Hành động vì trẻ em

08:10, 24/10/2014

Từ phương xa, các bác sĩ của Tổ chức Children Action đã đến Lâm Đồng khám bệnh cho trẻ em. Nghe tin có bác sĩ nước ngoài, nhiều gia đình từ  vùng sâu, vùng xa đưa con đến khám bệnh và có cả những người già, phụ nữ trung niên bị cơ xương khớp cũng tìm đến. 

Từ phương xa, các bác sĩ của Tổ chức Children Action đã đến Lâm Đồng khám bệnh cho trẻ em. Nghe tin có bác sĩ nước ngoài, nhiều gia đình từ  vùng sâu, vùng xa đưa con đến khám bệnh và có cả những người già, phụ nữ trung niên bị cơ xương khớp cũng tìm đến. 
 
Hai BS của Tổ chức Children Action xem xét kỹ một trường hợp trẻ em đa dị tật
Hai BS của Tổ chức Children Action xem xét kỹ một trường hợp trẻ em đa dị tật
Đoàn Bác sĩ của Tổ chức Children Action do Bà Claude Le Coultre, Giáo sư -Tiến sĩ - Bác sĩ Ngoại - Nhi, giảng viên Trường Đại học Y khoa Genève (Thụy Sỹ) và ông Michel Dutoit - Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Chỉnh hình của Bệnh viện Chỉnh hình Lausanne (Thụy Sỹ) trực tiếp đến Lâm Đồng thực hiện 3 đợt khám trong 2 năm qua. Trong đợt khám thứ 3 (diễn ra từ ngày 6-7 và 9-10/10) tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt và Trung tâm Y tế Bảo Lộc khám sàng lọc cho hàng trăm trẻ em bị các dị tật về cơ xương khớp, di chứng sẹo bỏng. 
 
Hơn 1 giờ ở phòng khám, chứng kiến 2 chuyên gia lĩnh vực này khám cho trẻ em mới thấy việc làm của các bác sĩ nước ngoài thật có ý nghĩa không chỉ về mặt nhân đạo mà còn là sự chuyển giao kinh nghiệm y khoa trong việc khám bệnh, tư vấn cho các bác sĩ trong nước. Khám bệnh giữa tiếng khóc của trẻ, trong sự đòi hỏi thắc mắc nhiều thứ của người nhà bệnh nhân, hai BS cao tuổi vẫn rất điềm tĩnh, ân cần, chu đáo. Họ không bị sức ép của thời gian để khám cho xong bệnh nhân dù số người chờ bên ngoài phòng khám rất đông. 
 
Ở đây chúng tôi ghi lại những câu chuyện buồn nhưng vẫn tràn đầy niềm an ủi, hy vọng của những ai có con bị dị tật đã đưa đến gặp 2 bác sĩ này. Đó là trường hợp cháu K’sa K’Noen (4 tuổi) ở Đầm Ròn bị dị tật bẩm sinh với 2 bàn chân rũ như chân vịt. Mẹ bé kể rằng, từ khi sinh ra cháu đã bị như vậy nhưng gia đình chưa đưa đi chữa bệnh. Bác sĩ Michel Dutoit bảo cháu đi lại thử xem và bé vẫn lê đôi chân yếu ớt đi lại trong phòng khám. BS yêu cầu chụp phim kiểm tra để có hướng điều trị. Đến lượt bệnh nhân khác là bé N’Du Nụ Thư, 2 tuổi được mẹ đưa từ Đam Rông đến cho biết cháu không đi, đứng được. Từ khi vào phòng khám bé khóc liên tục, BS khám kỹ lưỡng cho cháu và phát hiện bé không nghe được, không biết lật, bị vấn đề về não, ông giải thích cho người mẹ trẻ: BS không can thiệp gì được, chị nên đưa cháu về nhà cố gắng tập vật lý trị liệu phục hồi được lúc nào hay lúc đó. Trường hợp bé Đơn Gu Trum, 9 tuổi, ở Đạ K’Nàng thì không biết nói, đi không vững, không biết nhai nên ăn phải có người mớm; đứa con thứ hai ở nhà 6 tuổi cũng bị như vậy, sinh ra không biết nói, ăn cơm không biết nhai. Nghe người mẹ kể tình hình bệnh tật của 2 đứa con mình, BS khuyên chị không nên sinh con nữa vì các cháu bị bệnh bẩm sinh. 
 
Có trường hợp người mẹ đưa con đến phòng khám với vẻ lo lắng vô cùng nhưng BS khám và khuyên rằng không có gì phải lo cả. Người mẹ trẻ ở Trạm Hành (Đà Lạt) vừa bế con vừa dắt thêm một cháu nữa. Bé gái 7 tuổi kêu hay bị tê tay chân, thường đau và lạnh vào ban đêm đã rất lâu rồi, lại có cục xương ở lưng. Những lúc cháu tê tay chân, người mẹ xoa bóp dầu. BS khám qua một lượt bảo cháu bé rất bình thường, không sao hết! Ông giải thích: nhiều người, nhất là trẻ em bị đau, tê tay chân nhưng tự khỏi, những lúc như vậy mát-xa, bôi dầu là đúng. Người mẹ trẻ còn thắc mắc vì sao cháu bé thứ hai cứ mỗi lần nâng người cháu lên là nghe kêu răng rắc, có phải xương cốt bị làm sao? Bác sĩ chỉ cười bảo tiếng kêu ấy cho biết là bé còn sống chứ không sao cả, tùy người cơ xương mà kêu ít, hay kêu nhiều khi vận động đều không sao cả, người mẹ không nên lo lắng! Có trường hợp thuộc nhóm bệnh khám sàng lọc đợt này nhưng cũng lặn lội đường xa đưa con đến gặp bác sĩ. Đó là trường hợp bé Păng Ting K’Bên, 6 tuổi, ở Đam Rông bị điếc và bị hẹp hậu môn. BS Claude Le Coultre chuyên về nhi khoa nên bà đã nhận khám cho cháu và cho chụp Xquang để kiểm tra.
 
Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật - Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Bệnh nhân đang chờ khám chữa các dị tật phần đông đến từ các vùng sâu, vùng xa cho nên Hội vận động giúp bữa trưa miễn phí. Tất cả chi phí khám bệnh khoảng 500.000 đồng/ca, phẫu thuật từ 3.000 USD - 9.000 USD/ca đều được Tổ chức Children Action tài trợ. Hai đợt khám sàng lọc các bệnh cơ xương khớp và di chứng sẹo bỏng vào năm 2013, các bác sĩ Pháp và Thụy Sĩ đã khám cho 300 trường hợp trẻ em ở Lâm Đồng, chỉ định phẫu thuật sẹo bỏng, cơ xương khớp cho 171 cháu  tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 Tp.HCM, Bệnh viện Chỉnh hình Tp.HCM và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Quy Nhơn với chi phí phẫu thuật gần 10 tỷ đồng. 
 
Tổ chức Children Action được thành lập năm 1994, có trụ sở ở Thụy Sĩ là một tổ chức từ thiện phi chính phủ nhằm cung cấp mọi loại trợ giúp cho các trẻ em bất hạnh, trong đó có chăm sóc y khoa, phẫu thuật, giúp đỡ tâm lý, chăm sóc phòng ngừa thanh thiếu niên tự tử... Từ năm 1996, tổ chức Children Action đã có mặt ở Việt Nam và  năm 2000 có giấy phép hoạt động tại Việt Nam với nhiệm vụ trợ giúp y khoa, xây dựng trường học, cấp học bổng cho các trẻ em nghèo, chăm sóc trẻ em khiếm thị với kinh phí tài trợ hàng năm khoảng 250.000 USD. Tổ chức Children Action đã giúp cho 19 tỉnh trong cả nước, cử chuyên gia đến khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí các bệnh cơ xương khớp và di chứng sẹo bỏng cho trẻ em dưới 17 tuổi. 
 
DIỆU HIỀN