Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 17/11/2010. Nhằm giúp nhân dân và doanh nghiệp nắm bắt nhanh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Báo Lâm Đồng trích đăng những nội dung cơ bản trong Luật giới thiệu tới bạn đọc.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 17/11/2010. Nhằm giúp nhân dân và doanh nghiệp nắm bắt nhanh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Báo Lâm Đồng trích đăng những nội dung cơ bản trong Luật giới thiệu tới bạn đọc.
1. Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa nguyên tắc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng thành một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật, trong đó khẳng định: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Quy định cụ thể về nghĩa vụ của người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đưa ra là quy định cụ thể về nghĩa vụ của người tiêu dùng. Cụ thể, người tiêu dùng có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Luật cũng quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
3. Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra các quy định chi tiết và đầy đủ về các hành vi bị cấm như: cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện những hành vi như lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin về hàng hóa, dịch vụ, về uy tín, khả năng kinh doanh…
4. Trách nhiệm của bên thứ ba với người tiêu dùng
Một điểm quan trọng trong Luật là quy định về trách nhiệm ràng buộc đối với bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Bên thứ ba ở đây có thể hiểu là những đơn vị truyền thông quảng cáo về hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh tới người tiêu dùng.
5. Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định khá đầy đủ việc đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng thời kỳ.
6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng
Luật đã có những quy định mới, tập trung vào vấn đề trách nhiệm bảo hành và thu hồi hàng hóa có khuyết tật, bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra cho người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hóa do mình cung cấp, trong thời gian bảo hành phải cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận, phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hóa, linh kiện được bảo hành…
7. Vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có thêm những quy định mới nâng cao vai trò của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng như: quy định quyền tự khởi kiện vì lợi ích công cộng của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy định tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi tổ chức này thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.
8. Giải quyết tranh chấp tại tòa án giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo thủ tục đơn giản
Chương IV quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án.
9. Bổ sung phương thức thương lượng để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
Để khuyến khích người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tự giải quyết tranh chấp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra quy định giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng. Theo đó, người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và được giải quyết trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc.
10. Về việc miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đưa ra quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí cho người tiêu dùng khi tiến hành khởi kiện các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
11. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2011.
Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh vừa tổ chức buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới với sự tham gia của chính quyền, đại diện nhiều doanh nghiệp, tiểu thương và đông đảo người tiêu dùng thành phố Đà Lạt. Ngày 15/3, Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới nhắc nhở toàn xã hội hướng tới quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng đồng thời cũng nhắc nhở người tiêu dùng ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ. Năm 2015, chủ đề của Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới là “Dinh dưỡng lành mạnh”.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đề nghị người tiêu dùng tích cực phản hồi thông tin tới Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Cộng đồng doanh nghiệp, thương nhân cần nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh, phục vụ khách hàng, các cơ quan nhà nước liên quan tăng cường các hoạt động xử lý bảo vệ người tiêu dùng, lành mạnh hóa thị trường, góp phần giúp người tiêu dùng được thực thi quyền lợi chính đáng.
D.Quỳnh
|