Tâm lý xã hội thích con trai đã làm cho tình trạng bùng nổ dân số kéo dài trong nhiều năm, khi Nhà nước có chính sách 2 con thì tiếp tục xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tâm lý xã hội thích con trai đã làm cho tình trạng bùng nổ dân số kéo dài trong nhiều năm, khi Nhà nước có chính sách 2 con thì tiếp tục xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Xã Liên Hà (Lâm Hà) năm 2011 chưa xảy ra mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng từ năm 2012 đã bắt đầu xảy ra chênh lệch giới tính. Năm 2013 đến nay thì chỉ số chênh lệch càng cao, với tỉ trọng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái. Mức chuẩn từ 103 - 107 bé trai/100 bé gái được chấp nhận khi sự sinh đẻ diễn ra thuận theo tự nhiên để dân số cân bằng giới tính nam nữ.
|
Cán bộ Dân số - KHHGĐ tỉnh và xã Đưng K’Nớ trò chuyện với chị Cil Múp K’Liên 30 tuổi có 5 con |
Chị Nguyễn Hoàng Thị Hiền (27 tuổi) ở thôn Tân Kết (xã Liên Hà, Lâm Hà) có 2 con gái đang độ tuổi 2 - 4 tuổi, tâm sự: “Tôi thấy con gái, con trai cũng được. Không quan trọng. Tôi chẳng muốn sinh nữa. Nếu có 1 trai, 1 gái thì đẹp. Quan trọng là mình nuôi con được không, nếu không thì có con trai cũng “vứt”!”. Bà Nguyễn Thị Tư, 58 tuổi, là mẹ chồng chị Hiền cứ cười ngặt nghẽo: “Phải sinh thêm cháu chứ! Có trai có gái đẹp hơn, tâm lý ai cũng thích con trai!”. Gia đình chị Hiền sống chung với mẹ chồng trong điều kiện kinh tế khá giả với thu nhập 7,5 tấn cà phê nhân/năm. Gia đình đã mạnh dạn chi hơn 1 tấn nhân để tậu bộ ghế gỗ xá xị thơm lừng trang hoàng cho phòng khách. Chuyện muốn thêm con trai, cháu trai vẫn chưa có hồi kết.
Cũng ở thôn Tân Kết, chị Nguyễn Thị Huyền, 42 tuổi, mẹ của 3 cô con gái độ tuổi 18, 17, 11 tuổi, cho biết: “Mình sinh 2 cháu đầu liền kề năm một vì muốn có con trai ngay, cũng hơi buồn, sinh đứa thứ ba do vỡ kế hoạch. Mình ra ngoài, người ta vẫn cứ trêu “đẻ thêm đứa nữa”! Vợ chồng mình vẫn cứ bảo nhau trời cho con là sướng chứ đầy người mong không có, hiếm muộn kìa. Mình mà có con trai, có nếp có tẻ vẫn hơn nhưng giờ con cái lớn, đứa út đã học lớp 6 rồi…” - chị Huyền bỏ lửng câu nói.
Chị Nguyễn Thị Lanh - chuyên trách DS-KHHGĐ xã Liên Hà cho biết, việc tuyên truyền xóa bỏ định kiến về giới trong bà con không dễ. Xã đã tổ chức gặp gỡ các chị sinh con một bề là gái để nắm bắt tâm tư nguyện vọng thì được biết nguyên nhân muốn con trai là do tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có nếp có tẻ, cần con trai nối dõi tông đường, phụ nữ mang thai siêu âm lựa chọn giới tính bỏ gái để chọn trai, nghề nghiệp cần con trai có sức khỏe để lao động…
Không chỉ tâm lý của người Kinh mà đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thích con trai. Xã Đưng K’Nớ là nơi có tỉ lệ sinh con thứ ba cao (chiếm 18,1%) và tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cũng cao. Chị Bon Niêng K’Jai, 40 tuổi, ở thôn 2 có 4 con (3 gái, 1 trai), con lớn 20 tuổi nhưng con nhỏ mới được 2 tuổi. Hai vợ chồng chị K’Jai cho biết: “Mình thích con trai lắm mà sinh cứ ra con gái, cách 10 năm sau mình mới sinh được thằng con trai. Có con trai mừng lắm, nhà mình mổ heo to mời cả dòng họ nội, ngoại đến ăn mừng thằng Bon Niêng Ha Jiếp của mình đấy!”. Chị Bon Niêng K’Jai còn bảo thích con trai nên cố đẻ cho bằng được là vì: “Có con trai để nó chạy xe máy chở mình đi đây đó, chứ con rể nó ở riêng nhà nó, con gái cũng vậy. Con trai mới giúp mình!”.
BS Lơ Mu Daly - Trưởng Trạm Y tế xã Đưng K’Nớ giải thích: “Việc thích con trai còn phổ biến trong đồng bào dân tộc Cil. Phong tục tập quán của gia đình người Cil có tiệc phải ưu tiên cho con trai và người cậu. Khi gia đình xảy ra chuyện như tranh chấp, cãi nhau, kiện cáo thì phải có con trai (dù con trai trưởng hay con thứ, miễn đủ tuổi trưởng thành) đứng ra giải quyết, dàn xếp mọi chuyện thì gia đình, dòng tộc mới êm ấm”.
BS Cao Thị Thu Ba - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, tỉ số giới tính khi sinh của Lâm Đồng hiện nay là 114,1 bé trai/100 bé gái (tiếp tục tăng cao so với năm 2013 là 112 bé trai/100 bé gái). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hậu quả để lại cho 20 - 30 năm sau khi xã hội thừa nam thiếu nữ. Tư tưởng muốn sinh con trai, sinh nhiều cho có con trai làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ. Dân số sẽ cân bằng theo quy luật tự nhiên nếu không lựa chọn giới tính khi sinh. Vì vậy, không có giải pháp nào hơn việc truyền thông tại cộng đồng cho bà con không can thiệp phá thai, thuận theo quy luật sinh đẻ tự nhiên, dù gái hay trai hãy dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt. Ở các thôn, buôn lồng ghép tuyên truyền vận động, biểu dương các gia đình sinh con một bề hạnh phúc để người dân hiểu việc không phân biệt con trai con gái là lối sống văn minh.
DIỆU HIỀN