Đau lưng mà không phải đau lưng

10:11, 27/11/2014

Rất nhiều bệnh nhân cảm thấy đau sau lưng lan xuống chân và được thầy thuốc chẩn đoán thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh tọa, nhưng khi khám lại không phải như vậy.

Rất nhiều bệnh nhân cảm thấy đau sau lưng lan xuống chân và được thầy thuốc chẩn đoán thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh tọa, nhưng khi khám lại không phải như vậy.
 
Đó là tình trạng đau khớp cùng chậu - một chứng đau khá phổ biến nhưng lại hay bị chẩn đoán nhầm với thoát vị đĩa đệm.
 
Hình ảnh chụp khớp cùng chậu của một bệnh nhân - Ảnh: N.A.
Hình ảnh chụp khớp cùng chậu của một bệnh nhân - Ảnh: N.A.

Triệu chứng lâm sàng: Bệnh nhân bị đau khớp cùng chậu khi chuyển tư thế ngồi hay nằm sang đứng mà nguyên nhân là làm tăng lực tác dụng lên dây chằng của khớp cùng chậu.
 
Bệnh nhân than đau vùng lưng nhưng không nằm chính giữa lưng mà lệch sang hai bên vùng khớp cùng chậu, đó là vùng khi chúng ta đứng có vết lõm sau lưng.
 
Cơn đau lan từ vùng khớp cùng chậu ra đến vùng mông và lan xuống mặt sau đùi nhưng không bao giờ quá vùng gối. 
 
Đau là điểm khác biệt với chèn ép thần kinh tọa nếu bác sĩ chịu khó hỏi kỹ bệnh nhân và nếu bệnh nhân chịu khó để ý đến cơn đau của mình thay vì quy kết quá sớm cho dấu hiệu đau của thần kinh tọa là lan xuống vùng cẳng chân và bàn chân.
 
Khi hoạt động, đứng lâu, khom lưng hay đi lại nhiều gây đau, cơn đau giảm bớt khi nằm nghỉ. Bệnh nhân đôi khi bị co thắt cơ vùng lưng gây hạn chế vận động cột sống lại khiến nhiều người bị chẩn đoán lầm. 
 
Nếu cho bệnh nhân ngồi vận động cột sống sẽ cải thiện hơn, nhờ khi ngồi nhóm cơ phía sau đùi được thư giãn. Khi khám bác sĩ dùng tay ép hai bên cánh chậu sẽ gây đau vùng khớp cùng chậu. Cơn đau giảm đi khi chườm nóng.
 
Triệu chứng hình ảnh học: Khi chụp X-quang khớp cùng chậu sẽ thấy các thương tổn khớp này như thoái hóa khớp, dính khớp hay hủy mặt khớp. Chụp MRI và chụp khảo sát đồng vị phóng xạ cho biết tình trạng viêm nhiễm, hủy xương hay các dấu hiệu khác.
 
Các xét nghiệm khác có thể làm: Bao gồm công thức máu, tốc độ máu lắng, protein viêm, kháng thể kháng nhân, thử gen HLA-B 27. Những xét nghiệm này giúp chẩn đoán các bệnh toàn thân mà có biểu hiện ở khớp cùng chậu.
 
Nguyên nhân gây đau khớp cùng chậu: Thoái hóa khớp là nguyên nhân hay gặp nhất, kế đến là viêm khớp dạng thấp, viêm khớp sau chấn thương. Những nguyên nhân ít gặp bao gồm bệnh mạch máu collagen như viêm cột sống dính khớp, nhiễm trùng.
 
Điều trị: Việc điều trị bao gồm chế độ thuốc kháng viêm giảm đau, tập vật lý trị liệu. Chích vào khớp cùng chậu là giải pháp sau cùng nếu các biện pháp trên không giảm. Việc chích thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hay chấn thương chỉnh hình thực hiện.
 
(Theo Báo Tuổi trẻ)