Thực trạng di dân tự do đến Lâm Đồng

08:04, 27/04/2015

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nhiều sông suối, hồ đập, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp,… nên thời gian qua một lượng lớn dân di cư tự do đến lập nghiệp gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng địa phương.

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nhiều sông suối, hồ đập, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp,… nên thời gian qua một lượng lớn dân di cư tự do đến lập nghiệp gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng địa phương.
 
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra khu dân di cư tự do tại Đam Rông
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra khu dân di cư tự do tại Đam Rông
 
Theo thống kê của các ngành chức năng địa phương từ năm 1990 đến nay, có hơn 59 ngàn hộ dân với hơn 260 ngàn nhân khẩu từ các tỉnh, thành trong nước di cư tự do đến Lâm Đồng. Trong đó, từ năm 1990 đến năm 2005, tình trạng di cư tự do đến Lâm Đồng một cách ồ ạt với gần 56 ngàn hộ và hơn 248 ngàn khẩu, tập trung nhiều ở các địa phương Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm và Bảo Lộc. Còn từ năm 2005 đến nay, có hơn 3,6 ngàn hộ với gần 14 ngàn nhân khẩu di cư tự do đến, tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh và Đam Rông. 
 
Tình trạng di dân tự do đến Lâm Đồng thời gian qua đã tác động nhiều mặt đến sự phát triển của địa phương. Dân di cư tự do đến Lâm Đồng chủ yếu để sản xuất nông nghiệp, phát nương làm rẫy nên họ thường tìm đến những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh để lập nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính tại địa phương. Ngoài ra, dễ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trên địa bàn như tranh chấp đất đai, phá rừng làm rẫy, săn bẫy thú rừng làm tổn hại môi trường sinh thái. Mặt khác, dân di cư tự do cũng làm gia tăng dân số cơ học tại vùng nhập cư làm cho chiến lược dân số bị đảo lộn cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động. Việc di dân tự do đến sống rải rác ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa khó quản lý đã gây khó khăn cho địa phương trong việc giải quyết ổn định đời sống cho người dân. Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân di cư tự do thường gặp khó khăn. Do ở vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên thiếu điện, đường, trường, trạm để phục vụ đời sống dân sinh. Nên con cái dễ bị thất học, ốm đau khó tiếp cận được với dịch vụ y tế hiện đại, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tự phát nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ… Tình trạng di cư tự do đến Lâm Đồng còn tác động đến văn hóa - xã hội và an ninh trật tự địa phương. Nhiều nhóm đồng bào dân tộc khi di cư đến Lâm Đồng đã mang theo cả một số hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội như tảo hôn, đẻ nhiều con, mê tín dị đoan, nghiện hút… 
 
Ngoài những tác động tiêu cực thì tình trạng di dân tự do đến Lâm Đồng cũng có tác động tích cực như bổ sung thêm nguồn nhân lực với chi phí thấp cho địa phương, góp phần thúc đẩy việc khai thác sử dụng đất hoang hóa, phát triển sản xuất trên địa bàn dân cư; góp phần tăng mối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng dân di cư tự do… 
 
Theo bà Hoàng Thị Hường - Viện Khoa học môi trường và xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của dân di cư tự do cho sự phát triển địa phương. Tuy nhiên, những hệ lụy của tình trạng di dân tự do là không nhỏ, mà trực tiếp gánh chịu hậu quả chính là bản thân những người dân di cư tự phát và người dân sở tại. Di dân tự do là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ và có sự phân công, phân nhiệm cụ thể giữa các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương”.
 
Có thể thấy, trong những năm qua, tình trạng di dân tự do đến Lâm Đồng đã ít nhiều làm đảo lộn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương. Qua đó cũng gây gánh nặng cho địa phương trong việc quản lý, bố trí cán bộ, chi phí ngân sách để sắp xếp, bố trí ổn định đời sống cho dân di cư tự do và giải quyết những vấn đề nảy sinh. Vì vậy, các địa phương nên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân ổn định cuộc sống, không ồ ạt di cư tự do làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa bàn nơi đi và nơi đến. Người dân cũng chủ động nắm bắt thông tin không bỏ ruộng vườn, di cư tự phát để ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của chính bản thân mình và mọi người.
 
DUY NGUYỄN