Nguyễn Trọng Nhân - thí sinh nhỏ tuổi nhất (7 tuổi) đến từ Lâm Đồng đã giành ngôi vị quán quân cuộc thi "Nhí tài năng toàn quốc" năm 2014. Phần thi đánh trống và hát bài "Đám cưới chuột" của cậu bé đến từ xứ cao nguyên đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhất từ Ban Giám khảo cuộc thi.
Nguyễn Trọng Nhân - thí sinh nhỏ tuổi nhất (7 tuổi) đến từ Lâm Đồng đã giành ngôi vị quán quân cuộc thi “Nhí tài năng toàn quốc” năm 2014. Phần thi đánh trống và hát bài “Đám cưới chuột” của cậu bé đến từ xứ cao nguyên đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhất từ Ban Giám khảo cuộc thi. Trong hành trình Trọng Nhân đến với thành công ấy có sự ươm mầm, góp sức của những người “bạn đồng hành” đặc biệt, chính là bố mẹ em.
|
Nguyễn Trọng Nhân đang đánh trống theo bản nhạc Charly Carretón - Avenged Sevenfold - Nightmare |
Thật khó để giấu được sự ngỡ ngàng khi nhìn Trọng Nhân say sưa chơi trống. Thế mới hiểu vì sao trong ngày khai giảng năm nay, cả thầy và trò Trường Tiểu học Mê Linh (nơi Nhân đang theo học) đã lặng đi khi xem em biểu diễn.
Trong câu chuyện với chúng tôi về quá trình đến với bộ môn trống của Trọng Nhân, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (bố của Nhân) nhớ lại: “Năm Nhân 4 tuổi, một lần tình cờ nghe bạn của bố chơi trống, khi bản nhạc kết thúc, trong lúc không ai để ý, Nhân đã bước đến bên dàn trống, tự mình gõ gõ. Dáng người quá thấp chưa đủ để đánh đến hết tất cả các bộ phận; sức còn yếu, nên tiếng trống chưa đủ độ mạnh; nhưng nhịp trống đã gần đúng. Mọi người thấy vậy nên hết lời cổ vũ để Nhân tự tin đánh tiếp. Cháu đã gõ lại gần như chính xác với bản nhạc được vang lên trước đó, trong sự ngỡ ngàng của mọi người”.
Nhân tỏ ra thích thú đặc biệt với dàn trống, nhưng ban đầu bố mẹ em chỉ nghĩ rằng đó là “sự hiếu kỳ” của trẻ nhỏ. Nhân cũng thích chơi game như bao đứa trẻ khác. Nhưng với em, game chưa bao giờ quyến rũ hơn trống. “Nhân vui nhất khi chơi trống, khi ấy cháu dường như không để ý đến mọi thứ xung quanh và học đánh các bài trống rất nhanh. Thấy cháu bộc lộ những sở thích và năng khiếu như vậy, nên gia đình tôi quyết định tạo điều kiện để cháu được tiếp cận nhiều hơn với bộ môn trống”, anh Nghĩa kể. Việc “tiếp cận” mà anh nói đến chính là cách gửi Nhân ở nhà một người bạn làm nhạc công chơi trống. Và dù công việc có bận rộn thế nào đi chăng nữa, anh vẫn cố gắng dành thời gian lên mạng để nghiên cứu thêm về bộ môn này; tìm những bài biểu diễn hay và đôi khi là để cùng con nghe các nhạc công biểu diễn. Bởi theo anh, “mình không thể chỉ bảo trực tiếp được cho con, nhưng có thể cùng học, cùng chơi và trở thành người “bạn đồng hành” trong việc thực hiện ước mơ của con”.
Nhân chưa đủ lớn để hiểu rằng, trời đã ban cho em một khả năng tuyệt vời đối với bộ môn trống. Nhưng bố mẹ em thì đã biết điều đó. Họ đang từng ngày ươm mầm giúp em phát huy năng khiếu sẵn có bằng tình yêu thương. Sau 3 năm, nỗ lực của Trọng Nhân cùng với sự “đồng hành” của bố mẹ, đã làm nên trái ngọt đầu tiên. Em đã mạnh dạn đứng trên sân khấu, chơi trống như một nhạc công chuyên nghiệp với tất cả niềm đam mê để giành giải quán quân ở cuộc thi Nhí tài năng, năm 2014.
Vợ chồng anh Nghĩa hiểu rằng, Đà Lạt chưa phải là môi trường tốt để có thể giúp con rèn luyện trở thành nhạc công chuyên nghiệp. Nhưng với gia đình anh, điều quan trọng nhất là để con được thỏa sức thể hiện mình với đam mê. Bởi lúc này không gì khiến Nhân vui hơn được chơi trống.
Trong căn nhà số 43 đường Nguyễn Văn Cừ, TP Đà Lạt, bố mẹ Nhân vẫn dành cho em một căn phòng riêng nho nhỏ để đặt bộ trống - phần thưởng nhận được từ cuộc thi “Nhí tài năng” 2014. Ngày ngày sau giờ học, tiếng trống lại vang lên từ chính niềm đam mê của em và sự động viên của bố mẹ.
Nói về tầm quan trọng của phụ huynh trong việc hỗ trợ con cái phát triển năng khiếu và theo đuổi ước mơ, bà Thái Thị Tơ - Giám đốc Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng, cho rằng: “Hầu hết những đứa trẻ sinh ra đều mang sẵn trong mình một khả năng gì đó. Nếu có cơ hội tiếp cận với các bộ môn năng khiếu khác nhau, khả năng và sở thích của trẻ sẽ được tìm thấy. Không ai trên đời này sinh ra và tự hoàn thiện được mình mà không chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Năng khiếu là trời cho, song môi trường và sự định hướng của bố mẹ mới là điều quan trọng nhất trong việc ươm mầm và phát triển năng khiếu của trẻ nhỏ”.
N. NGÀ