Xã Gia Bắc là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh, nằm giáp ranh với địa phận tỉnh Bình Thuận. Mỗi khi bước sang mùa khô, bà con DTTS nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt.
Xã Gia Bắc là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh, nằm giáp ranh với địa phận tỉnh Bình Thuận. Mỗi khi bước sang mùa khô, bà con DTTS nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt. Những năm qua, mặc dù xã đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp công trình nước sinh hoạt tự chảy, nhưng do trong quá trình nâng cấp thiếu đồng bộ, nên công trình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân địa phương.
Sau khi công trình nước sinh hoạt tự chảy xã Gia Bắc được giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường tỉnh Lâm Đồng quản lý, năm 2010, đơn vị này đã đầu tư 3,5 tỷ đồng để nâng cấp 3km đường ống từ bể chứa đến các khu dân cư, lắp đặt 20 bồn chứa và đồng hồ nước cho một số hộ dân... Từ khi nâng cấp và đưa vào sử dụng, tuy nước có chảy mạnh hơn so với những năm trước, nhưng do chưa được nâng cấp đồng bộ, nhiều thôn vẫn còn sử dụng ống cũ, nhỏ, nên nước chảy rất hạn chế, có thôn hầu như không có giọt nước nào.
Thôn Đạ Hìong là một thôn nằm cuối xã Gia Bắc, nên việc đi lấy nước sinh hoạt của bà con trong thôn gặp khó khăn hơn so với các thôn khác. Những hộ ở xa điểm cấp nước tập trung, bà con vẫn đi tắm, giặt và gùi nước ở nơi khe suối cách xa từ 2 - 3km về dùng; số còn lại dùng xe máy đi chở nước ở một số điểm cấp nước tập trung.
Cũng như nhiều hộ dân ở một số thôn trên địa bàn xã, những năm gần đây, gia đình bà Ka Thếu (thôn Đạ Hìong) luôn trang bị cho gia đình 3 can 20 lít để đi lấy nước và một thùng phi dùng để hứng nước mưa. “Bà con chúng tôi ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt. Mặc dù vòi nước đã về, nhưng tất cả các hộ dân trong thôn phải có người đi lấy nước tại điểm cấp nước tập trung cách xa vài cây số. Vì khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt, nên nó cũng đã ảnh hưởng phần nào đến sinh hoạt, lao động sản xuất cũng như việc học tập của con cháu” - chị Ka Thếu nói.
Riêng với thôn Ka Să, việc lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày có phần thuận lợi so với các thôn Đạ Hìong và Hà Giang, vì thôn này nằm ngay trung tâm xã và giáp với thôn đầu nguồn (Nao Sẻ). Hơn nữa, một số đường ống của thôn cũng đã được nâng cấp và điểm cấp nước sinh hoạt tập trung của thôn luôn có đủ nguồn nước cho bà con sử dụng. Được biết, hiện tại, trong số hơn 110 hộ dân ở thôn Ka Să, có 50% số hộ có nước sinh hoạt đến tận nhà. Tuy nhiên, một số hộ đã được lắp đặt đồng hồ nước, nhưng đến nay vẫn chưa có nước về tới nhà.
Chị Ka Xuân (thôn Ka Să) cho biết: “Hiện tại ở thôn Ka Să có khoảng 50% số hộ đã được Trung tâm Nước sạch triển khai nâng cấp đường ống và lắp đặt đồng hồ nước, một số hộ đã có nước sinh hoạt tới tận nhà, nhưng cũng có nhiều hộ vẫn thiếu nước. Gia đình tôi nằm gần bồn chứa nên thuận lợi hơn trong việc lấy nước, còn những hộ ở xa họ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì đây là vùng núi cao, nên bà con cũng không thể đào giếng được”.
Theo thống kê của UBND xã Gia Bắc: Toàn xã có 5 thôn với 532 hộ dân, nhưng hiện nay chỉ có 40% dân số của xã có đủ nước sinh hoạt. Hiện đang là đợt cao điểm của mùa khô, nên việc lấy nước và sử dụng nước sinh hoạt của bà con nơi đây trở nên cấp thiết hơn.
Ông Hoàng Văn Sơn - Trưởng trạm Quản lý Nước sạch và Vệ sinh Môi trường tỉnh Lâm Đồng (tại huyện Di Linh), cho biết: Trong năm qua, Nhà nước đã phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp đường ống và 20 bồn chứa. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có 2/3 bồn có nước; số còn lại do nằm ở khu vực tương đối cao nên không có nước. Một số bà con thiếu ý thức trong việc sử dụng, nên để nước chảy gây thất thoát và lãng phí. Thời gian tới, đơn vị sẽ có hướng đầu tư nâng cấp và tiếp tục lắp đặt đồng hồ nước cho bà con để quản lý được chặt chẽ hơn.
NDONG BRỪM
80% người dân Lâm Đồng sử dụng nước hợp vệ sinh
UBND tỉnh cho biết, việc triển khai đầu tư các công trình nước sạch trong vòng hơn 3 năm trở lại đây đã góp phần nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 80%. Để đạt tỷ lệ này, Lâm Đồng đã đầu tư nâng tổng số công trình cấp nước tập trung lên 242 công trình và trên 8.200 công trình cấp nước phân tán.
Được biết, hiện tại đã hoàn thành thi công một số dự án cấp nước gồm: sửa chữa, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt Tam Bố (huyện Di Linh), hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt) và hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai). Đồng thời triển khai lập dự án đầu tư cấp nước sinh hoạt cho xã Tân Hội, thôn 5 xã Rô Men, xã Phi Liêng, xã Đạ Đờn và xã Hà Lâm.
Khải Nhiên
|