanh chóng. Sự phát triển của vi khuẩn phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết, giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, chế độ canh tác và giống lúa...”. Triệu chứng của bệnh bạc lá dễ nhận thấy trước tiên là một hoặc hai bên bề mặt mép lá lúa xuất hiện những vệt màu vàng giống như những sọc thấm nước; “sọc thấm nước” này cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên lá lúa. Sau đó, những vệt này lan ra toàn bộ lá lúa và màu vàng ban đầu chuyển sang vàng sẫm, rồi tiếp tục chuyển sang màu trắng. Ở những chân ruộng lúa bị nhiễm nặng, vết bệnh có thể kéo dài đến tận bẹ lá, thậm chí xuất hiện cả trên bông và hạt. Vết thương xây xát trên lá này sẽ khiến cho lá lúa không còn khả năng quang hợp để tạo dinh dưỡng nuôi thân và hạt, lá lúa sẽ bị khô và chết; do vậy, năng suất lúa sẽ bị giảm đáng kể (có nơi giảm đến trên 50%).
Theo các nhà chuyên môn, bệnh bạc lá lúa là một loại bệnh rất khó diệt trừ vì nó liên quan đến rất nhiều yếu tố. Ở nhiều địa phương trong cả nước, bạc lá lúa thực sự trở thành một đối tượng dịch hại nguy hiểm trên đồng ruộng. Còn ở Lâm Đồng, như trên đã nói, bệnh bạc lá lúa tuy xuất hiện đã nhiều năm nay nhưng chỉ rải rác và mức độ không đáng kể nên khiến cho nhiều hộ nông dân trồng lúa chưa quan tâm đúng mức đến loại dịch hại này. Tuy nhiên, trước hiện tượng bệnh bạc lá gây hại cùng lúc 25ha lúa hè thu 2014 ở Đạ Tẻh như là một dấu hiệu bất thường so với mọi năm, Chi cục BVTV đã nhanh chóng “phát tín hiệu” để người dân lưu ý; đồng thời, Chi cục cũng đưa ra một số biện pháp cơ bản để người dân áp dụng trong phòng trừ bệnh bạc lá lúa. Theo đó, điều cần làm trước tiên là bà con nên thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh bạc lá lúa ngay từ đầu nhằm xử lý một cách hữu hiệu. Do bệnh bạc lá lúa phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên bà con nông dân cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp kỹ thuật - từ khâu chọn giống (giống chống chịu bệnh), kỹ thuật canh tác, chế độ phân bón... đến khâu nhận diện bệnh, sử dụng thuốc BVTV... Trong đó, Chi cục đặc biệt lưu ý đến chế độ bón phân đạm cho lúa: Bón tập trung vào giai đoạn đầu, bón nhẹ ở giai đoạn cuối; đặc biệt là khi phát hiện bệnh bạc lá xuất hiện trên ruộng lúa thì dừng ngay việc bón phân đạm và không phun các chất kích thích sinh trưởng và phân bón lá.
Khắc Dũng