Ân tình vùng sâu

08:05, 13/05/2015

Cuối tháng 4, những tấm lòng thiện nguyện từ thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, huyện Di Linh và Đức Trọng hẹn nhau vào các xã vùng sâu huyện nghèo Đam Rông. Họ quyên góp từ bạn bè và tự bớt chi tiêu của mình để mua lương thực, thực phẩm cho những bệnh nhân nghèo, may áo đồng phục, mua quà cho học sinh. 

Cuối tháng 4, những tấm lòng thiện nguyện từ thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, huyện Di Linh và Đức Trọng hẹn nhau vào các xã vùng sâu huyện nghèo Đam Rông. Họ quyên góp từ bạn bè và tự bớt chi tiêu của mình để mua lương thực, thực phẩm cho những bệnh nhân nghèo, may áo đồng phục, mua quà cho học sinh. Niềm hạnh phúc khi được san sẻ ngời trên mỗi khuôn mặt những người dân K’Ho, Mông, M’Nông chính là món quà dành lại cho người thiện nguyện.  
 
Nhóm thiện nguyện là những doanh nhân, giáo viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, những người làm công tác bảo hiểm, chữ thập đỏ, báo chí và người dân thường cùng thầy Nhuận Thông (trụ trì Tịnh xá Phước Đức). Họ chung sức theo sự kêu gọi của chính trái tim mình. 
 
Những món quà trao cho học sinh Trường THCS Liêng Trang, xã Đạ Tông
Những món quà trao cho học sinh Trường THCS Liêng Trang, xã Đạ Tông

Bếp ăn tình thương nơi huyện nghèo 
 
Qua ngã ba Bằng Lăng, đoàn tiếp cận điểm đầu tiên là Trung tâm Y tế huyện Đam Rông. Trên khuôn viên 4ha, khu làm việc và điều trị cao tầng khang trang với công suất 40 giường bệnh mới đưa vào sử dụng năm 2010 nên còn tinh tươm. Bác sĩ, Giám đốc Trung tâm K’Ngọc Hùng nắm chặt tay chúng tôi giữa trưa nắng  tròn bóng chói chang. Anh dẫn chúng tôi vào sâu phía sau, vừa chỉ túp lều nhỏ nép bên góc phải khuôn viên vừa chậm rãi tự hào giới thiệu: “Trước đây khó khăn, Trung tâm chỉ làm tạm nơi đó để bà con nấu ăn. Mới 1 tháng nay, chúng tôi có được Bếp ăn tình thương này. Hôm khánh thành, anh Tâm - Phó Chủ tịch Ủy ban huyện và rất nhiều người tham dự”. Cũng như nhiều cán bộ trong tỉnh đến công tác tại Đam Rông, anh K’Ngọc Hùng là người dân tộc K’Ho, nhà ở huyện Di Linh nhưng đã bám trụ vùng nghèo này nhiều năm. Riêng ngành y tế của Đam Rông có 32 bác sĩ, 8/8 xã đều có bác sĩ; ngoài Trung tâm Y tế còn có 2 phòng khám khu vực ở Phi Liêng và Đạ Tông. Thế mới biết, việc chăm lo mọi mặt về đời sống kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa…, trung ương và tỉnh luôn hướng về bà con các dân tộc huyện nghèo Đam Rông. 
 
Nơi vùng sâu xa lắc xây dựng và tổ chức được Bếp ăn tình thương quả là vô cùng trân quý. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng Đỗ Hoàng Tuấn cho biết, Bếp ăn tình thương do Hội Chữ thập đỏ tỉnh kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, tổng số tiền xây dựng nhà, bể nước và trang thiết bị như nồi cơm điện, tủ lạnh, bếp ga, quạt điện, bàn inox… tổng trị giá 116 triệu đồng và khoảng 80 triệu đồng tiền mặt mua lương thực, thực phẩm. Ngày chúng tôi có mặt, nhà bếp mất điện, các tình nguyện viên hí húi tất bật nấu bằng bếp ga để 100% bệnh nhân nội trú được ăn cơm đúng bữa. Cơm, thịt và canh dọn lên bàn, mỗi suất trị giá 15 ngàn làm vị khách nào cũng tấm tắc khen. Chị Lê Thị Lợi - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Rômen, Trưởng ban điều hành nhễ nhãi mồ hôi, vừa xúc cơm cho hơn 20 bệnh nhân vừa khẳng định: “Không phải hôm nay có đoàn vào mà cơm ngon đâu, bữa nào cũng vậy cả. Ngày nào cũng 3 món: xào, canh, kho. Nhưng Bếp mới duy trì được một bữa trưa, rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của mọi người để có thêm bữa chiều cho bệnh nhân”. Bếp ăn chỉ hợp đồng Liêng Jrang K’Sim, giữ vai trò Phó ban điều hành với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, còn 19 người khác là tình nguyện viên thay nhau phục vụ không lương. K’Sim là người dân tộc M’Nông, 31 tuổi, vợ của BS Kon Sơn Đa vít - Trưởng khu khám bệnh khu vực Đạ Tông. Chồng đi học chuyên khoa I, K’Sim vài ngày mới về nhà, con đầu 6 tuổi học nội trú trường huyện còn con út học mầm non và 2 con nuôi 1 tuổi đều nhờ ông bà ngoại chăm nuôi. Lý do nhận làm việc tại Bếp với mức lương thấp, K’Sim chia sẻ đơn giản: “Mình thấy bệnh nhân tự đi mua ngoài không được no, không đủ dinh dưỡng nên giúp được thì giúp”. Còn tình nguyện viên Hà Thị Hường, người Đà Lạt, vào mở trang trại tại xã vừa phục vụ bếp ăn vừa là một trong những người tài trợ chính. Chị Hường cho biết thêm, hiện gạo đang xin được, còn lại các thứ khác mua quán và các nhà vườn. 
 
Nhìn cảnh những người nhà của các bệnh nhân xếp hàng để lấy cơm, chúng tôi đều xúc động xen lẫn niềm hạnh phúc. Chị Vừ A Hàm, người Mông ở xã Rô Men lấy cơm cho chồng là Vừ A Hỏa, nói: “Mình rất thích và vui lắm, cơm ngon mà không mất cái đồng tiền nào”. Còn anh Ha Lin lấy cơm cho bệnh nhân K’Kiều (xã Liêng Srôn) bày tỏ: “Được sự giúp đỡ của mọi người, có cơm của Trung tâm mừng quá. Nhà xa 7km, nếu không có cơm từ thiện mình phải đi lại vất vả lắm”. Bệnh nhân của Trung tâm chủ yếu thuộc 6 xã: Liêng Srôn, Đầm Ròn, Đạ Rsal, Đạ Tông, Rô men, Đạ Long và xã Quảng Hòa, tỉnh Đắc Nông. Có bệnh nhân ở xa hơn 30km, tít “cổng trời” của xã Đạ Long. Có cơm từ thiện vừa đỡ gánh nặng khó khăn, vừa động viên lớn đối với các gia đình bệnh nhân. 
 
Chia tay cán bộ Trung tâm và các gia đình bệnh nhân, chúng tôi tiếp tục mang gạo, mì tôm, quần áo cũ vào xã Đạ Tông để giúp người nghèo theo đề nghị của xơ Mậu. Tâm niệm của người phụ nữ Anh hùng lao động Mai Thị Mậu là cố gắng tổ chức được Bếp ăn tình thương cho bệnh nhân trong vùng này sớm nhất. Anh Trần Thanh Hùng - Trưởng đại diện chi nhánh Bảo hiểm nhân thọ DAI-ICHI-LIFE ở Lâm Đồng chia sẻ: “Chúng tôi từ Bảo Lộc và Di Linh cùng nhau vào đây là để chia sẻ ý tưởng và mong muốn của sơ Mậu là mỗi ngày làm sao các bệnh nhân nghèo người dân tộc thiểu số đang điều trị ở đây có được 2 bữa cơm hoặc cháo để ăn trước khi uống thuốc. Sau chuyến đi này, tôi tiếp tục kêu gọi bạn bè - những tấm lòng nhân ái cố gắng chia sẻ hàng tháng với sơ”.
 
Và tấm áo tinh tươm  
 
Đoàn vào với học sinh Trường THCS Liêng Trang, xã Đạ Tông. Để có được 200 chiếc áo sơ mi đồng phục đẹp và tốt cho gần 200 học sinh nghèo tại đây, cô Nguyễn Thị Ngọc - Chủ tịch Chữ thập đỏ Trường Tiểu học Phan Như Thạch, thành phố Đà Lạt bền bỉ nhiều ngày làm cầu nối giữa các bạn bè thiện nguyện - lãnh đạo nhà trường - nhà may tại thành phố Hồ Chí Minh. Không ai không thể xúc động mạnh khi tận mắt chứng kiến niềm vui khôn tả lung linh ngời sáng trong ánh mắt của mỗi trẻ thơ trong nếp áo mới tinh khôi. Tổng phần quà trao cho các cháu tuy chỉ gần 30 triệu đồng, nhưng lớn hơn là sự cao cả của những tấm lòng. Hiệu phó Nguyễn Thị Mộng Trinh cũng là người Đà Lạt, chân thành cảm ơn những tấm lòng thiện nguyện. Đại diện học sinh, em Krajan K’Dum, học lớp 8A1 phát biểu: “Chúng em là học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Để có thể được cắp sách đến trường như ngày hôm nay, bố mẹ chúng em đã phải rất vất vả làm nương, làm rẫy lo cái ăn, cái mặc hàng ngày… Hôm nay được nhận quà là áo trắng chúng em vô cùng biết ơn các cô, các chú. Chúng em hứa sẽ học thật tốt để xứng đáng là con ngoan trò giỏi và hơn thế là không phụ lòng các cô, các chú đã luôn quan tâm và động viên chúng em”. 
 
Lời trao gửi của cô bé học trò mảnh mai nơi vùng sâu Đam Rông văng vẳng trong chúng tôi dọc đường về. Hơn một lần, nó nhắc nhở và động viên chúng tôi bước tiếp trên con đường thiện nguyện…
 
Ghi chép: MINH ĐẠO