Nâng cao năng lực bảo vệ phát triển rừng cho người dân tộc thiểu số

08:11, 02/11/2015

Hành động REDD+ hiệu quả nhất, bền vững nhất là chính những người dân sống trong rừng, sống gần rừng. Ở Lâm Đồng, chủ yếu đó là đồng bào dân tộc thiểu số như K'Ho, Châu Mạ và Churu… Trong số hàng ngàn lượt đồng bào K'Ho và Châu Mạ đã và đang hành động REDD+ ở các huyện theo kế hoạch cấp cơ sở (gọi là SiRAP),

Hành động REDD+ hiệu quả nhất, bền vững nhất là chính những người dân sống trong rừng, sống gần rừng. Ở Lâm Đồng, chủ yếu đó là đồng bào dân tộc thiểu số như K’Ho, Châu Mạ và Churu… Trong số hàng ngàn lượt đồng bào K’Ho và Châu Mạ đã và đang hành động REDD+ ở các huyện theo kế hoạch cấp cơ sở (gọi là SiRAP), mô hình tại thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh cần tiếp tục phát huy và đúc kết để nhân rộng.  
 
Bà con K’Ho thôn Kala Tơngu đang thảo luận làm thế nào để bảo vệ rừng tốt nhất
Bà con K’Ho thôn Kala Tơngu đang thảo luận làm thế nào để bảo vệ rừng tốt nhất

Ngày 29/10, Điều phối viên Ban quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng Phạm Thành Nam cho biết: Từ khi thực hiện Chương trình UN-REDD Lâm Đồng giai đoạn 2 Ban quản lý Chương trình đã tổ chức 70 sự kiện truyền thông với 2.978 người tham gia (riêng 10 tháng năm 2015 có 46 sự kiện, số người tham dự là 2.486 người) để nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực về REDD+, biến đổi khí hậu và quản lý bảo vệ rừng được tổ chức ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Trong số hàng ngàn lượt đồng bào dân tộc thiểu số được tập huấn, đồng bào K’Ho thôn Kala Tơngu được triển khai sớm nhất với nhiều nội dung diễn ra trong nhiều tháng, từ cho vay vốn tạo sinh kế với 10 triệu đồng/hộ; hỗ trợ cây giống và tập huấn trồng cây; tập huấn phòng chống cháy rừng và hỗ trợ thông tin liên lạc cho các tổ tuần tra bảo vệ rừng... 
 
Tham gia cùng bà con thôn Kala Tơngu phát cây dại, trưởng thôn K’Brền, kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn cho tôi biết nhiều thông tin về những hoạt động phòng chống mất rừng và suy thoái rừng. Từ các chương trình, dự án, bà con đã trồng 1ha cây mây, 3ha cây mắc ca xen canh và sắp tới trồng 825 cây dẻ hương trên đất rừng trống. Từ năm 2011-2014, Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) đã xây dựng tại thôn 400m đường từ thôn tới cánh đồng với kinh phí 1,4 tỉ đồng; đầu từ 10ha cây bơ và sầu riêng.  
 
Kala Tơngu hiện có 218 hộ, 918 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và quản lý bảo vệ rừng. Diện tích cà phê toàn thôn khoảng 226ha, trung bình hơn 1ha/hộ; diện tích lúa nước 75ha (trong đó 70ha 2 vụ), sản lượng từ 3,5-4 tấn/ha/vụ. Thu nhập từ rừng bằng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, gồm 500ha rừng sản xuất tại tiểu khu 664 và 673 giao cho 201 hộ bằng hình thức cộng đồng với 14 thành viên trong Ban quản lý, chia thành 4 tổ (46-50 hộ/tổ), mỗi tổ chia thành 10 nhóm (4-5 người/nhóm). Hoạt động của các thành viên được xây dựng chặt chẽ về quy chế tổ chức quản lý, chia sẻ lợi ích và được hỗ trợ nghiệp vụ từ Hạt Kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn. Với đơn giá 450 ngàn đồng/ha, thu nhập trung bình của 201 hộ này mỗi hộ 1.119.403 đồng/năm. Ngoài ra, 153,11ha rừng giao khoán cho 8 hộ từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập trung bình 8.612.438 đồng/hộ/năm; 12 hộ được nhận khoán bảo vệ 325,24ha với đơn giá 200.000 đồng/ha theo ngân sách nhà nước, thu nhập trung bình 5.420.667 đồng/hộ/năm. Đối với chương trình UN-REDD, tỉnh đã giao 500ha rừng cộng đồng cho thôn với tổng số vốn 300 triệu đồng (gồm quản lý bảo vệ; phát triển rừng và hỗ trợ sinh kế). Bà con tham gia hoạt động UN-REDD được cấp 201 áo mưa có logo Chương trình UN-REDD Lâm Đồng; tập huấn tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng hàng tuần; tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc 416 cây sao, cây dầu tại thôn… 
 
Tuy nhiên, đại diện bà con K’Ho thôn Kala Tơngu, ông K’Brền nói: Một trong những khó khăn chính của bà con là thiếu vốn sản xuất. Thôn chủ yếu trồng cà phê nên gần như 100% hộ đều phải vay vốn hàng năm ít nhất hơn 10 triệu đồng/hộ, từ ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc từ các nguồn khác như họ hàng, vay lãi suất... Vì vậy, ông K’Brền kiến nghị: Chương trình hành động REDD+ năm 2015 tiếp tục hỗ trợ thêm 300.000.000 đồng; Tăng định mức chi trả dịch môi trường rừng lên 550.000 đồng/ha. Từ thực tiễn công tác quản lý bảo vệ rừng, trưởng thôn Kala Tơngu cũng đề xuất các tổ chức, đơn vị liên quan hỗ trợ cho bà con dụng cụ và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là mùa khô đang đến rất gần. Một phát sinh sau lập kế hoạch hành động REDD+ tại thôn Kala Tơngu cũng cần quan tâm giải quyết là có 18 hộ K’Ho tách hộ riêng nhưng chưa được tham gia vào tổ quản lý bảo vệ rừng. 
 
Việc thông qua quá trình tham vấn cộng đồng tại thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh cho thấy người dân đồng thuận và có trách nhiệm cao trong thực hiện kế hoạch REDD+. Nhờ vậy, công tác quản lý và bảo vệ rừng tại đây thực sự có hiệu quả thiết thực, vừa đạt chiều rộng vừa có chiều sâu. Tuy  nhiên, khó khăn như đã nêu, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thấp; người dân là chủ rừng cộng đồng nhưng còn bị giới hạn quyền xử lý đối tượng gây ra tác động xấu đến rừng…
 
MINH ĐẠO