Khi giá xăng, dầu giảm mạnh

04:01, 11/01/2015

(LĐ online) - Tính đến chiều 6/1/2015, giá xăng dầu trong nước vừa giảm thêm 310 đồng/lít, cũng là lần thứ 13 liên tiếp giá xăng dầu trong nước đã giảm trong vòng nửa năm trở lại đây. Với mức giá này, so với tháng 7/2014, tổng mức giảm của xăng đã lên tới 8.070 đồng/lít (31,5%); dầu diesel 6.190 đồng/lít (27,2%). Trước tín hiệu vui này, người tiêu dùng Lâm Đồng kỳ vọng rằng các mặt hàng thiết yếu cũng như giá cước vận tải sẽ giảm.

(LĐ online) - Tính đến chiều 6/1/2015, giá xăng dầu trong nước vừa giảm thêm 310 đồng/lít, cũng là lần thứ 13 liên tiếp giá xăng dầu trong nước đã giảm trong vòng nửa năm trở lại đây. Với mức giá này, so với tháng 7/2014, tổng mức giảm của xăng đã lên tới 8.070 đồng/lít (31,5%); dầu diesel 6.190 đồng/lít (27,2%). Trước tín hiệu vui này, người tiêu dùng Lâm Đồng kỳ vọng rằng các mặt hàng thiết yếu cũng như giá cước vận tải sẽ giảm.
 
Nhiều đơn vị vận tải giảm giá cước
 
Ông Huỳnh Việt Anh - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến thời điểm này các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu điều chỉnh giảm giá từ 3% - 33% so với giá cũ, chủ yếu là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực taxi, xe bus và xe chạy tuyến cố định.
 
Trong đợt giảm giá này, một số hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, Di Linh đã có mức điều chỉnh đáng kể khi giảm từ 5% - 30% giá cước. Trong đó, Taxi Mai Linh Đà Lạt có mức giảm cao nhất là 30%, Hợp tác xã Taxi Đà Lạt giảm 15%, Taxi Thắng Lợi giảm 12,5%, Taxi Kim Long 13%.
 
Cùng với các tuyến có cự ly ngắn như Đà Lạt - TP.HCM, Đà Lạt - Nha Trang, các tuyến đường dài từ Lâm Đồng - Hà Nội, Lâm Đồng - Huế, Đà Lạt - Cần Thơ, Đà Lạt - Đà Nẵng… của các nhà xe Thanh Thủy, Minh Thu, Phương Trang, Thành Bưởi… cũng điều chỉnh giảm từ 3% - 11%.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, các nhà xe thuộc các Hợp tác xã vận tải hoạt động trong các tuyến nội tỉnh, tuyến xe bus cũng điều chỉnh giảm giá cước. Một số đơn vị như Hợp tác xã vận tải xe khách Đà Lạt, Hợp tác xã vận tải ô tô số 1 Bảo Lộc, Hợp tác xã vận tải ô tô Đức Trọng, Đạ Tẻh, Di Linh điều chỉnh giảm giá vé từ 3% - 9% so với giá vé trước khi xăng giảm giá.
 
 Giá nhiều loại thực phẩm tại chợ Đà Lạt vẫn không giảm nhiều sau khi giá xăng giảm
Giá nhiều loại thực phẩm tại chợ Đà Lạt vẫn không giảm nhiều sau khi giá xăng giảm

Hàng tiêu dùng “đứng im”
 
Trước việc cước vận tải bắt đầu giảm theo giá xăng khiến rất nhiều người tiêu dùng vui mừng, thì nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, giá cả vẫn đứng im. Đây được xem là nghịch lý khiến không ít người dân cảm thấy khó hiểu. Bởi: “Từ trước đến nay, cứ mỗi lần xăng tăng giá là ngay lập tức giá hàng hóa cũng tăng theo đáng kể, thế nhưng xăng giảm rồi thì hàng hóa vẫn leo thang”- anh Nguyễn Công Bình (P.1, Tp. Đà Lạt) nhận xét.
 
Tại chợ Đà Lạt ngày 9/1/2015 (3 ngày sau khi xăng giảm giá mạnh), giá các loại thực phẩm vẫn không giảm, chỉ một vài mặt hàng có giảm nhưng rất ít. Theo đó, thịt lợn ba chỉ có giá 80.000 đồng/kg, thịt bò 210.000 đồng/kg, cá lóc và cá diêu hồng dao động từ 55.000 đồng - 65.000 đồng/kg. Riêng giá rau xanh có một số loại như: xà lách cô rôn, bắp sú, xà lách tím ria, sú tím… chẳng những không giảm mà còn tăng đột biến, tăng bình quân từ gấp 2 - 3 lần so với trước khi xăng dầu giảm giá.
 
Ngoài thực phẩm thì theo nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng gia dụng, phục vụ sinh hoạt cũng cho biết, giá các mặt hàng này không hề giảm. Đặc biệt, Tết Ất Mùi sắp đến, nhiều mặt hàng phục vụ Tết cũng có khả năng sẽ tăng giá.
 
Lý giải vấn đề này, ông Đặng Mậu Nhi - Phó Ban Quản lý chợ Đà Lạt cho rằng: Các tiểu thương, hộ kinh doanh ở chợ Đà Lạt không thể điều chỉnh giảm giá trên thị trường, vì giá bán ở đây phụ thuộc giá đầu vào. Chợ chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm không phải là nơi sản xuất nên việc khống chế giá đối với Ban Quản lý chợ là rất khó. Tuy nhiên, vừa qua, Ban Quản lý chợ cũng đã động viên bà con thực hiện theo đúng quy định là bán đúng giá niêm yết.
 
Vẫn biết nghịch lý “xăng giảm, giá hàng hóa đứng yên” là bài toán khó giải cho các nhà quản lý bởi giá xăng dầu cũng chỉ là một yếu tố nhỏ có ảnh hưởng đến thị trường. Ngoài ra, cơ chế thị trường còn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác như: quy luật cạnh tranh thị trường, hàng tồn kho, giá các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng, lãi suất ngân hàng... Tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, “người tiêu dùng chúng tôi vẫn kỳ vọng hơn nữa vào việc giá hàng hóa giảm và không tăng vọt nhất là khi dịp Tết Nguyên đán 2015 đang đến gần. Mong các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc bình ổn và giúp giảm giá một số mặt hàng thiết yếu”- chị Nguyễn Ngọc Phượng (P.3, Tp. Đà Lạt) chia sẻ.
 
D.Thương