Dấu ấn chiếc xe mang tên La Dalat

09:10, 29/10/2015

Nhắc đến xe hơi cổ, người yêu xe không thể không nhớ tới một chiếc xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất từng sản xuất tại Việt Nam. Đó là chiếc xe mang thương hiệu của thành phố Hoa: La Dalat. Từ năm 1970 cho đến 1975, Công ty Xe hơi Sài Gòn đã sản xuất hơn năm ngàn chiếc xe dân dụng La Dalat tại Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%. Đã có lúc, đây là chiếc xe mang lại tự hào cho thương hiệu Việt.

Nhắc đến xe hơi cổ, người yêu xe không thể không nhớ tới một chiếc xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất từng sản xuất tại Việt Nam. Đó là chiếc xe mang thương hiệu của thành phố Hoa: La Dalat. Từ năm 1970 cho đến 1975, Công ty Xe hơi Sài Gòn đã sản xuất hơn năm ngàn chiếc xe dân dụng La Dalat tại Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%. Đã có lúc, đây là chiếc xe mang lại tự hào cho thương hiệu Việt.
 
Một chiếc La Dalat tại thành phố Đà Lạt
Một chiếc La Dalat tại thành phố Đà Lạt

Vào giữa thập niên 60, trước sức ép cạnh tranh từ các loại xe gắn máy 2 bánh: Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki, Bridgestone... cũng như các loại ô tô Toyota, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Daihatsu… nhập khẩu, hãng Citroën quyết định tung ra thị trường một loại xe thực dụng và rẻ tiền, loại xe mà các công ty sản xuất xe Nhật Bản không thể cạnh tranh được. Tiếp đó, các kỹ sư của chi nhánh Société Automobile d’Extrême-Orient tại Sài Gòn bắt tay vào sản xuất và lắp ráp ngay tại Việt Nam một chiếc xe tuy không sang trọng và mạnh như xe Mỹ, nhưng giá thành và chất lượng ăn đứt tất cả các loại xe của Nhật. Chiếc xe được đặt tên là La Dalat.
 
Và chiếc La Dalat ra đời với 4 kiểu dáng khác nhau có phần máy và hệ thống tay lái, bộ nhún, bộ thắng... nhập cảng từ Pháp, trong khi, các bộ phận như đèn, kén báo hiệu, ghế nệm, dàn đồng đóng bằng tôn, mui xe bằng lá thép uốn hoặc vải,... được thiết kế và sản xuất ngay tại Việt Nam. Ước tính từ năm 1970 cho đến 1975, Công ty Xe hơi Sài Gòn sản xuất hơn năm ngàn chiếc La Dalat, tức là hơn một ngàn chiếc mỗi năm! 
 
Tiền thân là gốc Pháp nhưng La Dalat đã để lại dấu ấn không hề nhỏ mang tên Việt Nam. Năm 1973, ngạc nhiên và hài lòng với thành công đáng ngờ của Công ty Xe hơi Sài Gòn, Citroën đã sang Việt Nam lấy 3 chiếc La Dalat về Pháp để mổ xẻ phân tích thiết kế, từ đó họ cho ra đời kiểu khung xe dễ sản xuất mà không đòi hỏi đầu tư nhiều công nghệ. La Dalat được đánh giá là chiếc xe tiết kiệm xăng, dễ sửa chữa, dễ thay thế các bộ phận hỏng hóc, đặc biệt các bộ phận như cánh cửa, kính xe đều có thể tự chế. Các thiết bị, chi tiết rời được bán với giá phải chăng vì được chế tạo hoàn toàn ở Việt Nam.
 
Trong giai đoạn thịnh vượng, trên đường phố Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tàu có không ít bóng dáng chiếc xe mạnh mẽ, với màu xanh nhạt đặc trưng của La Dalat. Tiện dụng, tiết kiệm và mang thương hiệu Việt khiến La Dalat được nhiều người chọn mua. Sau này, khi hãng Citroën không còn sản xuất dòng xe này nữa, thương hiệu La Dalat vẫn không phai trong lòng người yêu xe, đặc biệt là những người mê xe cổ. ở Đà Lạt có không ít người yêu thích và sưu tầm chiếc xe mang tên thành phố mù sương và ông Lương Sỹ Tư Hoài, một người Đà Lạt đang sở hữu một chiếc La Dalat mang màu xanh nhạt như thế. Ông Hoài cho biết, Đà Lạt hiện còn khá nhiều người đang sở hữu chiếc xe này. Chiếc La Dalat của ông vẫn chạy tốt, máy móc còn ngon lành. Hay chiếc La Dalat của ông chủ vườn hồng Lan Ngọc nổi tiếng vẫn được sử dụng để chạy quanh nội thành Đà Lạt. Ông Hoài khẳng định: "Máy móc của xe La Dalat được làm rất tốt, ít hỏng hóc, dễ sửa chữa. Hiện thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận còn cả chục chiếc. Đây là chiếc xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất từng xuất hiện ở Việt Nam, đã từng là niềm tự hào của công nghệ sản xuất xe hơi Việt". Đó cũng chính là lý do mà ông Hoài quyết định giữ gìn chiếc xe như kỷ niệm về một thương hiệu nổi tiếng mang tên thành phố quê hương.
 
Không chỉ người Đà Lạt mới tha thiết với xe hơi La Dalat, ở thành phố Hồ Chí Minh, xe La Dalat cũng được giới chơi xe tìm, mua và "độ" lại theo ý thích. Chiếc xe kiểu dáng đơn giản đứng cạnh những chiếc siêu xe vẫn tràn đầy tự hào bởi đây là chiếc xe mang thương hiệu Việt, chế tạo tại Việt Nam và khơi dậy trong lòng người Việt về một tinh thần Việt
 
Diệp Quỳnh