Béo phì ở trẻ em trở thành vấn nạn toàn cầu

10:02, 01/02/2016

Ủy ban Chấm dứt nạn béo phì trẻ em (ECHO) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trẻ em ngày nay đang lớn lên trong một môi trường dễ mắc bệnh béo phì. 

Ủy ban Chấm dứt nạn béo phì trẻ em (ECHO) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trẻ em ngày nay đang lớn lên trong một môi trường dễ mắc bệnh béo phì. 
 
Đây là một thách thức chung cho cả thế giới chứ không riêng những nước giàu.
 
Báo cáo cho biết thế giới có 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị béo phì. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng bởi con số đang tăng mạnh, đe dọa các thế hệ tương lai của chúng ta.
 
Hai năm nghiên cứu của ECHO cho thấy tỉ lệ béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng từ 4,8% năm 1990 lên 6,1% năm 2014.
 

Điều đáng lo ngại trong báo cáo là nạn béo phì không còn là “đặc sản” của những nước giàu. Số trẻ béo phì ở nhóm nước thu nhập thấp và trung bình tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Năm 2014, một nửa số trẻ dưới 5 tuổi bị béo phì trên thế giới sống ở châu Á, 1/4 tại châu Phi.
 
“Sự gia tăng nạn béo phì ở những nước thu nhập thấp và trung bình khắp châu Phi và châu Á thật sự đáng báo động, đe dọa kéo lùi sự gia tăng tuổi thọ đạt được trong thập kỷ qua và góp phần làm gia tăng số tử vong, bệnh tật và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người bị ảnh hưởng” - báo cáo viết.
 
Theo ECHO, sự toàn cầu hóa và đô thị hóa đang tạo ra một môi trường không lành mạnh cho trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó việc quảng cáo các loại thức ăn, nước uống không tốt cho sức khỏe là một vấn nạn chính.
 
Theo lãnh đạo ECHO, trẻ bị béo phì gặp rất nhiều rào cản về thể chất, tâm lý, khả năng học tập... và sẽ tạo ra những hậu quả lớn khi trưởng thành 
và cho cả gia đình và xã hội.
 
“Chúng ta cần sự cam kết chính trị mạnh hơn để đối phó với thách thức toàn cầu là nạn béo phì và thừa cân.
 
WHO cần làm việc với các chính phủ để áp dụng các biện pháp giải quyết những nguyên nhân gây béo phì từ môi trường sống và giúp trẻ em có một khởi đầu cuộc sống lành mạnh mà các em đáng được có” - lãnh đạo Peter Gluckman của ECHO phân tích.
 
Báo cáo đề xuất triển khai nhiều chương trình khuyến khích sử dụng thực phẩm lành mạnh và hạn chế những loại không lành mạnh, chẳng hạn đánh thuế mạnh những loại nước uống có đường và thu hẹp thị trường thức ăn không có lợi cho sức khỏe.
 
ECHO cũng kêu gọi chính phủ các nước thúc đẩy trẻ em vận động, tránh ngồi quá nhiều. Cuối cùng và quan trọng nhất là nâng cao kỹ năng và kiến thức dinh dưỡng cho các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ em, và đưa các chương trình giáo dục về sức khỏe, dinh dưỡng vào nhà trường.
 
(Theo Báo Tuổi trẻ)