Rau rừng

09:10, 23/10/2014

Người đồng bào DTTS ở dãy Trường Sơn Tây Nguyên sinh sống gắn bó với núi rừng. Vì vậy, họ đã tìm nhiều loại rau rừng để làm món ăn hàng ngày và đến nay đã có một số loại rau trở thành những món ăn "đặc sản" của đồng bào, như cà đắng, rau bép và đọt mây...

Người đồng bào DTTS ở dãy Trường Sơn Tây Nguyên sinh sống gắn bó với núi rừng. Vì vậy, họ đã tìm nhiều loại rau rừng để làm món ăn hàng ngày và đến nay đã có một số loại rau trở thành những món ăn “đặc sản” của đồng bào, như cà đắng, rau bép và đọt mây...
 
Rau bép, người đồng bào DTTS gọi là “Biap pù” hay “Biap n’se”, là một loại cây rừng, sống và phát triển trong môi trường tự nhiên mà nhiều người gọi đúng nghĩa là rau “sạch”. Bởi vì nó mọc tự nhiên, hoang dã, không có sự tác động của con người như bón phân, xịt thuốc… 
 
Ở Lâm Đồng, rau bép mọc tập trung tại một số khu rừng ở các huyện phía Nam. Vì sống trong môi trường tự nhiên, nên rau bép có thể cho hái lá quanh năm, nhưng nhiều và cho ngọn, lá đẹp nhất là vào mùa mưa. Rau bép sinh trưởng, phát triển tốt, ngọn và lá non mọc nhiều vào mùa mưa, nên đồng bào sống ven các khu rừng thường hay vào rừng để tìm hái. Tùy theo sở thích của mỗi người và theo từng vùng, miền mà có thể chế biến rau bép thành những món ăn theo những sở trường khác nhau. Những lá bép ở gần phần ngọn tươi, non, khi nấu có những hương vị ngọt, thơm rất đặc trưng. 
 
Rau bép được bày bán tại Chợ Bảo Lâm
Rau bép được bày bán tại Chợ Bảo Lâm
 
Ở vùng đồng bào DTTS, bà con đã có những cách chế biến rất riêng loại rau rừng này và đã trở thành những món ăn đặc trưng vốn có của nó. Riêng với các vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng, phổ biến nhất là phần ngọn và lá non của rau bép được nấu với cá sông, cá suối, tôm, cua, thịt gà hoặc nướng trong ống nứa, luộc rồi giã với quả cà và gừng. Có khi, rau bép còn có thể nấu với cá khô hoặc xào với thịt trâu, thịt bò… 
 
“Trong tâm thức của người đồng bào DTTS, có lẽ họ không thể nào quên được cách chế biến truyền thống từ bao đời của ông bà, tổ tiên: Nướng rau bép trong ống nứa (mà đồng bào thường gọi là “biap prùng” hay “prùng biap n’se”). Riêng với những lá già được nhặt ra và được giã nhuyễn với gạo tấm đã được ngâm sẵn. Sau đó, nắn thành từng viên tròn, đặt lên rổ và cho vào nồi, đưa lên bếp hấp, rồi đem ra phơi từ 2 đến 5 nắng là chế biến được hoặc phơi thật khô, bỏ trong cái lơ cất lên giàn bếp lửa. Món này, bà con thường dùng nấu với lươn và cá suối, thịt, xương. Món ăn này có mùi vị đậm đà, ngọt bùi khó quên. Đây là những món ăn không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên. Đặc biệt là trong các dịp lễ hội, bà con thường chế biến các món ăn ngon từ rau bép như là một món “đặc sản” của núi rừng để tiếp đãi khách khứa và bạn bè” - già làng K’Tiếu (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) nói.
 
Ngày nay, rau bép không còn xa lạ với người dân Việt, nó được bày bán khá phổ biến từ các chợ nông thôn và thành thị. Nhiều món ăn được chế biến từ rau bép cũng đã “len lỏi” vào một số nhà hàng ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Với nhiều cách chế biến khác nhau, như: canh rau bép, lẩu lá bép, rau bép xào với cá hộp, thịt hộp… Rau bép nấu chung với đọt mây và cho thêm một ít gia vị như ớt, tiêu rừng… tạo nên những món ăn có hương vị thơm ngon. Hương vị của rau bép hòa quyện với cá hộp hay thịt hộp, pha lẫn mùi vị đắng, hậu ngọt của đọt mây, vị cay của ớt và ấm nồng của tiêu… mang đến một hương vị hấp dẫn lạ kỳ và để lại ấn tượng khó quên trong lòng người thưởng thức. 
 
Dù được chế biến cách nào đi chăng nữa, rau bép vẫn giữ hương vị đặc trưng của nó. Và, rau bép trở thành món ăn “đặc sản” mà đất trời và tạo hóa đã ban tặng cho núi rừng và con người ở Tây Nguyên.
 
NDONG BRỪM