Bắt đầu từ ngày 10/4/2015, cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện. Sau gần một tuần triển khai, nhiều phụ huynh đã ý thức được việc chấp hành quy định này, tuy nhiên, vẫn còn không ít phụ huynh vì nhiều lý do "quên" đội nón bảo hiểm cho con.
Bắt đầu từ ngày 10/4/2015, cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện. Sau gần một tuần triển khai, nhiều phụ huynh đã ý thức được việc chấp hành quy định này, tuy nhiên, vẫn còn không ít phụ huynh vì nhiều lý do “quên” đội nón bảo hiểm cho con.
|
Một số phụ huynh tại Tp. Đà Lạt vẫn chưa chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ trên 6 tuổi khi tham gia giao thông |
Ông Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Tp. Đà Lạt cho biết: Sau hơn 1 tuần triển khai cao điểm, đồng loạt tại tất cả các xã, phường của Tp. Đà Lạt, từ ngày 6-9/4/2015, lực lượng CSGT và công an các phường đã tiến hành kiểm tra và nhắc nhở 30 trường hợp vi phạm; riêng từ ngày 10/4- 16/4/2015, đơn vị đã lập biên bản, xử phạt 64 trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ trên 6 tuổi khi tham gia giao thông.
6h30 phút sáng ngày 15/4/2015, ghi nhận tại các tuyến đường có nhiều trường học tại Tp.Đà Lạt: Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Phù Đổng Thiên Vương, Quang Trung… đa số các phụ huynh đã bắt đầu thực hiện nghiêm túc quy định đội nón cho trẻ. Nhiều phụ huynh học sinh chia sẻ: Khi biết từ ngày 10/4, cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông, chúng tôi đã chú ý hơn trong việc chấp hành luật giao thông. Bên cạnh đó, nhiều trẻ cũng chủ động “đòi” được đội mũ bảo hiểm vì đã được các thầy, cô dặn dò.
Theo Nghị định 171, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm, cài quai đúng quy cách. Nếu người điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách cho trẻ em ngồi trên xe từ 6 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. |
Ông Trần Sang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương (P.2, Đà Lạt) cho biết: Nhà trường đã tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh đội mũ bảo hiểm từ giữa tháng 3, nhằm nâng cao ý thức cho các em học sinh trong việc chấp hành luật giao thông, trước hết là để các em có ý thức tốt hơn về an toàn giao thông.
Chia sẻ việc thực hiện quy định này, chị Nguyễn Thị Bích Vân (P.1 - Đà Lạt), một phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho hay: “Nhà tôi cách trường không xa, nhưng khi nghe đề cập đến những nguy cơ trong việc không đội mũ bảo hiểm cho con trẻ và vi phạm sẽ bị xử phạt từ ngày 10/4, nên tôi đã mua mũ bảo hiểm cho con. Các trẻ còn nhỏ chưa ý thức được nhiều thì chính phụ huynh mình phải nghiêm túc chấp hành”.
Tuy nhiên, trái ngược với ý thức chấp hành của đông đảo phụ huynh, vẫn còn một số phụ huynh chưa đội mũ bảo hiểm cho trẻ, lý do hầu hết các phụ huynh này đưa ra là “do vội nên quên”. Đáng chú ý là vẫn còn tình trạng các em học sinh cấp II, III “đầu trần” đi xe đạp điện, xe máy điện đến trường.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện có trên 94% người lớn đội mũ bảo hiểm, nhưng chưa đến 5% trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Còn theo Bộ Y tế, mỗi năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ em bị tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có nguyên nhân trẻ không đội mũ bảo hiểm khi gặp tai nạn. Đó là con số đáng báo động và cũng là căn cứ để Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử phạt quyết liệt.
Thực tế, đã có rất nhiều bài học đau lòng từ những vụ tai nạn giao thông gây thương tích cho trẻ. Những đứa trẻ ngây thơ, vô tội đã phải chịu di chứng nặng nề từ tai nạn giao thông, nhiều gia đình mất trẻ cũng vì tai nạn giao thông. Vì vậy, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông là hết sức cần thiết, không những bảo vệ tính mạng cho trẻ khi tham gia giao thông, mà còn xây dựng được một nền nếp, ý thức chấp hành Luật Giao thông cho trẻ.
Theo ông Hồ Văn Lai - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng: Quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức, sự tự giác của các bậc cha mẹ. Nếu các bậc phụ huynh tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thì chắc chắn sẽ bớt đi những hệ lụy đau lòng từ tai nạn giao thông. Trong thời gian tới, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh phối hợp với các ngành chức năng sẽ kiên quyết, mở nhiều đợt cao điểm, liên tục để nhắc nhở, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, chỉ mình sự quyết tâm của lực lượng CSGT là chưa đủ mà còn cần sự vào cuộc của toàn xã hội, cùng tham gia nhắc nhở, nghiêm túc thực hiện từ các cấp khu phố, xã, phường. Quan trọng nhất là rất cần sự hợp tác của các bậc phụ huynh khi thực hiện các chủ trương, các giải pháp của cơ quan chức năng về an toàn giao thông.
D.Thương- V.Báu