Những thí nghiệm bước đầu của GS Ellie Barnes tại ĐH Oxford ở Anh và cộng sự quốc tế về dạng vắc-xin phòng chống bệnh viêm gan siêu vi C an toàn và hiệu quả đã cho thấy thành công đáng khích lệ và đang được xúc tiến trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.
Những thí nghiệm bước đầu của GS Ellie Barnes tại ĐH Oxford ở Anh và cộng sự quốc tế về dạng vắc-xin phòng chống bệnh viêm gan siêu vi C an toàn và hiệu quả đã cho thấy thành công đáng khích lệ và đang được xúc tiến trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.
|
Vắc-xin viêm gan siêu vi C dựa vào tế bào T để đối phó với virus. Ảnh: Medical Xpress |
Hiện đã có vắc-xin phòng chống viêm gan siêu vi A và B nhưng việc bào chế vắc-xin viêm gan siêu vi C gặp khó khăn do mầm bệnh này có thể ngụy trang nên các kháng thể của hệ miễn dịch không nhìn thấy chúng. Do đó, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, công trình thử nghiệm vắc-xin này dựa vào tế bào T để đối phó với virus theo cách vận hành hoàn toàn khác với việc tăng cường hệ miễn dịch.
Thử nghiệm ở giai đoạn 1 trên 15 người không gây hại cho người được tiêm phòng và vài phản ứng phụ nhẹ được ghi nhận nhưng qua khỏi trong 48 giờ. Những thử nghiệm giai đoạn 2 đang được tiến hành và sẽ có kết quả vào năm 2016. Nhóm nghiên cứu nói rằng nếu thành công, vắc-xin mới cũng chỉ có thể được tiêm phòng ở nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao chứ không sử dụng đại trà. Họ cũng không tiết lộ về giá dự báo của vắc-xin tiềm năng này.
Hiện trên thế giới có khoảng 130 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C. Tỉ lệ người nhiễm ở các nước phương Tây là 1% nhưng một số nước khác có tỉ lệ nhiễm rất cao; như 20% dân cư Ai Cập - nơi cần có chính sách tiêm phòng rộng rãi hơn.
(Theo Báo Người lao động)