Bắt buộc bổ sung 4 loại vi chất vào chế biến thực phẩm

10:02, 18/02/2016

Theo Nghị định về Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nhằm cải thiện sức khỏe trẻ em do Chính phủ mới ban hành, từ ngày 15-3, bắt buộc phải tăng cường 4 loại vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, gồm: Bổ sung i-ốt vào muối, vitamin A vào dầu ăn, sắt và kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm.

Theo Nghị định về Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nhằm cải thiện sức khỏe trẻ em do Chính phủ mới ban hành, từ ngày 15-3, bắt buộc phải tăng cường 4 loại vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, gồm: Bổ sung i-ốt vào muối, vitamin A vào dầu ăn, sắt và kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm.
 
Việc bắt buộc tăng cường một số vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nhằm tăng cường i-ốt vào muối để phòng, chống bệnh bướu cổ, đần độn và các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra; tăng cường sắt vào bột mỳ để phòng, chống thiếu máu thiếu sắt và khắc phục các hậu quả do thiếu máu thiếu sắt gây ra như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ; tăng cường kẽm vào bột mỳ để cải thiện tăng trưởng góp phần nâng cao tầm vóc con người và phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức năng sinh dục. Việc tăng cường vitamin A vào dầu thực vật để phòng, chống khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A gây ra và góp phần tăng cường sức đề kháng cơ thể.
 
Việc bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng không làm thay đổi thói quen ăn uống của người dân nhưng vẫn đảm bảo đủ vi chất cho sự tăng trưởng.     Ảnh tư liệu
Việc bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng không làm thay đổi thói quen ăn uống của người dân
nhưng vẫn đảm bảo đủ vi chất cho sự tăng trưởng. Ảnh tư liệu

Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), việc Việt Nam thông qua Nghị định này là một cách hiệu quả để cải thiện sức khỏe của người dân vì người tiêu dùng sẽ không phải xác định và lựa chọn những sản phẩm đặc biệt có bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc thay đổi thói quen và khẩu phần ăn uống thường lệ. 
 
Thực tế cho thấy ở Việt Nam hiện có 54,3% phụ nữ có thai và 63,6% trẻ dưới 5 tuổi trong tình trạng thiếu sắt hoặc thiếu máu; 80% phụ nữ có thai và 69,4% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm; 35% phụ nữ đang cho con bú có sữa mẹ với hàm lượng vitamin A thấp. Mức độ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng này được xác định là cao trong lĩnh vực y tế công cộng. Cần phải giải quyết những thiếu hụt này ở cả phụ nữ có thai và trẻ em vì thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong thai kỳ có ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sự tăng trưởng, phát triển của trẻ, cũng như là sức khỏe của bà mẹ. 
 
Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng là một can thiệp hiệu quả về mặt kinh tế vì ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến việc thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ tiết kiệm được hơn rất nhiều so với việc điều trị các bệnh có liên quan. Ngoài ra, những thiếu hụt này làm giảm khả năng phát triển trí tuệ của trẻ, dẫn đến kết quả học tập của trẻ kém và hạn chế khả năng thu nhập của trẻ trong tương lai. Tất cả những yếu tố này có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của quốc gia. Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam mất khoảng 544 triệu đô la Mỹ mỗi năm trong tổng thu nhập bình quân đầu người GDP do thiếu hụt vitamin và khoáng chất ở người dân. Đạt được phổ cập muối i-ốt toàn dân có thể dẫn đến việc thu lại 3.000% lợi nhuận từ đầu tư vào con người, UNICEF nhận định. 
 
Nghị định nêu rõ, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi chất dinh dưỡng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; tổ chức việc cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đối với vi chất dinh dưỡng sản xuất trong nước và nhập khẩu, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng nhập khẩu; xác nhận nội dung quảng cáo đối với vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng nhập khẩu; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vi chất dinh dưỡng...
 
Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu bột mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất dinh; tổ chức xác nhận nội dung quảng cáo, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP với các mặt hàng này cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh bột mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất dinh dưỡng. 
 
Bộ NN&PTNT quản lý ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu muối tăng cường vi chất dinh dưỡng. Tổ chức xác nhận nội dung quảng cáo mặt hàng này và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh muối tăng cường vi chất dinh dưỡng;
 
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thực hiện theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi sản phẩm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về ATTP.
 
(Theo Báo Pháp luật & Xã hội)