Sau 3 năm triển khai thu phí sử dụng đường bộ, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều gặp khó khăn trong việc thu loại phí này. Riêng tại TP Bảo Lộc, trong năm đầu triển khai (2013), tổng số tiền phí sử dụng đường bộ thu được gần 1,8 tỷ đồng.
Sau 3 năm triển khai thu phí sử dụng đường bộ, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều gặp khó khăn trong việc thu loại phí này. Riêng tại TP Bảo Lộc, trong năm đầu triển khai (2013), tổng số tiền phí sử dụng đường bộ thu được gần 1,8 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2014, con số này chỉ còn gần 410 triệu đồng và trong 5 tháng đầu năm 2015, TP Bảo Lộc chỉ mới thu được hơn 35 triệu đồng.
|
Đường Lam Sơn được duy tu, sửa chữa từ nguồn kinh phí bảo trì đường bộ |
Trong năm đầu tiên triển khai, dù số tiền thu từ phí sử dụng đường bộ đạt cao nhưng so chỉ tiêu kế hoạch thì chỉ đạt khoảng 1/3. Trong 11 phường và xã, phường II là đơn vị có số thu đạt cao nhất với hơn 456 triệu đồng; tiếp đến là phường Lộc Sơn, B’Lao và xã Lộc Châu. Các địa phương có số thu đạt thấp là phường Lộc Tiến, Lộc Phát và xã Lộc Thanh, Lộc Nga. Ông Nguyễn Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND phường II, cho biết: “Sở dĩ số thu phí sử dụng đường bộ của phường đạt cao là nhờ công tác triển khai và chỉ đạo, đôn đốc được thực hiện sát sao và thường xuyên. Ngay từ đầu năm, UBND phường đã có văn bản triển khai cho các tổ dân phố thực hiện việc thu loại phí này lồng ghép với thu các nguồn quỹ vận động khác. Tuy nhiên, do việc thu phí sử dụng đường bộ không được triển khai đồng bộ giữa các xã, phường và không có các biện pháp chế tài đối với những đối tượng cố tình chây ì, không chịu nộp nên công tác thu ngày càng khó khăn hơn. Từ năm 2014, số người không chịu nộp phí sử dụng đường bộ ngày càng nhiều hơn. Dù địa phương đã tích cực vận động và có nhiều văn bản để triển khai nhưng vẫn không đạt kết quả cao”.
Nhiều đơn vị khác, như: Xã Lộc Nga, Lộc Châu, phường I, Lộc Tiến… đều “kêu” khó về việc thu phí sử dụng đường bộ. Hầu hết các địa phương đều cho rằng, do thiếu biện pháp chế tài nên loại phí này khó thu. Trong khi đó, theo quy định thì đến nay vẫn chưa có quy định nào cho phép lực lượng công an sử dụng biện pháp chế tài đối với người điều khiển xe máy chưa đóng phí sử dụng đường bộ. Chính từ trở ngại này, phí sử dụng đường bộ ngày càng khó thu và số thu ngày càng tụt lùi. Bước sang năm 2014, số tiền phí sử dụng đường bộ cần phải truy thu của năm 2013 là gần 4,3 tỷ đồng và số thu mới được giao là 5,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số truy thu đều không thu được; còn số thu mới chỉ bằng gần 1/4 so với số thu năm trước và đạt 1/14 so với chỉ tiêu kế hoạch giao.
Xã hoàn toàn không thu được loại phí này là Lộc Nga hoặc số thu chỉ được vài triệu đồng là phường I, Lộc Tiến, Lộc Phát và xã Đam B’ri, Lộc Thanh. Ông Trịnh Văn Chí, Phó Phòng Tài chính Kế hoạch TP Bảo Lộc, cho biết: “Mặc dù trong năm 2014 và bước sang năm 2015, Phòng đã tham mưu cho TP Bảo Lộc ban hành nhiều văn bản để triển khai thu phí sử dụng đường bộ nhưng kết quả vẫn không đạt. Ngoài nguyên nhân vì thiếu biện pháp chế tài, một số xã, phường còn chưa tích cực triển khai công tác thu và chưa thống kê, lập bộ từng loại xe máy cụ thể.
Hiện tại, dù đã hết tháng 5, nhưng Hội đồng Quản lý quỹ của tỉnh vẫn chưa giao chỉ tiêu kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ năm 2015 cho các huyện, thành. Tuy nhiên, UBND TP Bảo Lộc đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Bảo Lộc đã yêu cầu Phòng Tài chính Kế hoạch làm việc với Công an TP Bảo Lộc thống kê số lượng xe máy từng xã, phường. Phòng Nội vụ có nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp kết quả thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn từng xã, phường để làm căn cứ đánh giá công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị”.
Theo quy định, phí sử dụng đường bộ sẽ được trích lại cho địa phương để làm công tác duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn. Cụ thể, đối với cấp xã, tổng số phí sử dụng đường bộ thu được sẽ trích 20% để triển khai công tác thu và chi cho người trực tiếp đi thu; 80% còn lại sẽ được trích toàn bộ cho việc duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn. Đối với cấp phường, thị trấn, 10% trong tổng số thu sẽ dành cho công tác thu và người đi thu; 90% còn lại sẽ nộp vào Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh và sau đó sẽ được cân đối theo tỷ lệ 60% cho các huyện, thành và 40% cho tỉnh để bảo trì đường bộ. Trong 2 năm 2013 - 2014, tổng số tiền mà TP Bảo Lộc được trích lại từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ là hơn 1,3 tỷ đồng. Số tiền này đã sử dụng để duy tu, sửa chữa tuyến đường Lam Sơn (phường Lộc Sơn). Theo ông Trịnh Văn Chí, do số tiền trích lại cho các địa phương không lớn, nên không thể chia đều cho các phường, xã mà được sử dụng để duy tu, sửa chữa những tuyến đường cấp thiết và theo thứ tự ưu tiên.
HỮU SANG