Thách cưới là một hủ tục tồn tại lâu đời trong đời sống hôn nhân của đồng bào dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng. Thách cưới đã và đang là gánh nặng của phụ nữ dân tộc thiểu số, cản trở rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới...
Thách cưới là một hủ tục tồn tại lâu đời trong đời sống hôn nhân của đồng bào dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng. Thách cưới đã và đang là gánh nặng của phụ nữ dân tộc thiểu số, cản trở rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Lâm Đồng đã chú trọng xây dựng các mô hình “Nói không với hủ tục tập quán lạc hậu” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ma và lễ hội.
|
Chị em phụ nữ thôn K’Long Trao 1 - xã Gung Ré sinh hoạt mô hình “Nói không với thách cưới" |
Trên địa bàn xã Gung Ré, huyện Di Linh có 9 thôn, trong đó có 6 thôn với 2.440 hộ, 10.817 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm hơn 60% dân số. Bà con dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên nơi đây vẫn còn mang nhiều hủ tục lạc hậu. Trong đó có việc thách cưới là một trong những luật tục đã ăn sâu bám rễ trong đời sống cộng đồng người Kơ Ho. Theo luật tục, nhà trai được thách cưới nhà gái bằng những lễ vật có giá trị như con trâu, ché rượu, khăn, ùi, tiền bạc... Cũng bởi luật tục này mà không ít cô gái nhà nghèo không thể bắt chồng, hoặc bắt được chồng thì lại phải gánh nặng nợ nần nhiều năm sau đó.
Trải qua 21 năm chung sống và đã có 3 con khôn lớn trưởng thành, nhưng đến bây giờ ước mơ về một đám cưới hạnh phúc của anh chị Ka Nhơn ở thôn K’Long Trao 1 - xã Gung Ré vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Bởi cái nghèo, cái khó về kinh tế mà gia đình nhà gái đã không thể hoàn thành tục thách cưới - luật tục xưa nay không thể thiếu trong đám cưới ở buôn làng. Không có lễ vật thách cưới, Ka Nhơn không thể bắt chồng, vậy nên dù chung sống gần nửa đời người nhưng họ vẫn chưa một ngày được dòng họ công nhận là vợ chồng. Chị Ka Nhơn chia sẻ: “Nhà mình nghèo lắm, không có tiền thách cưới cho nhà trai nên không làm đám cưới được. Bây giờ mình quyết định không làm đám cưới nữa, để tiền nuôi con ăn học thôi”.
Để đẩy lùi hủ tục lạc hậu, Chi hội Phụ nữ thôn K’Long Trao 1 - xã Gung Ré đã xây dựng mô hình “Nói không với thách cưới”. Mặc dù, không dễ để thay đổi một luật tục đã “bám rễ” qua nhiều thế hệ, nhưng chi hội đã quyết tâm triển khai với mong muốn “mưa dầm thấm lâu” góp phần đẩy lùi được những hủ tục lạc hậu để những cặp vợ chồng trẻ chung sống với nhau vui vẻ, hạnh phúc. Được thành lập từ năm 2011 với 31 thành viên, các hội viên phụ nữ rất ủng hộ mục đích ý nghĩa và quy chế hoạt động của mô hình. Mô hình sinh hoạt 2 tháng 1 lần để tuyên truyền cho chị em các quy định của pháp luật về tổ chức cưới hỏi, tang ma, về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, lồng ghép với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về thực hành tiết kiệm. Đồng thời, qua thực tế việc tang ma, thách cưới trong thôn, chị em đã trao đổi thảo luận về những hệ quả để lại cho các gia đình, con em sau khi lo xong việc tang ma, cưới hỏi, đặc biệt là các gia đình nghèo. Từ đó, chị em đã nhận thức được rằng những luật tục tập quán do ông bà xưa truyền lại là quá nặng nề, làm ảnh hưởng đến đời sống của con cháu.
Nhằm tạo sự đồng thuận của bà con trong thôn, Hội Phụ nữ xã, Ban chủ nhiệm mô hình đã khéo léo vận dụng uy tín của già làng, trưởng họ, biết phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể khác ở thôn để mô hình “Nói không với thách cưới” của Chi hội K’Long Trao 1 - xã Gung Ré thu được những kết quả bước đầu. Đó là số thành viên tham gia mô hình ngày một tăng lên, cụ thể qua 3 năm triển khai đã thu hút thêm 41 chị tham gia, nâng tổng số thành viên mô hình đến nay là 72 chị. Hủ tục thách cưới từ 1 cây vàng trở lên và nhiều vật dụng có giá trị khác đã dần được xóa bỏ, đám tang chỉ để người chết ở trong nhà 2 ngày thay vì kéo dài đến 5 ngày. Trong 3 năm qua, các thành viên tham gia thực hiện mô hình có 16 đám cưới thì có 13 đám cưới theo nếp sống mới, đó là tổ chức hai họ góp tiền đám cưới chung. Điển hình như chị Ka Nhền, chị Ka Huy, chị Ka Tris không đòi hỏi thách cưới bằng vàng. Về việc tang có 9 người chết thì đều để viếng từ 2 - 3 ngày. Chị Trần Thị Lệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gung Ré, huyện Di Linh chia sẻ: “Thông qua mô hình này, nhận thức chị em tiến bộ rõ rệt, chị em học tập lẫn nhau và tích cực hưởng ứng xây dựng đời sống văn hóa mới, tiến bộ”.
Từ khi mô hình được thành lập đến nay, thôn K’Long Trao 1 đã không còn cảnh trai gái chia tay vì hủ tục thách cưới. Những cặp vợ chồng trẻ cũng không còn nỗi lo trả nợ cho gia đình đôi bên. Họ chung sống hạnh phúc và cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo ở thôn cũng giảm xuống chỉ còn 1%. Hủ tục thách cưới dần được đẩy lùi, cuộc sống buôn làng đã có nhiều khởi sắc. Kết quả đạt được từ sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của Hội Phụ nữ xã và sự đồng tình, trách nhiệm của các thành viên mô hình đã có sức lan tỏa trong cộng đồng. Mô hình “Nói không với thách cưới” đã tuyên truyền hiệu quả, thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ các dân tộc trong tỉnh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
DIỆU THUẦN