Thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng và để tạo thế làm ăn vững chắc tại một xã nghèo vùng sâu, những năm trước đây, UBND huyện và các ngành ở Bảo Lâm đã cùng với địa phương tích cực vận động và tổ chức, hỗ trợ bà con nông dân thôn 2, xã Lộc Bắc khai hoang đất ruộng để sản xuất lúa nước.
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng và để tạo thế làm ăn vững chắc tại một xã nghèo vùng sâu, những năm trước đây, UBND huyện và các ngành ở Bảo Lâm đã cùng với địa phương tích cực vận động và tổ chức, hỗ trợ bà con nông dân thôn 2, xã Lộc Bắc khai hoang đất ruộng để sản xuất lúa nước.
Với diện tích gần 20ha đất ruộng, hàng năm, bà con nông dân ở đây đã sản xuất được sản lượng lúa gạo, không những cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong gia đình mà còn có lúa gạo hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, diện tích ruộng để gieo cấy lúa nước có hiện tượng sụt giảm dần. Vụ đông xuân vừa qua, bà con chỉ gieo cấy gần 16ha. Khả năng trong vụ hè thu năm 2015 này, diện tích gieo cấy lúa nước chỉ còn hơn 8ha. Và, trong tương lai gần, diện tích ruộng để gieo cấy lúa nước ở đây sẽ còn tiếp tục giảm nữa!
Nguyên nhân diện tích đất ruộng để gieo cấy lúa nước giảm là do một số bà con đào mương thoát nước để chuyển sang trồng chè cành. Theo bà con nông dân ở đây, mặc dù gieo cấy lúa đạt năng suất khá cao, nhưng do giá bán lúa gạo quá thấp, nên phải chuyển sang trồng chè cành để có thu nhập cao hơn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc chuyển từ ruộng gieo cấy lúa nước sang trồng chè cành là do tự phát. Chính quyền và các ngành ở địa phương nên kiểm tra, xem xét để có định hướng cho đúng đắn hơn trong việc quy hoạch đất đai và cơ cấu cây trồng. Thiết nghĩ, đất trồng lúa không phải nơi nào cũng trồng được. Hà cớ chi, đất ruộng lại chuyển sang trồng chè, trong khi việc quy hoạch đất trồng chè ở Lộc Bắc cũng không khó lắm, nằm trong tầm tay, nếu có nhu cầu!
XUÂN LONG