Hai mảnh đời éo le, gặp phải bất hạnh từ lúc mới lọt lòng, cuộc sống tuổi thơ đối với họ là những chuỗi ngày cơ cực, đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Thế nhưng, họ đã đến với nhau, nên vợ thành chồng, vươn lên trong cuộc sống, trở thành "Gia đình hạnh phúc của Hội Người khuyết tật TP Đà Lạt".
Hai mảnh đời éo le, gặp phải bất hạnh từ lúc mới lọt lòng, cuộc sống tuổi thơ đối với họ là những chuỗi ngày cơ cực, đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Thế nhưng, họ đã đến với nhau, nên vợ thành chồng, vươn lên trong cuộc sống, trở thành “Gia đình hạnh phúc của Hội Người khuyết tật TP Đà Lạt”.
|
Chị Phạm Thị Nguyệt với công việc may vá |
Khi mới lọt lòng, chị Phạm Thị Nguyệt (42 tuổi), ngụ đường Nhà Chung, TP Đà Lạt đã là đứa trẻ bất hạnh. Chị sinh ra ở Hưng Yên trong một gia đình đói khổ. Trong trí nhớ, căn nhà nơi chị được sinh ra là cái chòi lụp sụp, chật chội, bên cạnh một nghĩa địa rất lớn. Tai họa ập lên đời chị khi chị lên một tuổi. Lần đó, chị bị sốt nặng, sau cơn sốt co giật tím tái thân thể chị Nguyệt không còn cử động được chân trái và tay trái. Gia tài chẳng có gì, cha mẹ đành bất lực nhìn chị bị liệt nửa người. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, không lâu sau cha mẹ ly hôn. Mẹ chị Nguyệt bỏ vào Sài Gòn đi làm thuê, chị sống với cha ở quê nhà. Năm 1986, sau khi cha qua đời, không còn nơi nương tựa cũng là lúc tình mẫu tử thôi thúc chị phải đi tìm mẹ, dù việc đi lại với chị đã là sự khó nhọc. Chị Nguyệt quyết định rời quê nhà Hưng Yên bắt xe khách vào Nam tìm mẹ mà trong người chỉ đủ tiền vé xe. Năm đó, chị Nguyệt 12 tuổi. Tới Sài Gòn, tất cả đều lạ lẫm, không người quen biết, không nơi nương tựa, chị phải đi ăn xin để sống qua ngày và tìm công việc phù hợp với mình. Thấy một đứa trẻ khuyết tật, không nhà cửa, không người thân quen, ai cũng thương nhưng không ai muốn nhận chị vào làm việc. Sau những ngày khổ cực lang thang vất vưởng nơi đất lạ, chị Nguyệt được lực lượng công an đưa vào trại cô nhi. Ở đây, chị được học văn hóa và nghề may vá. Khi đủ 18 tuổi chị xin ra ngoài sống. Để tồn tại, chị đã phải đi làm vườn thuê, xin ở nhờ, và làm may khi có người thuê. Trong suốt thời gian sống ở Sài Gòn, chị Nguyệt vẫn đau đáu sẽ có ngày vô tình gặp được mẹ và mẹ con có thể nhận ra nhau.
Khi tích cóp được ít vốn liếng cho riêng mình, chị Nguyệt quyết định rời Sài Gòn tìm lên vùng đất Đà Lạt sinh sống. Ngày đặt đôi chân tật nguyền đến xứ lạnh Đà Lạt, một người cùng cảnh ngộ với chị Nguyệt là bà Ngô Hoàng Anh (Hội viên Hội Người khuyết tật Đà Lạt), ngụ đường Nhà Chung, TP Đà Lạt đã đưa chị về nhà mình cưu mang. Hàng ngày, chị Nguyệt đi bán vé số, kiếm sống qua ngày. Năm 26 tuổi là một bước ngặt lịch sử trong cuộc đời chị. Tưởng rằng chị phải sống độc thân đến hết đời thì tình yêu bỗng xuất hiện. Người đem đến hạnh phúc cho chị Phạm Thị Nguyệt là anh Nguyễn Minh Tuấn, một người cũng bị khuyết tật, liệt cả đôi chân, hai người quen biết nhau trong lúc anh Tuấn đi bán vé số trên chiếc xe lăn.
Sau lễ đám cưới đặc biệt, niềm hạnh phúc nhân đôi khi hai người con của anh Tuấn, chị Nguyệt lần lượt chào đời là em Nguyễn Thị Mỹ Nhàn và Nguyễn Minh Nhân. Bây giờ, cuộc sống của đôi vợ chồng khuyết tật khá hạnh phúc dù còn đó những khó khăn, hàng ngày, chị Nguyệt nhận sửa chữa, may vá quần áo, anh Tuấn vẫn chiếc xe lăn rong ruổi đi bán vé số dạo. Tài sản trong căn phòng rộng 30m2 là chiếc giường tầng dành cho 4 người nằm, cái tivi đã cũ, lỉnh kỉnh ít đồ đạc mà chẳng có cái nào trị giá vượt quá vài trăm ngàn đồng, ngoài chiếc máy khâu là phương tiện quý giá nhất giúp chị Nguyệt kiếm tiền cùng chồng chăm lo cuộc sống cho gia đình và các con ăn học. Nhưng chị Nguyệt nói, chị đang có tài sản vô cùng lớn, đó là hai người con Nguyễn Thị Mỹ Nhàn, nay đã học lớp 10, Nguyễn Minh Nhân, học lớp 8. Cả hai em đều là học sinh giỏi nhiều năm qua của Trường THCS và THPT Tây Sơn Đà Lạt.
Những giọt mồ hôi trên khuôn mặt anh Tuấn giữa cái nắng ban trưa Đà Lạt không vơi đi sự nhiệt tình với công việc bán vé số. Công việc khó nhọc, lại càng gian khổ hơn đối với người phải ngồi trên chiếc xe lăn như anh, bất kể nắng hay mưa, hàng ngày đều đặn anh Tuấn lăn xe ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi trời đã tối hẳn. Anh chia sẻ, niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là có người vợ biết chăm chồng, thương con, có những người con ngoan hiền, hiếu thảo, học giỏi.
Bà Ngô Hoàng Anh, hội viên Hội Người khuyết tật TP Đà Lạt, cũng là người cho gia đình chị Nguyệt thuê nhà ở cho biết, dù cuộc sống vợ chồng chị Nguyệt còn nhiều khó khăn nhưng gia đình sống rất hòa thuận, hạnh phúc. 15 năm qua, chị chưa thấy vợ chồng chị Nguyệt to tiếng cãi vã nhau, các con của chị Nguyệt đều học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép, sau giờ học là về nhà phụ giúp bố mẹ làm việc. “Trong Hội Người khuyết tật, gia đình chị Nguyệt đứng thứ nhất vì đây là một gia đình hạnh phúc nhất, con cái ngoan hiền, học giỏi” - chị Ngô Hoàng Anh nói.
KHẮC LỊCH - VĂN YÊN