Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới về số người mắc lao

08:03, 11/03/2015

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. 

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. 
 
Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết tại Hội nghị tổng kết Chương trình chống lao năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015 vừa diễn ra chiều 9/3, tại Hà Nội. 
 
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Xuyên cho hay, năm 2014, Việt Nam đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu về phát hiện và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc với kết quả điều trị cao. Đặc biệt, Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới có tỷ lệ điều trị lao đa kháng thuốc khỏi trên 70%. 
 
Theo bà Xuyên, tình hình dịch tễ lao ở Việt Nam đã có xu hướng giảm: Tỷ lệ hiện mắc giảm khoảng 4,6%/năm, mắc mới giảm 2,6%/năm, tử vong giảm 4,4%/năm. Tại Việt Nam, trong năm 2014 vừa qua, Chương trình phòng chống lao quốc gia được sự ủng hộ và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và được chính quyền nhiều địa phương đã hỗ trợ tích cực cho công tác chống lao, nhờ đó, chương trình vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100% (kể cả trong trại giam, vùng biển đảo, miền núi). 
 
Theo Thứ trưởng Y tế, để hiện thực hóa các mục tiêu về phòng chống lao, trong năm 2015 các địa phương chưa thành lập được Ban chỉ đạo triển khai Chiến lược phòng chống lao, tiếp tục triển khai thành lập và xây dựng kế hoạch và hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2015.
Bên cạnh đó, đưa công tác chống lao thành chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hoá công tác chống lao. Huy động nguồn lực cộng đồng, địa phương vào công tác chống lao. Phát huy bài học kinh nghiệm từ một số địa phương làm tốt công tác này năm 2014.
Đồng thời, Chương trình phấn đấu đến năm 2015, 100% số bệnh nhân lao được tiếp cận điều trị với công thức điều trị chuẩn của Chương trình và được cung cấp các thuốc chống lao hạng một đầy đủ, đảm bảo chất lượng; tăng cường nghiên cứu áp dụng các thành tựu mới về chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao; tăng cường đào tạo cán bộ y tế cơ sở kiến thức về chẩn đoán và điều trị bệnh lao... 
 
Trong năm 2015, Chương trình phòng chống lao quốc gia sẽ đẩy mạnh công tác vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội cho công tác phòng chống lao, huy động nguồn lực cộng đồng, địa phương vào công tác chống lao. 
 
Chương trình sẽ tiếp tục củng cố hệ thống xét nghiệm để áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật mới, vận động chính sách kinh tế y tế đối với các xét nghiệm mới tại các tuyến; Tăng cường hoạt động quản lý lao kháng thuốc, đảm bảo cung ứng phân phối hậu cần thuốc, trang thiết bị, vật tư đầy đủ… 
 
Theo báo cáo của WHO năm 2014, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có chiều hướng giảm với tỷ lệ mới mắc lao giảm khoảng 2%/năm, nhưng tình hình dịch tễ bệnh lao trên thế giới vẫn đang là vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu. 
 
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao; Tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc cao 3,5% trong số bệnh nhân mới và là 20% trong số bệnh nhân điều trị lại và có 13% đồng nhiễm lao/HIV.
 
(Theo VnMedia)