Thực hiện Chỉ thị số 41-ct/tu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV&PTR), 6 năm qua, cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh chỉ đạo, điều hành; các sở, ngành có nhiều nỗ lực trong thực thi nhiệm vụ.
Thực hiện Chỉ thị số 41-ct/tu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV&PTR), 6 năm qua, cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh chỉ đạo, điều hành; các sở, ngành có nhiều nỗ lực trong thực thi nhiệm vụ. Từ đó đã đạt những kết quả nhất định, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị mất giảm dần qua từng năm. Tuy nhiên, công tác QL, BVR còn gặp rất nhiều khó khăn, rừng vẫn bị phá, tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn “nóng”, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nghèo, áp lực xâm hại tài nguyên rừng còn lớn.
6 năm qua vẫn xảy ra 13.025 vụ vi phạm Luật BV&PTR
Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 977.219ha; trong đó có 596.671ha trong quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng 84.778ha, chiếm 14%; rừng phòng hộ 173.730ha, chiếm 29%; rừng sản xuất 338.163ha, chiếm 57%). Rừng Lâm Đồng có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ, điều tiết nguồn nước các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ.
Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về BV&PTR được cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng quan tâm, duy trì thường xuyên. Các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền trực tiếp 3.258 cuộc với 129.971 lượt người tham gia; tuyên truyền lưu động 1.083 cuộc. Trong 5 tháng mùa khô hàng năm, các địa phương tổ chức phát nội dung tuyên truyền BV&PTR trên đài truyền thanh - truyền hình huyện, thành phố; trạm TT xã, thôn; mỗi tuần 1-2 lần; tổ chức ký 37.691 cam kết BVR cho từng cá nhân, tổ chức.
|
Rừng thông nguyên sinh (Trại Mát, Đà Lạt). Ảnh: NGUYÊN THI |
Trên lĩnh vực QL&BVR và PCCCR, từ năm 2009 - 2014, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 13.025 vụ vi pháp Luật BV&PTR (giảm 3.653 vụ so với 6 năm trước từ 2003-2008). Các vụ vi phạm đã được xử lý với hình thức xử phạt hành chính 12.763 vụ, xử lý hình sự 262 vụ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường xử lý các trọng điểm phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Tuy đã có những biện pháp mạnh,song tình hình chống người thi hành công vụ vẫn chưa giảm. Từ tháng 8/2008 đến đầu tháng 2 - 2015, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ chống người thi hành công vụ tại các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương, TP. Đà Lạt và Bảo Lộc. Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý hình sự 18 vụ với 44 đối tượng, còn lại xử lý hành chính. Tình hình chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng vi phạm bất chấp pháp luật và dùng mọi thủ đoạn có thể để chống trả. Có trường hợp chúng dùng hung khí đe dọa, tấn công lực lượng thi hành công vụ nhằm giải thoát đồng bọn, tẩu tán tang vật…
Cũng 6 năm qua, công tác PCCCR được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách hàng đầu trong mùa khô. Từ đó, thực hiện phương châm “Phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời và triệt để” để hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. UBND tỉnh quan tâm đầu tư đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác PCCCR hàng năm; chỉ đạo chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát các đơn vị chủ rừng thực hiện phương án PCCCR. Tuy nhiên, do thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, mùa khô thường kéo dài, diện tích rừng dễ cháy lớn và phân bố trên địa bàn toàn tỉnh nên hàng năm cháy rừng vẫn xảy ra. Từ 2008-2014, đã xảy ra 244 vụ cháy, diện tích cháy 559ha (cháy rừng 58 vụ /124ha, cháy thảm cỏ dưới tán rừng 186 vụ/435ha).
Từ năm 2009 đến nay, tình hình dân di cư tự do vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng tập trung chủ yếu tại các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh với 4.062 hộ/15.762 nhân khẩu. Trong đó, chủ yếu là di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc vào và di dân tự do trong tỉnh trở về làng cũ. UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai 4 dự án sắp xếp, ổn định di dân ra khỏi rừng ở các huyện Di Linh, Đam Rông, Lâm Hà và Cát Tiên. Đồng thời, các địa phương, đơn vị chủ rừng giải tỏa, cưỡng chế, thu hồi 4.953ha rừng; đất lâm nghiệp bị phá, bị lấn chiếm trái phép giao trả cho các đơn vị chủ rừng trồng lại 3.468ha rừng…
Hạn chế và nguyên nhân
Qua 6 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy tuy đạt một số kết quả tích cực trong công tác QL, BVR nhưng vẫn bộc lộ những bất cập, yếu kém; nhiều mục tiêu đề ra trong Chỉ thị chưa đạt so với yêu cầu; rừng tiếp tục bị lấn chiếm, bị phá… Công tác tuyên truyền về QL, BVR chưa sâu rộng, hiệu quả; công tác giao khoán QL, BVR ở một số địa phương thực hiện thiếu chặt chẽ. Công tác thu hút đầu tư, quản lý dự án đầu tư liên quan đến thuê rừng, đất rừng nhiều hạn chế; một số dự án được phê duyệt nhưng triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ, để lấn chiếm hoặc hủy hoại tài nguyên rừng phải thu hồi dự án. Nhiều vụ vi phạm được phát hiện nhưng xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời. Công tác rà soát, quy hoạch 3 loại rừng chậm. Việc quản lý các cơ sở chế biến lâm sản thiếu chặt chẽ. Thực hiện kế hoạch trồng rừng hàng năm tại một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành giải quyết phát sinh trên các địa bàn, nhiều lúc chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn ngại va chạm và nể nang. Trách nhiệm của một số đơn vị, ngành, địa phương chưa quyết liệt thực hiện đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo pháp luật nên việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU chưa cao. Hạn chế nữa cũng cần được khắc phục sớm, đó là tình hình vi phạm Luật BV&PTR vẫn xảy ra ngày càng tinh vi hơn, một số nơi diễn biến phức tạp chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để; có một số vụ vi phạm nghiêm trọng đã xảy ra.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: Diện tích rừng lớn trong khi lực lượng QL,BVR còn thiếu; chế tài, thẩm quyền xử lý vi phạm lâm luật nhiều bất cập, thiếu tính răn đe… thì cũng cần đề cập tới những nguyên nhân chủ quan dẫn tới tổng diện tích rừng Lâm Đồng giảm đáng kể so với năm 1999. Đó là: Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT ở một số cấp ủy địa phương, cơ sở chưa thật sự sâu sát, kịp thời, quyết liệt và hiệu quả. Việc chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp trong công tác QL, BV, PTR; chỉ đạo và xử lý một số vụ việc vi phạm chưa nghiêm minh, chưa kịp thời, thiếu quyết liệt. Trách nhiệm của chủ rừng trong thực hiện công tác khoán QL, BVR chưa cao. Cơ quan quản lý chuyên ngành còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa chủ động, quyết liệt trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về QL, BVR. Cơ quan kiểm lâm chưa làm tốt công tác tham mưu chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành với lực lượng kiểm lâm trong công tác tuyên truyền, tuần tra, truy quét BVR chưa được nhịp nhàng, đồng bộ. Tình trạng phá rừng, chặt phá, ken cây, lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra khá gay gắt ở một số địa phương: Lạc Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai với tính chất và mức độ tinh vi, phức tạp mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn huyện Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Lâm Hà diễn biến phức tạp. Có một nguyên nhân cần được tập trung giải quyết là nhu cầu về đất sản xuất cho các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do, đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khá lớn… cũng đã gây nên áp lực cho công tác QL, BVR. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện xã hội hóa nghề rừng theo chủ trương của Chính phủ hiệu quả chưa cao; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về rừng, đất rừng chưa chặt chẽ.
Xuất phát từ tình hình thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng là phải tập trung giữ cho được diện tích rừng tự nhiên hiện có; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Đẩy mạnh phát triển rừng trồng (rừng trồng kinh tế, rừng trồng phòng hộ); phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả; khai thác các dịch vụ hệ sinh thái rừng; phát triển dược liệu dưới tán rừng; tranh thủ các nguồn lực để BV, PTR, góp phần ổn định đời sống người dân tham gia BV, PTR. Đặc biệt trong công tác QL, BV tài nguyên rừng phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị; phải nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Mặt trận, đoàn thể; chính quyền địa phương; các ngành; chủ rừng; người dân tham gia BV và PTR.
LAN HỒ