Vướng bảo hiểm y tế, xã khó đạt chuẩn nông thôn mới

09:11, 03/11/2015

Là xã với 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, việc vận động người dân mua bảo hiểm y tế tại Phú Hội - Đức Trọng dù đã nỗ lực nhưng vẫn còn hết sức khó khăn nên địa phương đang lo khó đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.

Là xã với 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, việc vận động người dân mua bảo hiểm y tế tại Phú Hội - Đức Trọng dù đã nỗ lực nhưng vẫn còn hết sức khó khăn nên địa phương đang lo khó đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.
 
Nỗ lực giảm nghèo 
 
Nằm cạnh thị trấn Liên Nghĩa, Phú Hội là một xã đông dân cư của huyện Đức Trọng. Toàn xã có trên 4.300 hộ dân, gần 19 nghìn nhân khẩu sinh sống tại 13 thôn, trong đó gần 46% dân số của xã là dân tộc thiểu số. Trong 13 thôn của xã có 5 thôn thuần đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, 3 thôn thuộc vùng sâu vùng xa của Đức Trọng.
 
Phát động xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2011, Phú Hội đến nay đã đạt những kết quả hết sức khả quan. Là một xã thuần nông nghiệp, đến nay diện tích nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tại Phú Hội gần 1.220ha, nhiều nhất tại Đức Trọng. Nhờ làm tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, người dân nơi đây đã nhanh chóng chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nhiều diện tích lúa một vụ trước đây nay thành vườn rau thương phẩm có giá trị cao. Đất đai được người dân nơi đây sử dụng khá hiệu quả, tổng diện tích đất gieo trồng của xã trong năm đạt trên 9.000ha, trong đó diện tích rau thương phẩm chiếm gần 3.000ha. Cùng đó, xã cũng có thế mạnh của cây cà phê với trên 1.700ha, trên 21ha hồ tiêu. Thu nhập bình quân trên 1ha đất theo UBND xã, đạt trên 130 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người năm nay đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm.
 
Giải quyết hồ sơ cho dân tại UBND xã Phú Hội
Giải quyết hồ sơ cho dân tại UBND xã Phú Hội

Theo UBND xã Phú Hội, từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới đến nay, tổng kinh phí huy động cho công cuộc này rất lớn, trên 1.760 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 1,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 6,3 tỷ đồng, ngân sách huyện 4 tỷ đồng, vốn lồng ghép 98,8 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 680 tỷ đồng và từ các nguồn vốn khác. Đặc biệt, người dân Phú Hội đã đóng góp tiền, công lao động, hiến đất xây dựng các công trình dân sinh trên 18 tỷ đồng. 
 
Phú Hội cũng là xã thực hiện rất tốt công tác giảm nghèo của huyện Đức Trọng. Năm 2011, trên địa bàn xã có 124 hộ nghèo  thì đến nay chỉ còn 54 hộ, trong số này có 29 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 1,78% số hộ dân tộc thiểu số trong xã. Để đạt được điều này theo ông Lương Việt Tiến, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban chỉ đạo nông thôn mới, hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc quyết liệt. Đó là từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ sản xuất, các nguồn vốn vay tín dụng, các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Bên cạnh, còn là sự nỗ lực đáng ghi nhận của nhiều hộ nghèo, chăm lo làm ăn, tăng cường sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
 
Nỗi lo bảo hiểm y tế 
 
Đến thời điểm này trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo ông Tiến cho biết, xã đã đạt 15 tiêu chí. Chỉ còn lại 4 tiêu chí đang tiệm cận, đó là các tiêu chí về cơ sở vật chất - văn hóa, trường học, môi trường nông thôn và y tế. Xã đang lên kế hoạch hoàn thành tất cả 4 tiêu chí này để đạt chuẩn nông thôn mới trong cuối năm nay.
 
Trong 4 tiêu chí trên, theo ông Tiến, 2 tiêu chí về cơ sở vật chất - văn hóa và trường học khá ổn vì xã đến nay đã có 13/13 thôn có hội trường thôn, có 2 sân bóng đá, các thôn có sân bóng chuyền và xã đang xây dựng Nhà văn hóa xã với kinh phí 3 tỷ đồng, sẽ hoàn tất trong cuối năm nay. Tương tự trong tiêu chí trường học, xã có 9 trường học, trong đó 4 trường đã đạt chuẩn quốc gia và đang xây dựng 10 phòng học cho Trường Mẫu giáo Phú Hội, cuối năm nay sẽ đưa vào sử dụng.
 
Trong tiêu chí môi trường, theo ông Phạm Viết Thạch, Chủ tịch UBND xã Phú Hội, lâu nay xã đã phát động “Ngày chủ nhật xanh” và đang làm rất tốt công tác này. Mỗi tháng xã huy động người dân tham gia làm sạch đường làng ngõ xóm, nạo vét mương thoát nước, giải quyết dứt điểm những bãi rác tự phát ven đường vốn tồn tại rất lâu như ở đầu cầu Phú Hội, xóm Chung, đường lên thôn Phú An... Một điều rất đáng ghi nhận ở xã là phong trào vận động và hỗ trợ các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo ông Thạch, cứ mỗi nhà tiêu như vậy khoảng 4 triệu đồng, gia đình bỏ ra 2 triệu, số còn lại xã vận động tài trợ và lực lượng dân quân xã sẽ giúp đỡ công đào hố. Đến nay, sau 3 năm phát động, xã đã xây được khoảng 30 nhà tiêu như vậy. Điều vướng hiện nay trong tiêu chí môi trường trên địa bàn theo ông Thạch, chính là sự ô nhiễm của bãi rác Phú Hội. Dù đã có chủ trương của tỉnh đóng cửa nhưng bãi rác này vẫn còn hoạt động.
 
Nhưng khó khăn nhất cho xã hiện nay trong 4 tiêu chí tiệm cận trên chính là tiêu chí y tế. Phú Hội có 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia từ năm 2013, điều lo lắng nhất chính là việc mua bảo hiểm y tế (BHYT) trong dân. Theo ông Thạch, trong năm 2014 xã có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế rất cao, đạt đến 71,4% dân số, vì nơi đây có đông đồng bào dân tộc được nhà nước hỗ trợ mua BHYT, và con số này chiếm đến trên 42% dân số. Năm 2015 do xã từ khu vực II chuyển thành khu vực I nên cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số của xã không còn được nhà nước hỗ trợ miễn phí BHYT như trước nên tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đã tụt xuống rất nhanh, chỉ còn khoảng 30%. Theo ông Thạch, từ khoảng 13.100 thẻ như những năm trước nay có đến khoảng 8.000 người đồng bào dân tộc thiểu số không còn được hỗ trợ thẻ BHYT, trong đó có đến trên 3.300 học sinh người dân tộc thiểu số đang học tại các trường trong xã. Theo qui định người dân mua thẻ BHYT phải đạt trên 70% thì xã mới đạt tiêu chí về y tế nhưng theo ông Thạch rất khó để vận động người dân trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số mua BHYT..
 
Để vận động người dân mua BHYT, Phú Hội đã thành lập Ban vận động do lãnh đạo xã trực tiếp phụ trách. Xã giao nhiệm vụ cụ thể cho khối mặt trận, đoàn thể từ xã đến thôn, phát phiếu khảo sát đến từng hộ dân để kiểm tra lại số nhân khẩu thực trên địa bàn, đồng thời vận động già làng, các chức sắc trong cộng đồng vận động bà con, tăng cường vận động tại trường học: “Biết khó nhưng chúng tôi đang cố gắng hết mức cho mục tiêu đạt 70% dân số mua BHYT từ nay đến cuối năm” - ông Thạch khẳng định.
 
Viết Trọng