Phổ biến áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

04:04, 21/04/2015

(LĐ online) - Phổ biến việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước cho cây trồng là chỉ đạo mới đây nhất của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Thực hiện chỉ đạo này của Bộ trưởng, ngày 21/4 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị "Chỉ đạo phổ biến áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước" với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho nhiều cơ quan thuộc Bộ và các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.

(LĐ online) - Phổ biến việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước cho cây trồng là chỉ đạo mới đây nhất của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Thực hiện chỉ đạo này của Bộ trưởng, ngày 21/4 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị “Chỉ đạo phổ biến áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho nhiều cơ quan thuộc Bộ và các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.
 
Thực tế trong vài năm gần đây, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, đặc biệt là công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, đã chứng minh đây là một giải pháp mang tính đột phá. Hiện đã xuất hiện không ít mô hình tiêu biểu về áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn như các mô hình tưới chuối trên đất dốc ở Lào Cai; tưới cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên; tưới rau, hoa ở Lâm Đồng; tưới cây ăn quả ở Bình Dương; mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao Unifarm ở Bình Dương...
 
Hệ thống tưới nhỏ giọt tại một vườn dâu tây công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng)
Hệ thống tưới nhỏ giọt tại một vườn dâu tây công nghệ cao ở Đà Lạt
 
HIỆU QUẢ MANG LẠI
 
“Tại sao phải áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm tiên tiến?” là câu hỏi của đại diện Viện Khoa học thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đặt ra và cũng là câu hỏi của hơn 100 đại biểu tham gia hội nghị. Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tự trả lời câu hỏi này là do: Yêu cầu của thị trường về giá cả và chất lượng, số lượng ngày càng khắt khe; vấn đề hạn hán và thiếu nước tưới trong nông nghiệp ngày càng cấp bách; khả năng cấp nước của các công trình thủy lợi đã tới hạn; quỹ đất nông nghiệp truyền thống ngày càng bị thu hẹp; các vùng đất dốc khan hiếm nước cần được khai thác; chi phí lao động ngày càng cao; và vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng.
 
Theo Viện Khoa học thủy lợi, hiện ở Việt Nam có 6 mô hình tưới tiết kiệm chính là tưới nhỏ giọt ngầm, tưới nhỏ giọt capanet, tưới nhỏ mặt, tưới phun mưa, tưới phun cấp hạt nhỏ và tưới phun sương. Thực tế qua áp dụng các mô hình, hiệu quả mang lại là khá khả quan được biểu hiện trên các mặt: Quản lý dinh dưỡng cây trồng, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm phòng trừ cỏ dại, giảm nấm bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, cơ giới hóa, sản xuất hàng hóa quy mô lớn... Từ thực tế Lâm Đồng, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Phan Trung Ngôn cho biết: Với mô hình tưới phun trên cây chè, cứ mỗi hecta chỉ cần 1,5 giờ tưới, lượng nước tưới được 30m 3, nhân công 0,25 người và đạt độ ẩm từ 14% - 16%. Trong khi đó, với phương pháp tưới cổ truyền thì 1ha chè cần đến 30 giờ tưới, 5 công lao động, lượng nước tưới 340m 3 (quá lớn) và độ ẩm đạt được từ 16% - 19% (cao ở mức không cần thiết). Hoặc như ở cây cà phê, mô hình tưới nhỏ giọt so sánh với cách tưới truyền thống được Sở NN-PTNT Lâm Đồng đúc kết (tính theo quy đổi thành 1ha): Tưới nhỏ giọt mất 17 giờ, lượng nước tưới là 19m 3, công lao động tưới là không (0), độ ẩm đạt được từ 15% - 16%. Trong khi đó, nếu áp dụng kiểu tưới truyền thống thì cần đế 31 giờ, lượng nước tưới lên đến 310m 3, cần đến 5 công lao động và độ ẩm đạt từ 18% - 19%. Từ thực tế áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ở Lâm Đồng, ông Phan Trung Ngôn đi đến kết luận: Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã làm thay đổi cơ bản tư duy nhận thức của người canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tính bền vững; tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
 
VẤN ĐỀ ĐẶT RA
 
Kết quả ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn cả nước thu lại là khá khả quan. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) - bà Lê Thi Kim Cúc - thì “Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội so với tưới truyền thống nhưng việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp nước ta vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng. Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch gắn với phát triển tưới tiết kiệm nước; các doanh nghiệp đầu tư cho cho nông nghiệp chưa vào cuộc; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nông dân, tổ chức kinh tế, xã hội để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm chưa hoàn thiện, đồng bộ, chưa tạo được động lực...”. 
 
Từ thực tế trên, đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới, bà Lê Thị Kim Cúc cho rằng, các cơ quan hữu trách trung ương và địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch tưới tiết kiệm tiên tiến; hoàn thiện thể chế, chính sách; điều chỉnh cơ cấu đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường tuyên truyền, đào tạo và tập huấn; và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Cụ thể hơn, với nội dung rà soát và bổ sung quy hoạch, cần rà soát quy hoạch thủy lợi toàn quốc theo mục tiêu tái cơ cấu ngành trong điều kiện biến đổi khí hậu; rà soát lồng ghép giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong các quy hoạch khu hoặc vùng nông nghiệp công nghệ cao trên toàn quốc; rà soát lồng ghép ứng dụng công nghệ tưới tiên tiên vào quy hoạch thủy lợi, quy hoạch nông nghiệp chi tiết của các địa phương, các vùng... để phát huy thế mạnh của cây trồng cạn.
 
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cho rằng việc phát triển tưới tiên tiến và tiết kiệm nước cho cây trồng, nhất là cây trồng cạn, trong tình hình hiện nay là việc làm cấp bách, cần phải có những giải pháp để thúc đẩy việc triển khai ứng dụng trong phạm vi cả nước. Và, để đạt được mục tiêu đề ra, công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện cần được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành trung ương và của chính quyền và ngành chức năng địa phương như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.
 
Khắc Dũng