Nguồn TNN trên các lưu vực sông đang bị khai thác quá mức và càng suy thoái cả về chất và lượng trước những áp lực phát triển kinh tế - xã hội.
Năm nay, Lễ mít tinh kỷ niệm quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới diễn ra trên toàn quốc từ ngày 19-20/3; ở Lâm Đồng, sẽ được tổ chức tại TP. Bảo Lộc vào ngày 21/3. Hoạt động nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về tầm quan trọng của tài nguyên nước (TNN); vận động chính sách về quản lý bền vững TNN, đặc biệt là nguồn nước ngọt. Nguồn TNN trên các lưu vực sông đang bị khai thác quá mức và càng suy thoái cả về chất và lượng trước những áp lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đã đến lúc việc phát triển bền vững KT-XH ngày càng không thể tách rời vấn đề TNN. Thời gian qua, Bộ TN & MT cùng các ngành liên quan đã tiến hành thực hiện nhiều đề tài khoa học như: Đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông; Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới; Rà soát, điều chỉnh bổ sung hệ thống trạm quan trắc khí tượng, thủy văn và TNN… Năm 2015, Bộ này tiếp tục triển khai những quy định về quan trắc, giám sát TNN; xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông trong mùa cạn;…Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về TNN yêu cầu Bộ TN&MT sớm triển khai quy hoạch TNN chung của cả nước, lồng ghép với điều tra cơ bản TNN, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016.
|
Phát triển bền vững tài nguyên nước đang là nhiệm vụ cấp bách và trách nhiệm của toàn thế giới |
Với tỉnh Lâm Đồng hiện nay, qua điều tra, đánh giá TNN cho thấy: TP. Đà Lạt khả năng cấp nước sạch đáp ứng được trên 80% nhu cầu; TP. Bảo Lộc trên 33,8%; các huyện Di Linh 48,3%; Đức Trọng 18,53% và Lâm Hà 12,18%. Bảy huyện còn lại, gồm: Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm, Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên không có nhà máy nước, nhân dân tự giải quyết nguồn nước sinh hoạt bằng các nguồn nước giếng, nước mặt của các sông hồ, suối, nước mưa và giếng khoan.
Qua khảo sát sơ bộ về tỷ lệ giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đã được cấp trên tổng số đối tượng phải cấp phép, toàn tỉnh hiện ước đạt khoảng 30%; trong đó, các cá nhân, hộ gia đình chiếm 85%. Số giếng khoan khai thác, sử dụng được cấp phép trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 500 giếng. Còn nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác sử dụng nước dưới đất thuộc diện phải xin phép chưa có giấy phép theo quy định. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất vẫn công khai hoạt động khoan thuê cho các hộ gia đình, tuy nhiên con số chưa được điều tra và thống kê. Nói về vấn đề này, ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở TN và MT Lâm Đồng cho biết: “Việc kiểm tra mới dừng ở bước hướng dẫn, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân đang hành nghề phải xin phép theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, Sở này chưa xử phạt các đối tượng thực hiện trái phép.
Những năm gần đây ở địa bàn Lâm Đồng cho thấy, việc khai thác nước ngầm tràn lan đang gây nhiều tác động xấu như: sụt lún đất (ví dụ điển hình ở huyện Di Linh), ô nhiễm nguồn nước ngầm từ nguồn nước mặt (ví dụ 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc)… Ông Ngự khuyến cáo rằng: “Nếu tỉnh Lâm Đồng không chuẩn bị tốt công tác lập quy hoạch về TNN, trong đó có TNN ngầm và với tình trạng khai thác nước dưới đất bừa bãi như hiện nay sẽ có nguy cơ thủng tầng chứa nước, gây cạn kiệt, suy thoái và ô nhiễm nguồn TNN quý giá này”.
Vấn đề sử dụng nước trong một số hoạt động sản xuất và kinh doanh gây ô nhiễm nguồn nước cũng đang ngày càng báo động. Ví dụ, nguồn nước nhiều hồ, suối, đặc biệt như hồ Xuân Hương, suối Cam Ly ở Đà Lạt… Tại hội thảo với các nhà khoa học Hàn Quốc về sinh khối vi tảo Haematococcus pluvialis, các nhà khoa học Trường Đại học Đà Lạt cung cấp bước đầu đã nghiên cứu và phân loài được 100 loài vi tảo trên các hồ ở Đà Lạt. Mới đây nhất, đầu năm 2015, Sở TN & MT đã kết luận kết quả phân tích mẫu nước tại hồ Dã Chiến, thuộc phường 11, thành phố Đà Lạt là: 5 trong 11 thông số về ô nhiễm môi trường của mẫu nước này vượt ngưỡng cho phép. Nguồn nước hồ ô nhiễm nặng đã làm cá chết, bốc mùi hôi thối đậm đặc. Nguyên nhân là do Công ty cổ phần Rượu bia Đà Lạt (Dalatbeco) xả nước thải sau sản xuất gây ô nhiễm. Ngày 13/3, Phó Giám đốc Lương Văn Ngự cho biết: Sở đã hoàn tất hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Dalatbeco, mức phạt hàng chục triệu đồng.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, việc thực thi công tác quản lý TNN còn bất cập, đặc biệt quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp giữa quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, giữa các ngành với nhau; tình trạng thăm dò, khai thác nước không xin phép vô hình trung đã làm nguồn TNN bị ô nhiễm và cạn kiệt. Mặt khác, các địa phương chưa có quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ nước dưới đất. Tình hình nhiễm bẩn, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước dưới đất; xu hướng diễn biến TNN dưới đất và trữ lượng khai thác của nước dưới đất ở các vùng vẫn chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ. Vì vậy rất khó khăn trong quá trình quản lý và cấp phép khai thác sử dụng hay định hướng cho việc bảo vệ nguồn nước dưới đất.
Theo ông Lương Văn Ngự, sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, đánh giá TNN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cần phải tổ chức ngay việc lập quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN nói chung và nước dưới đất nói riêng. Trước mắt, đối với nhà quản lý về TNN, khi thẩm định, phê duyệt, cấp phép các công trình khai thác nước dưới đất nhất thiết phải đánh giá, dự báo mực nước hạ thấp, chất lượng nước trong suốt thời gian khai thác; xem xét, lựa chọn những thiết kế giếng phù hợp, bảo đảm giữ gìn chất lượng nguồn nước dưới đất.
MINH ĐẠO