Độc đáo nghề làm thuyền độc mộc của người Mạ

08:03, 12/03/2015

Sống ở khu vực có nhiều sông suối; đặc biệt, trước đây, rừng Cát Tiên là nguồn cung cấp nhiều loại gỗ quý để có thể làm thuyền, bởi vậy từ xa xưa, người Mạ sinh sống dọc theo sông Đồng Nai đã từng nổi tiếng trong việc chế tác và sử dụng thuyền độc mộc.

Sống ở khu vực có nhiều sông suối; đặc biệt, trước đây, rừng Cát Tiên là nguồn cung cấp nhiều loại gỗ quý để có thể làm thuyền, bởi vậy từ xa xưa, người Mạ sinh sống dọc theo sông Đồng Nai đã từng nổi tiếng trong việc chế tác và sử dụng thuyền độc mộc.
 
Làm thuyền độc mộc là một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của người Mạ sinh sống dọc theo sông Đồng Nai. Trước đây, thuyền của họ làm ra không những chỉ để đánh bắt cá, vận chuyển, lưu thông trên sông, suối,… mà còn để trao đổi với các dân tộc khác sống lân cận. 
 
Thuyền độc mộc của người Mạ có sự khác biệt về kiểu dáng và cách thức chế tác so với thuyền độc mộc của một số dân tộc khác. Nét độc đáo trong nghề làm thuyền độc mộc của người Mạ là kinh nghiệm lựa chọn cây gỗ, cách thức đục đẽo thuyền cũng như bí quyết riêng của người Mạ để tạo ra được những chiếc thuyền tốt, đẹp và đặc biệt là độ bền. 
 
Chèo thuyền độc mộc trên sông Đồng Nai.
Chèo thuyền độc mộc trên sông Đồng Nai.
Nguyên liệu
 
Người Mạ sinh sống dọc theo sông Đồng Nai đã tận dụng một số loại cây cổ thụ sẵn có ở những cánh rừng nguyên sinh, nơi họ đang cư trú để làm thuyền độc mộc như: sao xanh, dâu, cáo… Theo kinh nghiệm của người Mạ thì gỗ sao xanh là loại gỗ làm thuyền tốt nhất, vì nó có đặc tính thân cây thường thẳng, ít mắt, và lại xốp nên dễ gọt, đẽo trong quá trình chế tác.
 
Gỗ được chọn làm thuyền yêu cầu phải loại gỗ vừa nhẹ nhưng lại bền, thớ gỗ thẳng, mịn, ít bị cong vênh, không nứt nẻ, chịu được nước, không mối mọt và phải có tiết diện bề ngang lớn… do đó lấy được một cây gỗ để làm thuyền không phải dễ, những người đi lấy gỗ hết sức cực nhọc, phải luồn lách hết rừng này núi nọ, có khi hàng tuần mới kiếm được một cây gỗ vừa ý.
 
Kiểu dáng
 
Thuyền độc mộc của người Mạ được đục đẽo từ nguyên một thân cây gỗ lớn. Thuyền có dáng phình rộng ở phần giữa của thân thuyền, hai đầu mũi thuyền thu nhỏ lại và cong hẳn lên. Chiều dài khoảng từ 8 đến 9m và chiều ngang khoảng 1,5m, mạn thuyền dày khoảng 10cm. Bên trong lòng thuyền được gác một số thanh tre cách đều nhau để cho những người đi thuyền ngồi. Dáng thuyền mảnh mai, gọn nhẹ nhưng chắc chắn.
 
Cách thức chế tác
 
Cách thức chế tác thuyền độc mộc của người Mạ chủ yếu làm theo phương pháp thủ công cổ truyền. Công cụ để làm thuyền chỉ có chiếc rìu thật sắc bén và lửa. 
 
Sau khi đã kiếm được gỗ, để định hình tạo dáng của thuyền người thợ sẽ tiến hành đẽo khoét rỗng phần ruột của cây để tạo lòng thuyền và đốt lửa để làm khô thân cây. 
 
Khi đã tạo xong hình dáng của chiếc thuyền, công đoạn cuối cùng là người thợ vừa gọt lại phần vỏ của thuyền cho nhẵn vừa thui đốt hơ nóng cho mềm gỗ để uốn cong hai đầu mũi thuyền. Đây là công đoạn khá phức tạp, đòi hỏi tài năng của người thợ. 
 
Làm thuyền độc mộc không những khó mà còn mất rất nhiều thời gian. Một thợ đẽo thuyền phải mất đến 4 - 5 tháng mới hoàn thành được một chiếc thuyền. Người thợ làm thuyền không những phải có sức khỏe mà còn phải khéo tay, tỉ mỉ, kiên trì và có kinh nghiệm về sông nước thì mới làm được chiếc thuyền tốt và đẹp. Vì vậy, trong buôn làng của người Mạ chỉ có một số người biết đẽo thuyền độc mộc và họ rất tự hào về những người thợ làm thuyền giỏi.
 
Bí quyết trong quá trình làm thuyền
 
Gỗ làm thuyền phải đi lấy vào những ngày có trăng để gỗ sẽ không bị mọt. 
 
Chiếc thuyền phải cân đối để khi xuống nước thuyền khỏi bị nghiêng lệch. Nếu như thuyền làm ra không giữ được thế cân bằng thì khi di chuyển thuyền dễ bị nứt toác, có khi phải bỏ vì không sử dụng được.
 
Hai bên mạn thuyền phải mỏng để bớt lực cản của nước khi di chuyển nhưng thuyền vẫn phải chắc, để có thể chịu đựng được sức đập của các con sóng lớn khi lên thác xuống ghềnh. 
 
Trước khi thuyền đưa vào sử dụng, bí quyết để thuyền có độ bền chắc, người Mạ thường ngâm thuyền dưới bùn khoảng 5 - 6 tháng.
 
Nghi lễ liên quan đến việc làm thuyền
 
Theo quan niệm của người Mạ, mỗi khu rừng đều có một vị thần ngự trị, người Mạ gọi là Yang bri. Thần rừng (Yang bri) là một vị thần rất linh thiêng và luôn phù hộ những điều may mắn. Vì vậy, trong quá trình làm thuyền người Mạ có nhiều nghi lễ để cầu xin vị thần này:
 
Trước khi vào rừng lấy gỗ để làm thuyền, người Mạ thường tiến hành nghi lễ cúng cầu xin thần rừng phù hộ cho họ sẽ gặp may mắn kiếm được cây gỗ tốt để làm thuyền không bị nứt, thủng. Lễ cúng thần rừng thường được người Mạ tiến hành tại gốc cây cổ thụ trong những khu rừng già. 
 
Khi thuyền đã hoàn thành, họ cúng tạ ơn thần rừng đã cho làng có chiếc thuyền mới, đẹp và cầu xin thần sông che chở cho thuyền xuống nước được thuận lợi sẽ không gặp nạn, mọi sự bình yên. Nghi lễ này thường diễn ra ngay tại bến sông của buôn làng. 
 
Nguy cơ mai một
 
Từ ngàn xưa, người Mạ sinh sống dọc theo sông Đồng Nai đã từng nổi tiếng trong việc chế tác và sử dụng thuyền độc mộc. Trước đây, thuyền của họ làm ra không những chỉ để đánh bắt cá, vận chuyển, lưu thông trên sông, suối,… mà còn để trao đổi với các dân tộc khác sống lân cận. Vậy mà giờ đây, tại các bến sông nơi người Mạ đang sinh sống ngày càng vắng bóng những chiếc thuyền độc mộc neo đậu dưới bến sông. Nghề làm thuyền độc mộc của người Mạ đang dần dần mất đi theo thời gian, bởi những người biết đẽo thuyền đã dần mất đi và những cây gỗ lớn để làm thuyền ngày càng khó tìm. 
 
Nét độc đáo trong nghề làm thuyền độc mộc của người Mạ đã thể hiện như những tác phẩm nghệ thuật tạo hình, mang tính độc đáo riêng của cộng đồng người Mạ. Những giá trị nghệ thuật đặc sắc đó rất cần được gìn giữ.
 
THANH BÌNH